Bị cảnh sát kéo tới nhà vì... phóng hỏa cúng Tết

Gần nửa đời người sống và làm việc ở xứ người nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Quốc Cường – Việt kiều Ba Lan và gia đình quên đón Tết Nguyên đán. Ông bảo không chỉ riêng ông mà hầu hết những người Việt đang sinh sống, định cư ở nước ngoài luôn quan niệm “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Qua một người bạn lớn tuổi, tôi tình cờ quen biết với ông Nguyễn Quốc Cường (62 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Warszawa, Ba Lan). Bên ấm trà nóng tại một quán trà Việt trên đường Giảng Võ, ông Cường kể cho tôi nghe những câu chuyện buồn vui về việc giữ gìn phong tục tết Việt ở xứ người của gia đình ông cũng như cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

Bị hàng xóm gọi cảnh sát vì… đốt vàng mã

Năm 1992, ông Cường được Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ) cử sang thực tập tại Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan 4 tháng. Trong thời gian này, ông xin chuyển sang làm nghiên cứu sinh với 5 đề tài hợp tác khoa học giữa 2 nước.

Những năm tháng miệt mài lao vào làm khoa học, ông “bén duyên” với mảnh đất, con người Ba Lan. Sau đó, ông đưa vợ, con sang sinh sống và làm việc tại đất nước này.

32 năm sống và làm việc ở xứ người nhưng chưa bao giờ gia đình ông quên Tết cổ truyền của dân tộc. Theo lời ông Cường kể, những năm đầu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi về Việt Nam dịp giáp Tết, ông lại mang từng chiếc lá dong, khúc giang, ít mộc nhĩ, nấm hương… sang chuẩn bị Tết cho cả gia đình.

Năm nào không về nước được thì gia đình ông lại được người nhà gửi từng chiếc bánh chưng sang để đón năm mới…

“Đó là những năm khó khăn, giờ ở Ba Lan không thiếu một thứ gì, từ thực phẩm cho đến đồ lễ…” – ông Cường cho biết. Ông Cường không thể nào quên được những kỷ niệm buồn vui liên quan đến thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết, hôm rằm…

“Khi mang vàng mã (tiền âm phủ, đô la - PV) từ trong nước sang Ba Lan, người Việt mình bị hải quan truy xét gắt gao. Họ tưởng mình mang tiền giả. Chỉ đến khi biết đây là tục lệ, họ mới hiểu và cho phép” – ông Cường cười lớn cho biết.

Mang qua được cửa hải quan sân bay thì lại vướng chuyện hóa vàng ở chung cư. Để các cụ nhận được tấm lòng từ con cháu, ông cùng các con mang vàng mã ra cầu thang chung đốt. Khói bốc lên nghi ngút khiến hàng xóm của ông tưởng ông phóng hỏa, liền gọi cảnh sát.

Từ đó, để tránh làm phiền hàng xóm, dù thời tiết có lạnh đến mấy, ông cũng cố gắng mang vàng mã xuống sân, chọn đúng hướng cửa nhà mình rồi mới hóa vàng.

Cúng Giao thừa từ cửa sổ tầng 7

Lưu giữ và truyền cho con cháu

“Tết Tây là Tết của người ta, Tết Ta là Tết nhớ nhà, xa quê. Ở đất khách quê người, Tết cổ truyền của chúng ta không được vui vẻ, nhộn nhịp như ở trong nước. Đặc biệt vào thời khắc giao thời giữa 2 năm, những người xa xứ như chúng tôi càng thấy buồn, nhớ người thân hơn bao giờ hết.

Nhưng dù có buồn, nhớ người thân đến mấy chúng tôi vẫn cố gắng lưu giữ và truyền cho con cháu những phong tục Tết đẹp” – Ông Cường trầm ngâm.

Dịp này ở Ba Lan là mùa đông ảm đạm nên gia đình ông Cường cũng như những gia đình người Việt khác phải tự tạo không khí Tết. Mọi người cũng lên kế hoạch đi chợ Tết. Mọi người cùng sắm đủ mâm ngũ quả cũng như nguyên vật liệu làm các món ăn Tết như: chuối, gạo nếp, mộc nhĩ, nấm hương. Không có đào, mai, mọi người sáng tạo ra những cành đào mai theo “kiểu Ba Lan”.

“Cành đào cắm Tết thực chất là những cành táo được lấy từ vườn, rừng, sau đó được đốt gốc, cắm trong nước ấm. Khoảng 1 tuần, khi những chiếc mầm đâm chồi nảy lộc, chúng tôi cắt những bông hoa giấy màu đỏ, dán lên đó, tạo thành những bông hoa đào vô cùng đẹp đẽ, xinh xắn, chẳng khác nào những cành đào thật ở Việt Nam.

Nếu không có cành táo, một số gia đình lấy hoa báo xuân - một loại hoa đặc trưng của Ba Lan, nở vào đầu mùa xuân có màu vàng giả làm “hoa mai”- ông Cường kể.

Tiếp lời, ông Cường cho biết có một thứ không thể thiếu trong ngày tết là bánh chưng. Năm nào cũng như năm nào, cứ khoảng 27, 28 tháng 12 âm lịch là các thành viên trong gia đình ông quay quần bên nhau để gói bánh chưng.

Vừa gói bánh, ông vừa kể cho 2 người con trai của mình nghe sự tích bánh chưng, bánh dầy, những tập tục đẹp có trong ngày Tết. Và điều mà ông không bao giờ quên nhắc nhở các con chính là phải luôn giữ bữa cơm cơm tất niên sum họp ngày cuối năm.

“Sau khi ăn bữa cơm Tất niên, vợ tôi dọn dẹp, còn tôi chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa. Cũng như ở Việt Nam, tôi phải đặt ở lò mổ trước vài hôm mới có được con gà trống ưng ý. Gà trống cũng được buộc mỏ, cánh cho thành “cánh tiên”.

Sau đó tôi mang mâm lễ ra ban công tìm hướng đông nam thắp hương. Rồi cả nhà bật tivi xem kênh Việt Nam, nghe chủ tịch nước chúc Tết, ngắm pháo hoa, mừng tuổi, làm thơ, khai bút đầu xuân...” - ông Cường tâm sự.

Đại diện cộng đồng người Việt ở Ba Lan chúc Tết đại sứ và phu nhân.

Được biết ngoài gia đình Việt, cộng đồng người Việt, các hội đoàn tại Ba Lan kết hợp với đại sứ quán, năm nào cũng tổ chức Tết Nguyên đán cho toàn thể người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây. Để tiện cho công việc của mọi người, ngày Tết chung này thường được chọn vào ngày cuối tuần trong Tết.

Những người Việt lại có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau những câu chuyện buồn vui của năm cũ, chuyện quê nhà… Và đây cũng là dịp để thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được tìm hiểu về ẩm thực, âm nhạc, trò chơi, lễ hội dân gian của đất nước, từ đó vun đắp tình yêu quê hương, hướng về cội nguồn dân tộc.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/bi-canh-sat-keo-toi-nha-vi-phong-hoa-cung-tet-262064.html