Bị chém đứt gân tay vẫn bắt tội phạm tới cùng

“Làm lính hình sự thì thời gian cũng… vô cùng lắm! Anh em ở đơn vị này ai cũng đi biền biệt, vợ con chẳng mấy khi được nhờ. Đến như mình là Đội trưởng mà cả tháng nay cũng chưa đón con nổi một buổi thì đủ biết công việc bận bịu thế nào” - Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội khái quát về công việc như vậy. Sau 5 cuộc điện thoại hẹn như đinh đóng cột nhưng rồi đều phải chuyển lịch, cuối cùng để gặp được gương mặt được đề cử “Người tốt, việc tốt” Công an thành phố Hà Nội 2016 này, chúng tôi phải “rình” sẵn tại địa chỉ số 7, phố Thiền Quang vào một buổi tối khi anh vừa tham gia đánh án trở về.

Làm nghề thì phải “máu”

Nếu không chịu khó “rình” như vậy thì có lẽ “đến Tết” chúng tôi cũng khó gặp được nhân vật của mình. Để tiện cho cuộc phỏng vấn, tôi gạ: “Anh em mình ra quán cà phê đầu phố, vừa nói chuyện, vừa uống một ly cho đỡ mệt, lại đỡ ảnh hưởng đến công việc của người khác”. Thế nhưng, Trung tá Nguyễn Minh Quang gạt đi: “Tôi còn cả đống hồ sơ phải hoàn thiện trong ngày hôm nay. Mình ngồi đây uống trà, tôi vừa làm việc vừa trả lời cũng được”. Nói thế rồi một tay giở hồ sơ, một tay bấm điện thoại, anh tíu tít với những cú điện của trinh sát gọi về báo cáo tình hình hoặc gọi đi để nắm bắt từng chi tiết vụ án mà dường như quên khuấy mất vị khách là tôi.

Chừng một lúc lâu, khi sự bận rộn đã vơi bớt, Trung tá Nguyễn Minh Quang mới cười như người mắc lỗi: “Thông cảm cho tôi, công việc nó thế đấy. Lúc nào cũng phải xử lý nhanh vì nếu chậm một chút là công sức anh em trinh sát coi như đổ bể. Cái nghề này không dành cho kẻ ưa thích sự an nhàn. Lính hình sự mà không “máu”, không yêu nghề thì không theo được”. Có lẽ cũng bởi cái suy nghĩ đó nên ở trong đội, anh là một trong những cán bộ gắn bó lâu năm nhất.

Trung tá Nguyễn Minh Quang bảo, nhà anh chẳng ai làm công an nên tình yêu nghề đến một cách rất tự nhiên. Ngày còn nhỏ, xem tivi thấy chú cảnh sát lái mô tô 3 bánh, trên thùng xe chở theo chú chó bẹc giê trông rất hùng dũng, lúc ấy anh đã nghĩ sau này lớn lên mình cũng sẽ trở thành công an.

Khi tốt nghiệp cấp III, thi trượt đại học, anh nhất định xin đi công an nghĩa vụ chứ không chờ năm sau học lại. Ở lính 2 năm, anh phấn đấu học tiếp lên hệ trung cấp và đến năm 1997, chàng sinh viên Nguyễn Minh Quang chọn Đội Chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản để xin về thực tập. “Ngày ấy tôi còn lớ ngớ lắm, tham gia tấn công tội phạm thì bị bọn nó cắt đuôi thường xuyên. Có bận ham truy đuổi đối tượng còn ngã xe hút chết. Cũng may sau đó nhờ sự dìu dắt của các thế hệ đi trước trong đơn vị nên dần dần cũng có kinh nghiệm”, Trung tá Nguyễn Minh Quang nhớ lại.

Nhưng những chuyện ngã xe hay tai nạn chỉ là chuyện vặt với người lính hình sự. Theo nghề này lâu năm, anh nào không có dăm ba vết sẹo trên người mới lạ. Điều trăn trở nhất là không phải ai cũng hiểu được hết nỗi vất vả đó. Anh em trong đơn vị đều phải đi đêm về hôm và hầu như quỹ thời gian dành cho gia đình đều quá ít. Trong khi đó, tính chất công việc lại luôn thường trực sự hiểm nguy vì các anh thường xuyên đối mặt với những đối tượng sẵn sàng chống trả khi cùng đường. Nếu không có một “hậu phương” vững chắc và tinh thần yêu nghề, chắc chẳng mấy ai trụ được. Đấy là chưa nói đến việc anh em đi công tác xa phá án phải về xin tiền vợ là chuyện bình thường và không phải đi chuyến nào cũng trở về lành lặn.

Trung tá Nguyễn Minh Quang tâm sự: “Trong đội tôi, nhiều cậu bị thương nhẹ thì trầy xước, nặng thì vào viện nhưng về nhà cũng chỉ im im chứ cấm dám kể với vợ hay người yêu. Tâm lý phụ nữ vốn nhát, nghe đến chuyện va chạm là đã sợ, huống chi nghĩ đến cảnh chồng hay người yêu mình bị đối tượng lăm lăm con dao bầu để chống trả. Để gia đình, vợ con không phải lo cho mình, thế là cũng hạnh phúc lắm rồi!”.

Kiên quyết tấn công tội phạm

Đến bây giờ, sau 18 năm trong nghề, Trung tá Nguyễn Minh Quang cũng không nhớ nổi mình đã tham gia phá bao nhiêu vụ án. Anh bảo, cứ vụ nọ chưa xong đã nối vụ kia, muốn biết cụ thể thế nào thì phải lục hồ sơ ra mới kể được. Nhưng có một vụ mà anh nhớ nhất, đó là anh cùng đồng đội bắt đối tượng Nguyễn Minh Đức (SN 1992), trú tại Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội hồi tháng 9-2011. Dạo ấy, người dân xung quanh khu vực đê Hoàng Mai cứ mỗi tối có việc phải đi qua đây thì đều lo sợ bởi sự xuất hiện một băng nhóm chuyên chặn đường cướp tài sản. Liên tiếp một thời gian dài, ổ nhóm này gây ra hàng loạt vụ cướp xe máy, tiền bạc, tư trang… hết sức manh động rồi biến mất như những bóng ma. Quyết không để nhóm đối tượng này tiếp tục gây án, Đội Chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản của Phòng CSHS được tung vào cuộc. Sau thời gian dài theo dõi, các trinh sát đã dựng lên được chân dung nhóm đối tượng do Nguyễn Minh Đức cầm đầu và lên kế hoạch “cất vó”.

Đúng ngày 15-9-2011, sau khi xác định được Đức đang ẩn náu tại một khu nhà trọ thuộc huyện Thanh Trì, Trung tá Nguyễn Minh Quang cùng 3 trinh sát tiến hành bao vây khu vực này. Khi tiến sát tới phòng ở của Đức, anh bố trí 2 trinh sát chặn các lối thoát của đối tượng, còn bản thân thì cùng một trinh sát khác đi vào kiểm tra hành chính. Lúc này Đức đang cởi trần ngồi giữa nhà, nhưng hắn cũng đủ cáo già khi giả vờ cho biết tại phòng trong còn một đứa bạn khác.

Lợi dụng lúc trinh sát đi cùng vào kiểm tra, Đức rút phắt con dao tông dài giấu dưới chiếu nhằm đầu Trung tá Nguyễn Minh Quang chém thẳng. Né được nhát dao chí mạng, Trung tá Quang lao vào ôm chặt lấy gã lưu manh. Nhưng con thú cùng đường chống trả quyết liệt để tìm cách thoát thân, Đức tiếp tục vung dao loan xạ rồi lao thẳng xuống ao bèo sát phòng trọ. Quyết không để tên lưu manh chạy thoát, Trung tá Quang lao theo khống chế, cùng lúc này các trinh sát đi cùng cũng ập tới. Chỉ đến khi mọi người lôi được Đức lên bờ thì Trung tá Quang mới thấy xót ở cổ tay. Lúc này thì cánh tay anh máu đã ra xối xả, nhát chém của gã lưu manh thấu tận xương cổ tay trái và anh dần lịm đi vì mất máu…

Tỉnh lại trong bệnh viện, các bác sĩ cho biết, nhát chém hiểm khiến anh đứt toàn bộ gân của bàn tay trái với thương tật vĩnh viễn lên tới 26%. Nhưng nhờ bắt được Đức, việc truy bắt các đối tượng khác trong băng nhóm này đã trở nên dễ dàng hơn. Và cũng từ đó, tuyến đê dài từ Hoàng Mai xuống Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên đã trở lại bình yên như trước.

Kể lại câu chuyện này, Trung tá Nguyễn Minh Quang bộc bạch: “Thực ra, công lớn trong các vụ án đều nhờ vào anh em trinh sát đi đêm về hôm và dựng chân dung đối tượng. Ngoài ra còn là sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ cấp lãnh đạo phòng. Có như vậy thì các vụ án mới có thể thành công”.

Cứ như vậy, Trung tá Nguyễn Minh Quang cùng đồng đội lần lượt bước qua những vụ án, cùng với đó chính là việc các anh mỗi ngày đều phải đối mặt với sự hiểm nguy rình rập. Bởi, xã hội ngày càng phát triển, tội phạm ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và rất manh động khiến cho những người chiến sĩ công an, đặc biệt là người lính hình sự phải trực tiếp đối mặt với những cuộc chiến sinh tử. Thế nhưng, với tình yêu nghề, với khát vọng vì nhân dân phục vụ, Trung tá Nguyễn Minh Quang cùng đồng đội của mình là những đại diện tiêu biểu cho hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân khoác lên mình màu áo xanh với những khao khát cống hiến cho cuộc sống mãi mãi bình yên.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bi-chem-dut-gan-tay-van-bat-toi-pham-toi-cung/703952.antd