Bi kịch cuộc đời của những kỹ nữ nổi tiếng Trung Hoa (Phần 1)

Thân là kỹ nữ, cuộc đời chỉ là 'món hàng' trong tay kẻ có quyền thế. Chỉ đến lúc chết đi mới được coi là 'giải thoát'.

Trong làng kỹ nữ Trung Quốc, có không ít người con gái không chỉ tài sắc mà còn có tâm hồn cao quý, khiến người đương thời và cả hàng nghìn năm sau đều tiếc thương, quý trọng. Nhưng suy cho cùng “hồng nhan bạc phận”, cuộc đời của họ cũng chẳng thoát được “số phận” cũng đau khổ bi ai cho đến lúc chết.

Vệ Tử Phu - Hán Vũ Đế Lưu Triệt

Vệ Tử Phu là Hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế - Hoàng đế thứ 7 nhà Tây Hán. Nhưng ít ai biết, trước khi trở thành người đàn bà quyền lực trong hậu cung, bà xuất thân là một ca nữ trong phủ của Bình Dương công chúa - chị gái Hán Vũ Đế.

Thấy Hán Vũ Đế Lưu Triệt lên ngôi đã nhiều năm mà hoàng hậu thứ nhất là Trần A Kiều mãi không sinh được con trai, Bình Dương Công chúa bèn lựa chọn nhiều cô gái con nhà lành đưa về phủ dạy dỗ cẩn thận để dâng vua. Một lần, sau khi tổ chức lễ tế trời đất trên đường trở về, Hán Vũ Đế tiện đường ghé chơi phủ của Bình Dương Công chúa.

Tại đây, Bình Dương Công chúa cho gọi những cô gái xinh đẹp mà mình đã dạy dỗ ra mua vui cho Hán Vũ Đế. Tuy nhiên, hoàng đế nhìn cô nào cũng lắc đầu tỏ vẻ chán nản. Nhưng khi thấy vẻ đẹp của Vệ Tử Phu, ông đã không giấu được niềm say mê nàng ngay lập tức. Sau đó, Vệ Tử Phu đã được hoàng đế âu yếm ngay trong phòng thay đồ của phủ Bình Dương Công chúa.

Ảnh minh họa.

Để trả ơn công chúa, ông còn ra lệnh thưởng một ngàn cân vàng cho Bình Dương. Nhân cơ hội đó, Bình Dương công chúa bèn xin hoàng đế đưa Vệ Tử Phu vào cung để tiện việc hầu hạ.

Một thời gian sau, khi Hán Vũ Đế chuẩn bị cho sa thải những cung nhân có tuổi để chuẩn bị tuyển đợt mỹ nữ mới thì Vệ Tử Phu tìm tới gặp vua, khóc lóc, xin được rời cung. Hán Vũ Đế thấy thương, nên đêm hôm đó giữ Vệ Tử Phu ở lại bên mình.

Trong lần ân ái ấy, Vệ Tử Phu đã mang thai. Kể từ đó, nàng ngày càng được hoàng đế sủng hạnh nhiều hơn. Người kỹ nữ xinh đẹp này đã sinh cho vua tất cả 4 người con, 1 con trai và 3 con gái.

Lý Hương Quân – kỹ nữ chung tình

Cũng đẹp, cũng tài bậc nhất trong đám nữ lưu, nhưng Lý Hương Quân được người đời nhớ mãi vì sự chung tình. Là kỹ nữ trong Mỵ Hương lâu trên sông Tần Hoài, mới 16 tuổi, nàng đã danh nổi như cồn, khách phong lưu ai cũng ao ước một lần gặp mặt. Dù được các nhà đại phú theo đuổi, nàng lại yêu Hầu Phương Vực, một thư sinh. Theo lệ, khách muốn kỹ nữ nào chỉ phục vụ riêng mình thì phải đóng một số tiền lớn. Với một kỹ nữ nổi danh như Hương Quân, món tiền này không phải là thứ mà chàng thư sinh có thể lo được, vì thế cả hai bắt được vàng khi Hầu lang được một người bạn giúp trang trải khoản đó.

Một thời gian sau, biết người cho tiền mình thực chất là Nguyễn Đại Việt, một tên quan vô lại bị thất sủng đang tìm cách lấy lòng kẻ sĩ, Hầu Phương Vực tìm mọi cách trả lại, Hương Quân đã phải bán hết nữ trang, vay mượn để giúp chàng. Trả lại tiền là gây oán với Nguyễn Đại Việt, vì vậy khi tên này đắc thế và ra tay trả thù, Hầu lang phải ra đi lánh nạn. Kể từ đó, dù hàng trăm công hầu, khanh tướng ngày ngày đem tiền nghìn bạc vạn đến cầu, Hương Quân một mực đóng cửa chờ tình lang.

Để trả thù, Nguyễn Đại Việt xúi một vị đại quan lấy Hương Quân về làm thiếp. Thấy quân lính đến “rước” mình, biết không cưỡng lại được, nàng nhảy lầu tự tử. Thấy giai nhân nằm trên mặt đất, đầu đầy máu, đám rước dâu tan. Không từ bỏ mối thù, Nguyễn Đại Việt chờ Hương Quân lành vết thương để lấy danh nghĩa hoàng đế bắt nàng vào cung hầu hạ. Đến khi quân Thanh đánh vào, nàng mới chạy thoát khỏi cung điện, may được thầy dạy nhạc ngày xưa che chở.

Ảnh minh họa

Cảm động trước sự trung trinh của cô gái đang chết dần vì bệnh lao vẫn một lòng nhớ tình lang, người thầy cất công đi tìm Hầu Phương Vực, người cũng đang đi khắp nơi tìm nàng. Nhưng khi Hầu lang đến nơi thì người con gái tài sắc, tiết liệt đã trút hơi thở cuối, chỉ để lại cho chàng món tóc đặt trên chiếc quạt chàng tặng ngày xưa. Chiếc quạt này vương máu Hương Quân khi nàng nhảy lầu tự sát, bạn của Hầu Phương Vực đã cảm động lựa theo vết máu vẽ hình hoa đào, rồi vẽ thêm cành lá thành bức tranh tuyệt đẹp. Kể từ đó, chiếc quạt càng được Hương Quân coi như báu vật, không lúc nào rời cho đến lúc tàn hơi.

Nỗi oan khiên vì sắc đẹp

Thân là kỹ nữ, chịu oan khiên là lẽ thường tình, nhưng nỗi oan đến như Trần Viên Viên thì quả là quá nặng. Chỉ vì quá tài sắc, vô tình bị gán cho cái tội tày đình là làm sụp đổ giang sơn.

Nổi danh là đệ nhất Giang Nam bát diễm (8 nhan sắc bậc nhất Giang Nam), Viên Viên được hoàng hậu của Sùng Trinh hoàng đế đón từ kỹ viện về cung nhằm phá vỡ sự sủng ái của vua đối với một quý phi. Được ít lâu, nàng bị đưa ra khỏi cung vì được nhà vua quá sủng ái, rồi được gả cho tướng Ngô Tam Quế. Quế vô cùng sủng ái nàng.

Ảnh minh họa

Trong lúc Ngô Tam Quế ra trận đánh quân Thanh, Viên Viên lọt vào tay Lý Tự Thành khi Lý cướp ngôi của vua Sùng Trinh. Ít lâu sau, Ngô Tam Quế đầu hàng, dẫn quân Thanh về tiêu diệt Lý Tự Thành rồi chiếm luôn Trung Quốc. Người ta cho rằng, Quế phản bội chỉ vì muốn chiếm lại Trần Viên Viên. Người đời không ngần ngại đổ lên đầu nàng cái tội làm mất nước, nguyền rủa rằng vì nàng mà hàng vạn người phải chết thảm.

Cả cuộc đời làm đồ chơi trong tay đàn ông, chịu đủ tiếng xấu nhưng Trần Viên Viên không được đền bù lại bằng một chút hạnh phúc nào. Ngô Tam Quế khi được vua Thanh phong vương đã e ngại về xuất thân của Viên Viên nên cưới vợ khác và đưa Viên Viên vào tu trong một ngôi chùa. Nàng trút hơi tàn trong nỗi cô đơn, khi tuổi còn khá trẻ.

Theo Diệp Thảo (Khoevadep)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/bi-kich-cuoc-doi-cua-nhung-ky-nu-noi-tieng-trung-hoa-phan-1-788361.html