Bí ẩn xác ướp trong ngôi mộ cổ xóm Cải

Ít người biết rằng, giữa Sài thành từng có một ngôi mộ cổ được xây dựng khá đồ sộ, không thua kém lăng tẩm của bậc vua chúa. Bên trong có một xác ướp được cho là thuộc Hoàng tộc triều Nguyễn.

Phát lộ mộ cổ sau giải tỏa mặt bằng

Ngôi mộ và xác ướp người đàn bà phát hiện ở xóm Cải, phường 8, quận 5, TP.HCM được cho đạt tới trình độ thượng thừa về ướp xác thời xa xưa. Tài liệu tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM cho biết, chiếc quan tài được làm từ thân cây khoét rỗng, bên trong quan tài, ngoài xương cốt ra còn có hơn 100 hiện vật tùy táng khác.

Cách ngày nay hàng nghìn năm, người Việt cổ đã sử dụng phổ biến hình thức xử lý xác người mới qua đời bằng cách thổ táng (đưa người chết vào quan tài gỗ và chôn trong đất). Tiêu biểu cho táng thức này là chiếc quan tài hình thuyền được tìm thấy ở khu mộ cổ Việt Khê (Hải Phòng) vào năm 1961.

Theo quan niệm của người xưa, con thuyền quan tài sẽ chở người quá cố sang “thế giới bên kia”, sau giấc ngủ dài họ có thể sử dụng các vật dụng chôn theo. Có thể nói, thổ táng đã trở thành táng thức truyền thống của người Việt. Trải qua từng thời kỳ, vật liệu xây dựng cũng được thay đổi cho phù hợp.

Khu vực phát hiện nhiều ngôi mộ cổ.

Khu vực phát hiện nhiều ngôi mộ cổ.

Một cán bộ bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM cho biết: “Căn cứ ban đầu có thể tạm xác định, người nằm trong thân gỗ, khoét rỗng này là Trần Thị Hiệu, pháp danh Minh Trường. Có thể bà thuộc Hoàng gia triều Nguyễn, là dâu hoặc bên ngoại của các chúa, vua triều Nguyễn. Năm mất của bà là năm Kỷ Tỵ, 1869 hoặc năm 1809?”.

Hiện đang có ý kiến cho rằng, bà Hiệu không có chồng và đi tu từ sớm. Vì thế, ngôi mộ của người đàn bà này vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, khi khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện mộ yểm, đó thường là tùy tùng, cung nữ hay binh lính được chôn theo để bảo vệ chủ nhân.

“Qua phát hiện khảo cổ về ngôi mộ có thể thấy đây là xác được ướp nhằm kéo dài thời gian để tổ chức ma chay. Việc xác còn tồn tại đến ngày nay là trường hợp hi hữu cần sự nghiên cứu liên ngành để hiểu rõ hơn, giúp ích cho các ngành khoa học liên quan”, TS. Phạm Hữu Công, nguyên Phó giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM nói.

Tiếp tục bảo quản bằng hóa chất hiện đại

Hiện nay, xác ướp người đàn bà này được đặt (nằm trong lồng kính) trong một gian riêng, với thiết kế mô phỏng như ngôi mộ trên thực địa. Để xác ướp được tồn tại lâu bền, hiện nay, bảo tàng vẫn bảo quản xác ướp này theo định kỳ với các loại hóa chất chuyên dụng.

Thanh Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bi-an-xac-uop-trong-ngoi-mo-co-xom-cai-a330474.html