Bị hành hung, cưỡng bức và cướp giật

Từ khi kỳ lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức ở Brazil khởi tranh, nhiều phóng viên của CNN, Reuters, AP... và một số phóng viên tự do đã bị tấn công tại Belo Horizonte, Fortaleza, Porto Alegre, Rio de Janeiro và Sao Paulo.

Hơn 190 vụ bạo hành

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Hiệp hội Báo chí Mỹ (IAPA) đã đưa ra báo cáo về việc, có ít nhất 17 phóng viên đã bị lực lượng an ninh cản trở khi tác nghiệp, kể từ khi World Cup 2014 khai mạc. Bên cạnh đó, IAPA còn lên tiếng kêu gọi điều tra nguyên nhân của các vụ việc này.

Cụ thể, báo cáo này đã lên án hành vi bạo lực nhằm cản trở phóng viên tác nghiệp trong các cuộc biểu tình và tuần hành phản đối World Cup 2014. Điều đáng nói là, các phóng viên này bị chính lực lượng an ninh của nước chủ nhà gây khó dễ trong các tình huống trên.

"Chúng tôi hết sức lo ngại, đồng thời lên án việc các phóng viên bị ngăn cản, thậm chí bị đánh khi đang làm nhiệm vụ"- hãng tin AFP dẫn lời ông Claudio Paolillo, Chủ tịch Ủy ban Tự do báo chí của IAPA cho biết.

"Đáng lo ngại hơn, phần lớn những vụ việc này là do lực lượng an ninh gây ra"- ông Paolillo nhấn mạnh.

Không chỉ IAPA, Hiệp hội Báo chí Điều tra Brazil cũng cho hay, tính từ khi những cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 5-2013, đã có hơn 190 vụ bạo hành với các phóng viên được báo cáo lại. Bên cạnh đó, trong số 17 vụ gần đây nhất, có tới 15 vụ là do sự can thiệp của lực lượng cảnh sát, an ninh.

Bạo loạn và biểu tình ở Brazil khiến nhiều phóng viên bị vạ lây.

Những trường hợp cụ thể

Ngay trong những ngày đầu tiên diễn ra World Cup, nhà báo Shasta Darlington, Trưởng đại diện của hãng tin CNN tại Brazil đã bị thương khi cô đang tác nghiệp đưa tin trực tiếp về vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Sao Paulo bên ngoài sân vận động World Cup 2014. Trong lúc hỗn loạn, Darlington đã bị ngạt hơi cay và một vết cắt ở tay. Một nhà báo của AP cũng bị thương trong một diễn biến tương tự.

Sở dĩ có tình trạng mất an ninh với những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Brazil bởi nhiều người dân Brazil tức giận do chính phủ đã dùng quá nhiều tiền để chi cho World Cup trong khi đất nước còn rất khó khăn.

Nhiều nước có lực lượng phóng viên tác nghiệp ở World Cup khá đông. Điều khá ngạc nhiên là, dù đội tuyển Trung Quốc không lọt vào World Cup nhưng số lượng phóng viên nước này tới Brazil lên tới 120 người. Nhiều phóng viên khi tác nghiệp ở Brazil cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, chẳng hạn như nữ phóng viên Sabina Simonato đã bất ngờ bị một CĐV tuyển Croatia "cưỡng hôn" ngay trong một chương trình truyền hình trực tiếp. Hay một nhà báo ở Đan Mạch sau một chuyến đi Brazil đã quyết định viết đơn thôi việc do nhận thấy World Cup là một cuộc chơi quá tốn kém trong khi phần đông người dân Brazil có mức sống trung bình và đói khổ.

Hơn 90% các vụ ám sát không tìm ra thủ phạm

Phần lớn các vụ ám sát là nhằm vào những nhà báo dũng cảm phơi bày nạn tham nhũng hoặc những hoạt động phi pháp khác - Trung tâm Thông tin của Liên Hợp Quốc cho biết mới đây.

Phát biểu tại buổi họp đặc biệt ở Mỹ về việc bảo vệ các nhà báo tham gia tác nghiệp tại các khu vực xảy ra xung đột vũ trang, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Jan Eliasson - cho biết, việc bỏ ngỏ các vụ điều tra ám sát nhà báo, để mặc thủ phạm ung dung ngoài vòng pháp luật là một hành động "không thể chấp nhận được".

"Nếu không bảo vệ được thì ít nhất chúng ta cũng phải đảm bảo rằng, những vụ ám sát nhà báo phải nhanh chóng được điều tra một cách nghiêm túc để trừng trị thích đáng bọn tội phạm" - ông Eliasson nhấn mạnh.

Theo ông Eliasson, trong vòng 10 năm qua, trên thế giới có khoảng 600 nhà báo bị giết chết.

Cũng trong buổi họp, bà Kathleen Carroll, Tổng biên tập hãng tin AP (Mỹ) kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ), cho biết, cứ 6 nhà báo bị ám sát thì có 5 người bị giết ngay tại địa phương họ sinh sống. Họ là những người chuyên viết các bài phóng sự phanh phui các hành vi phạm pháp và những vụ bê bối tham nhũng tại địa phương

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/nguocsang/dendodo/2014/7/188343.cand