Bị bệnh động kinh được bổ nhiệm làm phó khoa: 'Người bị bệnh lâu ngày sẽ biến đổi nhân cách'

Trước việc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bổ nhiệm một phó trưởng khoa là người bị bệnh động kinh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, lâu ngày, bệnh có thể làm biến đổi nhân cách người bệnh.

Liên quan việc ông Phạm Trung Hiếu (SN 1987, con trai của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) bị bệnh động kinh nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Xét nghiệm chỉ sau 6 tháng làm việc, dư luận đang hết sức bất ngờ và lo ngại.

Nhiều người bày tỏ nghi ngại rằng, liệu một người bị bệnh động kinh, lại mới chỉ vào làm việc trong bệnh viện được 6 tháng như anh Hiếu có đủ năng lực và sức khỏe để làm việc, phục vụ người bệnh hay không?

Trong quá trình làm việc, nếu anh Hiếu lên cơn động kinh thì sẽ như thế nào? Bệnh tình có ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh cho người dân?

 Một người đang lên cơn động kinh. (Ảnh minh họa)

Một người đang lên cơn động kinh. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV VTC News về vấn đề này, ông La Đức Cương (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho biết, bệnh động kinh tùy từng nguyên nhân, nếu là do những khối u trong não thì nguy hiểm đến tính mạng, do các u gây tổn thương trong não. Nguy hiểm thứ 2 là cơn động kinh co giật có thể xảy ra khi ở trên cao, gần lửa, gần nước… có thể khiến người bệnh bị ngã, bị bỏng, hoặc đuối nước mà tử vong.

Một nguy cơ nữa là khi người bệnh tham gia giao thông, khi đang điều khiển xe máy, ô tô mà lên cơn động kinh thì rất nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông và bản thân người bệnh.

Bệnh động kinh thì không gây ra chết người, nhưng hậu quả của nó có thể gây ra chết người.

Những người bị động kinh lâu năm có thể biết trước và họ sẽ có những biện pháp đề phòng. Nhưng phải bị lâu họ mới biết được, có người thì bị rùng mình, hoa mắt, chóng mặt…

Trong cuộc sống và công việc, bệnh động kinh ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh. Với người bị lâu ngày, bệnh làm biến đổi nhân cách người bệnh. Đặc điểm của động kinh là hay thù vặt, chi li, vụn vặt, hay lai nhai, một vấn đề gì đó cứ nói đi nói lại, nói nhiều lần.

Đương nhiên khi bị lâu ngày thì trí tuệ cũng giảm đi, các khả năng lao động, học tập cũng giảm. Đặc biệt là nhân cách giảm, người bị bệnh động kinh hay có hành vi thù vặt, trả thù thái quá.

"Hiện nay, theo tôi biết, chưa có văn bản chính thức từ nhà nước cấm người bị động kinh thi tuyển vào các ngành nghề. Nhưng thường người bị động kinh bị giảm hoặc mất năng lực hình sự, nhưng tùy từng trường hợp, xảy ra trong trường hợp nào: trong cơn hay ngoài cơn. Những người như thế thì trong quy định xét tuyển của các ngành nghề có điều kiện về giấy chứng nhận sức khỏe có ghi rõ như thế nào là đủ tiêu chuẩn", bác sĩ Cương nói.

Mặc dù bị động kinh và chỉ mới công tác được 6 tháng nhưng ông Hiếu đã được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa. (Ảnh Vietnamnet)

Như đã đưa tin, ngày 30/10/2012, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp ký quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức đối với ông Phạm Trung Hiếu về làm việc tại khoa Chẩn đoán hình ảnh - Xét nghiệm Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình.

Video: Trêu nhầm kẻ động kinh, bé 9 tuổi bị chém chết

Chỉ nửa năm sau, tháng 4/2013, ông Phạm Nông (Giám đốc Bệnh viện) đã ký quyết định bổ nhiệm con trai mình lên chức Phó trưởng khoa.

Ông Nông cũng thừa nhận, con trai mình bị bệnh động kinh, trong quá trình làm việc đã phát bệnh mấy lần, nhưng gần đây đã điều trị hết bệnh.

Đức Thuận

Nguồn VTC: http://vtc.vn/suc-khoe/bi-benh-dong-kinh-duoc-bo-nhiem-lam-pho-khoa-nguoi-bi-benh-lau-ngay-se-bien-doi-nhan-cach-d325035.html