Bị cấm vận, Qatar 'cuống cuồng' xây kho chứa lương thực khủng

Qatar sẽ dành 431 triệu USD để xây dựng một cơ sở chế biến và dự trữ lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước nhỏ bé này.

 Qatar đang tìm mọi biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh cấm vận của các quốc gia láng giềng.

Qatar đang tìm mọi biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh cấm vận của các quốc gia láng giềng.

“Al Jaber Engineering, công ty thắng thầu dự án này sẽ có khoảng 26 tháng để thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất cần thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.” Bộ trưởng bộ giao thông vận tải ông Jassim bin Saif al-Sulaiti tiết lộ với báo giới hôm chủ nhật tại Doha.

Trên thực tế, Qatar đã mời những công ty xây dựng uy tín cả trong lẫn ngoài nước đấu thầu dự án này vào năm ngoái, trước khi bị Ả Rập Xê Út cùng các nước đồng minh cấm vận hồi tháng 6 vừa qua. Khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy chế biến và kho dự trữ lương thực lớn nhất Vùng Vịnh.

An ninh lương thực đóng vai trò cực kì quan trọng ở Trung Đông. Việc thiếu nước cùng với khí hậu quá khắc nghiệt khiến cho phần lớn các quốc gia khu vực này không thể nuôi trồng lương thực và phải nhập khẩu hầu hết từ nước ngoài. Điều này gây trở ngại cho Qatar hơn bao giờ hết khi một lượng lớn thức ăn tới từ vùng biên giới giáp với Ả Rập Xê Út, đất nước đã thực hiện lệnh cấm vận với Doha hồi đầu tháng trước.

Theo ông Mazen Al-Sudairi, giám đốc bộ phận nghiên cứu Al Rajhi Capital của ngân hàng lớn nhất thế giới Hồi giáo Al Rajhi, cho tới trước khi tiến hành cấm vận, hơn 38% lượng lương thực thực phẩm của Qatar đi qua Ả Rập Xê Út.

“Đây là lần đầu tiên loại mặt hàng này được sản xuất và chế biến tại Qatar”, ông Al-Sudairi tiếp lời.

Cơ sở mới này sẽ có sức chứa đủ để sản xuất 300 tấn đường thô, 600 tấn gạo cùng với 200 tấn dầu ăn mỗi tuần, có thể dự trữ lượng lương thực đủ để đáp ứng cho dân bản xứ trong hai năm. Theo thông tin được tiết lộ, một số sản phẩm được sản xuất sẽ dùng để chế biến thức ăn cho động vật và khoảng 30% sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.

Những công ty khác liên quan tới dự án này là Buhler AG của Thụy Sỹ, BIA của Đức và C.M. Bernardini.

Ngày 5/6, Ả Rập Xê Út tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giaovà tất cả các kênh liên lạc trên biển, trên không và trên đất liền với Qatar. Ngay sau đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đều liên tục đưa ra quyết định tương tự.

Ả Rập Xê Út đưa ra quyết định trên sau khi cáo buộc Qatar gây ra sự bất ổn cho an ninh của khu vực. Cụ thể, chính quyền Ả Rập Xê Út cho rằng, Qatar đã tài trợ và "bắt tay" với các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Khủng hoảng ngoại giao này còn có thể xem là biện pháp trừng phạt kinh tế với Qatar vì các nước Ả Rập đồng loạt phong tỏa các tuyến giao thông với Qatar. Biên giới đường bộ duy nhất của Qatar là với Saudi Arabia. Các nước cũng đóng cửa cảng biển và không phận với Doha.

Những ngày đầu bị cấm vận, giao dịch dầu thô và khí tự nhiên của Qatar bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí Qatar còn được dự báo có nguy cơ lâm vào cảnh khan hiếm thực phẩm, có thể dẫn tới hỗn loạn về kinh tế nhanh chóng, kéo theo bất ổn về xã hội và chính trị.

Người dân Qatar ngày 6-6 lũ lượt kéo đến các siêu thị tích trữ thực phẩm. Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk cho biết không thể vận chuyển hàng hóa tới hay đi khỏi Qatar vì không được phép qua cảng Jebel Ali của UAE.

Tuy nhiên sau hơn một tháng tiến hành cấm vận, nền kinh tế Qatar lại không bị ảnh hưởng quá tiêu cực. Theo Reuters, hàng hóa tại Qatar có thể bị tăng giá và chậm trễ. Thế nhưng đối với đất nước mà người dân có thu nhập bình quân trên đầu người hơn 74.000 USD/năm, điều này có vẻ không quá lo ngại.

Các nhà máy chế biến thực phẩm đã lập tức tăng ca nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, những đơn hàng nhập khẩu lương thực từ các nước ngoài vùng Vịnh, trong đó có Brazil và Iran ngày càng nhiều hơn. Những chuyến tàu chở hàng đã được đổi lộ trình đi qua Oman thay vì UAE do lệnh đóng cửa cảng biển đối với Qatar.

Võ Quyền

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bi-cam-van-qatar-cuong-cuong-xay-kho-chua-luong-thuc-khung-a332804.html