Bị can được nộp tiền tại ngoại: Ngăn lạm quyền, lạm... tiền!

Quy định đưa ra là nhân văn nhưng cần có khung cơ chế đảm bảo cơ quan tố tụng không lạm dụng việc đặt tiền để cản trở hoạt động điều tra.

Phù hợp với chủ trương hạn chế tạm giam

Đề xuất bị can được nộp 30-200 triệu đồng để tại ngoại được Bộ Công an và các Bộ, ngành đưa ra đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Trao đổi với Đất Việt, LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định, cá nhân hoàn toàn ủng hộ quy định đặt tiền để bảo đảm, thay thế biện pháp tạm giam.

Theo ông Dũ, đây là quy định rất tiến bộ, nhân văn, phù hợp với chủ trương hạn chế tạm giam.

Bị can, bị cáo được áp dụng không bị ức chế về tâm lý, không bị hạn chế quyền đi lại, có điều kiện tiếp tục làm ăn, sinh hoạt, nuôi dạy con cái, cha mẹ, ông bà trong thời gian chưa có án.

"Việc thực hiện quy định này ở Việt Nam không có gì khó khăn. Quy định này đã được thể hiện tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và được hướng dẫn rất cụ thể tại Thông tư liên tịch số 17 ngày 14/11/2013.

Đến BLTTHS năm 2015, quy định này tiếp tục được kế thừa tại Điều 122 và đã có một số sửa đổi, bổ sung do BLHS năm 2015 có thay đổi và thay đổi một số chính sách về hình sự”, LS Dũ khẳng định.

Đề xuất bị can được đặt tiền bảo đảm từ 20-300 triệu để tại ngoại.

Vị LS lưu ý, đặt tiền để bảo đảm chỉ là biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Nghĩa là, người được áp dụng biện pháp này là người đang bị tạm giam chứ không phải được áp dụng với bị can, bị cáo đang tại ngoại.

“Trong khi đang bị tạm giam, bị can, bị cáo thỏa mãn đầy đủ các điều kiện đã được quy định cụ thể thì mới có thể được xem xét, áp dụng. Vì chỉ là biện pháp ngăn chặn nên không ảnh hưởng đến việc thi hành bản án sau đó. Nếu bản án sau đó buộc họ chấp hình hình phạt tù thì họ vẫn phải bị phạt tù bình thường”, LS Dũ chia sẻ.

Với những người thuộc diện nghèo, không có khả năng tài chính thì không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp này.

Tuy nhiên theo LS Dũ, nếu họ thỏa mãn các điều kiện khác về nhân thân, tâm lý, thái độ khai báo, tính chất phạm tội thì có thể được áp dụng biện pháp thay thế khác như Bảo lĩnh hoặc được hủy bỏ tạm giam và được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Không lo phân biệt giàu nghèo

LS Lê Cao (đoàn LS TP Đà Nẵng) cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ đề xuất đặt tiền bảo đảm để được tại ngoại.

Theo LS Cao, Luật đã có nhưng ít được thực thi nên người dân chưa quen với quy định này. Với các quy định hướng dẫn được ban hành lại, nếu thực hiện tốt sẽ giảm bớt một lượng lớn chi phí cho hoạt động giam giữ, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Trước ý kiến lo ngại quy định về đặt tiền sẽ khiến cho người giàu và có sự phân biệt đối xử với người nghèo không có tiền nộp, LS Lê Cao cho rằng cần phải nhìn nhận, xem xét đầy đủ các nội dung.

LS Lê Cao, đoàn LS TP Đà Nẵng

Cụ thể, hiện Dự thảo Thông tư đã khống chế khá nhiều trường hợp không được đặt tiền như: các tội danh tham nhũng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, các tội phạm về ma túy, tham nhũng...

“Pháp luật với các chính sách của nó phải đảm bảo công bằng cho tất cả các đối tượng. Luật pháp làm ra không phải phục vụ cho chỉ người nghèo hay chỉ người có tiền. Câu chuyện thay thế biện pháp giam giữ này cũng vậy.

Đó là biện pháp thay thế, nó không có nghĩa là cách đi mua sự tự do, bởi lẽ số tiền đặt vào sẽ được trả lại, do đó cần phải hiểu ý nghĩa nhân văn tiến bộ của quy định này chứ không chỉ chạy theo chiều hướng sai lệch khác”, LS Cao nhấn mạnh.

Đảm bảo cơ quan tố tụng không tùy tiện, lạm dụng

Đối chiếu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, LS Lê Cao cho rằng, quy định mức tiền đóng vào để thay thế biện pháp tạm giam vẫn khá chung chung.

Vì vậy, theo ông Cao, cần quy định rõ đối với từng loại tội phạm cụ thể, với những khung mức hình phạt cụ thể mà chia ra nhiều khung mức tiền phải đặt để đảm bảo sự phù hợp. Ngoài ra, cần có khung cơ chế đảm bảo các cơ quan tiến hành tố tụng không tùy tiện, lạm dụng việc đặt tiền này để có các hành vi cản trở hoạt động điều tra bình thường.

“Dự thảo cũng nên quy định ở giai đoạn điều tra thì chỉ những trường hợp nào mới được đặt tiền, xong giai đoạn điều tra thì trường hợp nào mới được đặt tiền để đảm bảo quá trình điều tra được thực hiện khách quan, tránh hiện tượng thông cung, lợi dụng việc đặt tiền để bỏ trốn hoặc lợi dụng việc tại ngoại để ngụy tạo chứng cứ làm sai lệch bản chất vụ việc đang được điều tra”, ông Cao nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo LS Nguyễn Văn Dũ, không nên chia ra các mức tiền để áp dụng cho các loại tội phạm mà nên ấn định một mức chung cho tất cả các loại tội phạm khi hội đủ các điều kiện. Như vậy sẽ bảo đảm sự công bằng, khách quan hơn.

"Chia mức tiền theo loại tội phạm không có ý nghĩa gì cả. Hành vi của họ đã xảy ra rồi, quy định mức tiền không phải để bảo đảm thi hành án, mà để gắn trách nhiệm của người được áp dụng.

Tôi cho rằng, mức tiền áp dụng chung cho người có điều kiện tài chính là khoảng 100 hoặc 200 triệu đồng. Trường hợp người nào không có khả năng tài chính mà đủ điều kiện khác thì vẫn có thể được áp dụng biện pháp Bảo lãnh hoặc Cấm đi khỏi nơi cư trú”, LS Dũ đề nghị.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bi-can-duoc-nop-tien-tai-ngoai-ngan-lam-quyen-lam-tien-3339074/