Bi kịch của người phụ nữ cuồng hy sinh

Phụ nữ khi yêu sẽ bị điên bởi chính họ lựa chọn việc tự đeo gông vào cổ mình với mớ trách nhiệm ngổn ngang.

Tôi nghĩ, phụ nữ khi yêu không ít thì nhiều cũng sẽ bị điên, nói chính xác hơn là bị những ảo tưởng của bản thân mình làm cho phát điên lên. Ở bài viết này, tôi không muốn buộc tội cho đàn ông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đàn ông hoàn toàn vô tội. Những người đàn ông vốn được sinh ra trong bản lĩnh của loài thú săn mồi với sự tham lam có sẵn trong hoóc-môn và hàng tá bao biện ẩn sâu trong những lời nói có cánh sẵn sàng ban phát cho cả nhân loại khi cần, miễn là phần nhân loại ấy chịu cúi mình quỳ giữa hai chân anh. Phụ nữ thích ảo tưởng, thích thỏa hiệp, thích hi sinh, đó chính là tấn bi kịch của cuộc đời họ! Rồi khi hoang mang nhận ra mình đã bị lừa, lừa mất cả cuộc đời, họ đổ lỗi cho định mệnh, đổ lỗi cho đàn ông.

Một người đàn ông sau những ý định bất thành trong việc giáo dục tôi trở thành người tình kiêm người giúp việc của anh, đã quay ngay sang chỉ trích lối tư duy kiêu ngạo và cách sống (mà anh cho là) ích kỷ của tôi, liên tục nói yêu thương anh mà chẳng bao giờ thấy tôi "hiện thực hóa" chúng.

Ảnh minh họa.

Nói trắng ra, anh muốn tôi chăm sóc anh như mẹ anh thường làm ở nhà, như vợ tương lai của anh phải làm, dù tại thời điểm đó, chúng tôi chẳng có gì với nhau hơn hai chữ "người tình".

Tôi hỏi anh: "Vậy còn anh? Em tưởng chúng ta như nhau thôi?". Anh không đáp lời, nhìn mông lung, miệng khe khẽ hát: "Tôi yêu, những gì đến tự nhiên, những câu nói thành thật..."

Hóa ra anh yêu thương không đủ đầy mà lại muốn đòi hỏi sự chân thành đắt đỏ từ một mối quan hệ vốn dĩ đã quá mỏng manh, chẳng trụ nổi dù chỉ là một hơi thở hắt ra sau mỗi cuộc làm tình chóng vánh, nhạt nhẽo. Anh rời khỏi cơ thể tôi, gương mặt không biểu cảm của người đàn ông độc thân đã ngấp nghé bước sang tuổi 30 ấy khiến tôi rùng mình.

Tôi khép mắt và biết rằng: đã tới lúc.

Ngạn ngữ Anh có câu: "Men build the house, women make it home!", dịch ra nôm na là "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".

Câu nói trên khi giữ ở nguyên bản tiếng Anh sẽ thấy được sự đồng thuận, san sẻ lẫn nhau giữa nhiệm vụ của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Trong khi người đàn ông với tầm vóc mạnh mẽ được ví như ngôi nhà vững chải bảo vệ người thân khỏi những chông gai bão tố trong cuộc sống thì người phụ nữ, với đôi tay khéo léo mềm mại, sẽ đóng một vai trò tuyệt vời trong việc biến những vách tường lạnh lẽo ấy trở nên ấm áp, khiến người ta dù đi xa đến đâu cũng muốn quay về nhà. Họ sống dựa vào nhau, một người là vỏ, một người là ruột. Tất cả đều đòi hỏi sự bổ khuyết và đổi vị trí cho nhau như kiểu "hero" và "sidekick". Người này có thể là "hero" trong phạm trù này và trở thành "sidekick" trong phạm trù khác. Chẳng ai độc quyền cai quản một phạm trù riêng biệt nào cả - cơ bản là không hề có sự độc quyền tồn tại trong mối quan hệ vợ chồng.

Vậy mà các quý ông quý bà khi chuyển ngữ câu nói này sang tiếng Việt đã làm cho ý nghĩa của nó trở nên méo mó. Họ dùng cùng một động từ "xây" (build) mà bỏ qua động từ "làm" (make) để gán cho mỗi bên một "thiên chức" riêng, tách bạch công việc của hai người ra thành hai phần khác nhau. Tự dưng, câu văn đọc lên dù nghe êm tai nhưng tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau chẳng còn nữa.

Phải chăng khi du nhập những nét mới mẻ từ văn hóa phương Tây, những con người Á Đông thế hệ cũ cũng nhân tiện áp lên đó những thứ quan điểm truyền thống cổ hủ, hòng thuyên chuyển, hô biến nó theo cách mà người Việt có thể đọc nghe thuận tai, nghĩ thấy thuận óc mà không quan tâm lắm đến việc ý nghĩa đã vô tình bị bẻ gãy? Họ tự hào gọi đó là sự giao thoa văn hóa.

Thật là một nỗi buồn nhân loại...

Thật ra, triết lý của câu nói trên chẳng có gì sai. Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối cãi là nó đã cũ, rất cũ đối với cả hai nền văn hóa Đông - Tây. Thời nay, nền kinh tế thị trường tạo điều kiện việc bình đẳng hóa nổi lên như cồn. Phụ nữ lựa chọn bước ra khỏi gian bếp tối tăm, tham gia vào xã hội. Họ đi làm, họ kiếm tiền và có cuộc sống độc lập. Nhiều người trong số họ đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ trong sự nghiệp. Tuy nhiên, có người phụ nữ nào có thể vừa cáng đáng công việc làm ăn, vừa chu toàn trăm phần trăm cho gia đình không?

Tôi không dám nói là KHÔNG, nhưng nếu có ví dụ điển hình đó tồn tại một cách hoàn mỹ, tôi sẽ tôn sùng họ như những bậc thánh nhân phi thường.

Còn những người phụ nữ trẻ đã và đang cuốc bộ đến còng cả lưng trên hành trình sự nghiệp, có lúc nào đó cảm thấy quá sức với việc làm "thánh" để rồi chọn đáp xuống làm "người", thì âu cũng là sự việc rất bình thường như cân đường hộp sữa.

Khi còn yêu, đàn ông coi phụ nữ như khách quý. Khách quý tới nhà chỉ việc ngồi đó gảy móng tay, trang trí cho chiếc ghế sofa thêm sống động. Khi cưới về, các cô được mặc định là hàng đã đóng dấu, hiển nhiên những việc quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái là việc thuộc về "chức năng" của người phụ nữ sẽ làm, nên làm, phải làm.

Tôi biết có nhiều người phụ nữ, sau 8 tiếng đồng hồ mòn mỏi ở văn phòng, thay vì tự thưởng cho mình một buổi xông hơi thư giãn, chuyện trò tán gẫu đâu đó bên ly sinh tố dưỡng da cùng hội bạn hay chỉ đơn giản là tham gia một lớp tập thể dục thẩm mỹ làm đẹp cho vóc dáng, họ lựa chọn quay trở về nhà, tiếp tục vục mặt vô những công việc "không tên" khác. Đầu tóc rối bù, da dẻ xanh xao vì thiếu ngủ, cơ thể ngập mùi dầu mỡ khó ngửi bên trong những bộ trang phục không biết thuộc về thế kỷ nào khiến các đức ông chồng chỉ còn biết nhìn và... tặc lưỡi... Đời sống giường chiếu mỗi lúc một nhạt vì các anh lẫn các cô đều quá kiệt quệ.

Phụ nữ gọi đó là hy sinh. Phải, họ cho đó là đức hy sinh, là niềm tự hào của một người phụ nữ Á Đông.

Vì thế nên tôi mới gọi phụ nữ khi yêu sẽ bị điên, bởi chính họ lựa chọn việc tự đeo gông vào cổ mình với mớ trách nhiệm ngổn ngang, hoặc do xã hội cũ đặt ra còn họ thì làm theo một cách không định hướng. Những người đàn ông khi ấy thường ở đâu, làm gì, bên cạnh ai?

Xưa rồi Diễm ơi! Tỉnh dậy và sống cho riêng mình!

Theo KhoeDep

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/bi-kich-cua-nguoi-phu-nu-cuong-hy-sinh-82558/