Bị can được nộp tiền để tại ngoại: Phương Tây làm thế...

Đề xuất cho bị can nộp tiền để được tại ngoại là nhân văn nhưng cần phải nâng mức phí đảm bảo và chia rõ các đối tượng, thành phần cụ thể.

Xu hướng văn minh trong luật Tố tụng

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.

Cụ thể, với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt 200 triệu đồng.

Các LS đồng tình trước đề xuất bị can được nộp tiền để tại ngoại. Ảnh minh họa

Nếu thực hiện không đúng, họ sẽ bị tạm giam. Số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc khẳng định hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên của Bộ Công an cùng các Bộ, ngành liên quan.

Theo ông Tám, đây là xu hướng văn minh, dân chủ trong hoạt động tố tụng. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh đã áp dụng từ rất lâu và nhận được sự đồng tình cao từ người dân.

Đến thời điểm này, những nước này vẫn quản lý tốt và hiếm khi xảy ra tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn.

“Nếu người được tại ngoại có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan cảnh sát sẽ tiến hành bắt tạm giam luôn và có thể xung công quỹ luôn số tiền đó”, ông Tám nói.

Ở Việt Nam, LS Tám cho biết, trong thông tư liên ngành số 17/2013 ngày 14/11/2013 có quy định về đặt tiền bảo đảm để thay đổi biện pháp tạm giam.

Tuy nhiên thời gian vừa qua do chúng ta không có những hướng dẫn cụ thể nên hầu hết cơ quan điều tra không dám áp dụng. Có nơi nào áp dụng thì cũng tùy tiện, lúc đặt ít tiền, lúc đặt nhiều.

“Tại ngoại không có nghĩa là chạy án. Có những người ở trong tạm giam nhưng gia đình vẫn chạy án được. Thậm chí ở trong tù còn xuất hiện tình trạng thông cung.

Theo tôi, không phải nhiều nhà tù, bắt giam nhiều người là tốt. Việc này vừa hạn chế quyền tự do của công dân vừa tốn kém lực lượng trông coi, quản giáo, sinh hoạt, ăn uống...

Hơn nữa hiện nay nhà tù và trại giam đang quá tải. Trước đây mỗi tỉnh chỉ có một trại tạm giam nhưng thời điểm này huyện nào cũng có phòng tạm giam, nhà tạm giữ”, ông Tám dẫn chứng.

Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP. HCM cũng khẳng định việc cho phép bị can, bị cáo được đặt 30-200 triệu đồng để không bị tạm giam là phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo ông Bình, với những trường hợp tội ít nghiêm trọng và các bị can, bị cáo có địa chỉ rõ ràng, có xác nhận của chính quyền địa phương, có người bảo lãnh theo Luật. Đồng thời xét đến yếu tố tại ngoại không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan công an thì có thể xem xét cho đặt tiền đảm bảo.

“Những tội liên quan đến kinh tế, trốn thuế... thì hoàn toàn có thể căn cứ vào tình hình thực tế để cho phép đặt tiền đảm bảo. Tuy nhiên cần lưu ý đặt cao hơn số tiền đã trốn. Như thế các bị can, bị cáo sẽ không dám bỏ trốn.

Việc giam giữ nhiều khi không giải quyết được tất cả vấn đề. Chẳng hạn như 1 vị giám đốc đang quản lý một doanh nghiệp bị truy tố về tội trốn thuế. Nếu giờ giam giám đốc thì sẽ bị phá sản, công nhân làm việc ở đây thì tính sao?”, LS Bình đặt câu hỏi.

Nâng mức tiền đặt đảm bảo

Ủng hộ việc đặt tiền bảo đảm để bị can, bị cáo được tại ngoại, tuy nhiên ông Tám lưu ý, trước khi áp dụng vào thực tế các cơ quan quản lý nhà nước cần có 1 quy định hướng dẫn cụ thể. Những tội danh nào, những hành vi như thế nào thì có quyền đặt tiền để được tại ngoại.

“Theo tôi chúng ta không nên giới hạn tội nào cả. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà có những quy định xử lý cho phù hợp, linh hoạt.

Với những trường hợp nào mà cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng cảm thấy cho bị can, bị cáo tại ngoại có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án thì sẽ không đồng ý áp dụng biện pháp này.

Hoặc những tội xâm phạm an ninh quốc gia lớn, tội tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nguy hiểm thì các cơ quan hoàn toàn có thể nhận định được để đưa ra quyết định không cho bảo lãnh. Dù bao nhiêu tiền cũng không cho phép tại ngoại”, ông Tám khẳng định.

Một vấn đề khác được vị Luật sư đề cập đến đó là số tiền bảo đảm phải bỏ ra để bị can, bị cáo được hưởng tại ngoại.

Theo LS Trương Xuân Tám, chúng ta không nên áp dụng một mức giá chung đối với tất cả các đối tượng. Cần phải xem xét cụ thể các khu vực (vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thành phố) hay mức thu nhập (người giàu, người nghèo) để có những quy định phù hợp hơn.

“Tội đặc biệt nghiêm trọng mức đặt 200 triệu tôi cho là thấp. Đối với vùng sâu vùng xa thì 100 triệu, 200 triệu hay thậm chí 30 triệu cũng quá lớn với họ rồi.

Nhưng với khu vực thành phố, những người giàu có thì mức trên chưa là gì cả. Có khi số tiền trên chỉ đủ mua một chiếc xe máy hoặc một phần của ô tô nên người ta coi thường. Vì thế phải mức bảo lãnh ở khu vực này phải cao hơn để đủ sức răn đe, không để họ bỏ trốn”, LS Tám nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bi-can-duoc-nop-tien-de-tai-ngoai-phuong-tay-lam-the-3338974/