Bí ẩn “rừng ma” thôn Của

GiadinhNet - Ở miền núi phía Tây Quảng Trị, vẫn còn đó những khu rừng với màu xanh bạt ngàn của nhiều cây cổ thụ.

Khu rừng này mang trong lòng với nhiều bí ẩn mà người dân nơi đây gọi là "rừng ma".

Nơi trú ngụ của những “linh hồn”

Có thể nói rằng nhờ có luật tục "rừng ma" của người dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị mà ngày nay còn giữ được những khu rừng nguyên sinh trù phú như thế. Tuy nhiên đâu đó vẫn có những người bất chấp những luật tục để khai thác gỗ quý nhằm thu lợi riêng cho mình. Vì vậy, rất cần sự chung tay của chính quyền sở tại để bảo tồn được những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt qua đó giữ gìn được nét văn hóa của người dân tộc từ những khu "rừng ma"...

Để đến được khu "rừng ma" bấy lâu được người dân nói đến, chúng tôi xuất phát từ TP Đông Hà dọc theo Quốc lộ 9 rồi lên ngã ba Tân Long, huyện Hướng Hóa. Sau đó đi ngược vào xã Hướng Lộc phải mất gần 30 cây số đường ngoằn ngoèo dốc núi. Chúng tôi được Hồ A Huýnh- cán bộ xã Hướng Lộc dẫn đường vào khu “rừng ma” thôn Của. Một khu rừng rộng gần 4 ha, thâm u với những cây cổ thụ phải vài người ôm mới xuể.

Sau khi nhắm mắt khấn vái điều gì đó như để xin phép tổ tiên, Hồ A Huýnh dẫn chúng tôi băng qua một cánh đồng, sau đó qua một con suối mới leo lên một ngọn đồi với độ dốc khá cao. Vừa đi Hồ A Huýnh vừa hướng dẫn cho chúng tôi cách đi như thế nào để khỏi bị con vắt bám vào vì mấy ngày liền mưa rừng kéo dài. Bước vào khu “rừng ma”, chúng tôi có cảm giác ớn lạnh, bước chân như chùng lại, rón rén để không đánh thức linh hồn của những người đang yên nghỉ nơi đây. Cán bộ Huýnh phải đi trước rẽ lối cho chúng tôi theo sau. Ở đây cây nhỏ cây to, dây leo kín mịt, một khung cảnh thâm u xen vào đó là những tiếng hú của động vật đến ớn lạnh cả người. Càng đi sâu vào trong khu rừng, không khí càng lạnh lẽo, trời như tối sập lại bởi những tán cây rộng phủ xuống. Xung quanh thỉnh thoảng phát ra những âm thanh kỳ lạ như có tiếng người nói thầm, thỉnh thoảng lại rít lên ken két.

Chúng tôi phải đi nép vào nhau,cảm giác chân bước đi nhưng bị níu lại vướng vít trên mặt đất đầy những lớp lá mục lâu ngày như có bàn tay ai giữ lại. Để trấn an lòng mình thi thoảng chúng tôi lại hỏi bâng quơ đủ để nghe được tiếng của nhau cho đỡ sợ. Đang mải miết với dòng suy nghĩ về "thế giới ma", bất chợt A Huýnh giơ tay ra hiệu đừng làm ồn. Thấy chúng tôi mặt còn ngơ ngác chưa hiểu ra chuyện gì, A Huýnh thì thầm: "Đây rồi, đây là nơi có nhiều người thân của tộc mình yên nghỉ”. Nói rồi A Huýnh giơ tay gạt ngang những lớp lá khô mục, để lộ rõ một hòn đá đã phủ rêu màu xanh và giới thiệu đây là A Chuôi (cụ tổ) của anh.

"Người dân ở đây quan niệm con người sống cũng nhờ rừng mà chết cũng sẽ về với rừng. Rừng sẽ che chở cho những linh hồn người đã khuất. Những ai lạ vào đây sẽ không biết nơi nào có người nằm, nơi nào không, chỉ có những người trong dòng họ mới biết nhờ vào những đặc điểm làm dấu như gốc cây, hòn đá...", cán bộ Huýnh cho biết.

Mải mê nghe Huýnh kể chuyện, bất giác tôi nhìn xuống chân mình, một mẩu xương bằng lòng bàn tay đã ngả màu nâu đất nửa chìm nửa nổi làm những người trong đoàn sởn gai ốc. Chưa đình thần thì một đồng nghiệp la toáng lên "Á...", nhìn theo hướng tay đồng nghiệp, mọi người cũng giật thót người khi nhìn thấy một con rắn lục xanh đang trườn qua phiến đá cụ tổ.

Trên đường đi đến những ngôi mộ trong rừng sâu, chúng tôi thấy có rất nhiều cây lớn mặc dù đã chết và đổ xuống thế nhưng không một ai lấy đi. Hỏi thì được Hồ A Huýnh giải thích, người dân nơi đây tuân thủ luật tục một cách nghiêm túc. Họ không làm bất cứ điều gì để ảnh hưởng đến sự bình yên của những người thân đã nằm xuống. Trời mỗi lúc một mưa to nên chúng tôi vội vã rời "rừng ma", bước chân đi mà không hết ám ảnh bởi những lời nói của Huýnh, nếu ai lạ tự ý vào "rừng ma" sẽ bị bắt tội, hay vướng phải bùa ma.

Tại rừng ma nhiều cây cổ thụ mặc dù đã khô nhưng vẫn được người dân nơi đây giữ nguyên.

Theo chân người dân bản địa dẫn đến một ngôi mộ mới ở “rừng ma”.

Thâm u lối vào “rừng ma”.

Rừng thiêng và những luật tục ngàn đời

Người dân tộc Vân Kiều ở phía Tây Quảng Trị luôn tự hào bởi cho đến nay họ vẫn giữ được những luật tục để bảo vệ nơi yên nghỉ của những người thân trong dòng họ của mình. Mỗi dòng tộc trong các bản được gọi là một Xâu và một Xâu như thế đều có một "xa rưng xa nui" (tức rừng ma) riêng của mình.

Từ xưa những người dân nơi đây khi qua đời được người thân của mình đem chôn vào một khu rừng rậm rạp, với họ rừng nơi đó giờ đã là ngôi nhà bình yên cho những linh hồn.

Tục chôn cất của người dân tộc nơi đây ngày xưa vốn rất sơ sài. Khi có người qua đời họ để vào manh chiếu sau đó quấn một lớp phiên tre kết lại ở bên ngoài và buộc bằng dây mây rồi đem chôn. Người dân tộc không đào huyệt sâu và đắp mồ cao như người Kinh. Còn công việc chôn cất thì diễn ra rất chóng vánh. Họ quan niệm rằng không nên ngồi lâu, làm chậm vì như thế "con ma sẽ theo về nhà". Cũng chính vì sợ như thế nên khi chôn cất xong là mọi người chạy tản ra các ngả khác nhau, đặc biệt là không đi lại con đường lúc nãy khiêng người chết đi.

Để minh chứng cho câu chuyện con ma rừng sẽ bắt những ai cố tình phạm vào luật tục, chúng tôi được Hồ A Cơ, con cháu trong tộc này kể lại câu chuyện nhuốm đầy màu sắc liêu trai: Xưa kia, có một gia đình vào khu rừng cấm chặt lấy cây gỗ về đóng phiên nhà. Sau đó không lâu cả vợ lẫn chồng đều chết. Hai đứa con trở nên ngớ ngẩn mà không biết mắc phải bệnh gì. Người trong làng cho rằng gia đình đó đã bị con ma rừng về đòi nợ, về bắt đi vì đã vi phạm vào điều cấm. Dân làng đã phải dùng trâu, gà... cúng dâng tội với con ma rừng nhưng vẫn không được xóa tội. Vì thế từ đó đến nay, dù ai có thiếu thốn thứ gì cũng tuyệt đối không dám lấy một thứ gì trong rừng cấm.

Lại có câu chuyện khác kể rằng, người trong tộc họ không làm trọn nhiệm vụ giữ yên giấc ngủ cho người đã chết cũng sẽ bị con ma về bắt đi. Đó là khi những ai là con cháu của dòng họ có “rừng ma” để cho những người tộc khác xâm phạm vào một trong những điều như chặt cây, đào bới, làm cháy khu rừng... cũng sẽ bị ma trừng phạt. Câu chuyện về những điều kỳ bí trong “rừng ma” được tiếp tục bởi một anh bạn người Kinh, người một thời say mê với thú bẫy chim trong “rừng ma”. Anh Lâm cho biết: "Tôi còn nhớ như in, hôm đó tôi với một người nữa cùng nhau đi bẫy chim. Cũng đã nghe nhiều về “rừng ma” nhưng vì Chòe lửa là thứ chim sống nhiều ở khu vực này nên liều. Mê mải nhìn lên ngọn cây để đánh chim, không hề để ý ngay trước mắt mình một bàn chân bật ra khỏi mặt đất đã bốc mùi. Đó là một ngôi mộ vừa chôn mấy ngày nhưng vì mưa lớn đã xói mòn lớp đất phủ. Chúng tôi sợ quá cứ thế chạy. Không biết trước mắt mình là đâu, chỉ thật sự hoảng loạn khi anh bạn đi cùng bị sụp một chân xuống một ngôi mộ khác đã lâu ngày chỉ thấy toàn xương trắng. Rồi tôi bị ốm một trận thừa sống thiếu chết, anh bạn bị tai nạn... Không ai bảo ai chúng tôi bỏ nghề từ đó". Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi về câu chuyện mình kể, anh Lâm ra hiệu, "thề có trời và thề có “rừng ma”...

Hầu hết những người chết chôn tại “rừng ma” không được đắp mộ công phu chu đáo thế nhưng người dân nơi đây có sự nhận biết từ những hòn đá làm dấu phía trên đầu người chết nằm. Những hòn đá này được chôn dựng đứng, đó cũng là dấu hiệu nhận biết để tránh chôn chồng lên nhau. Việc cúng tế người đã khuất chỉ diễn ra khi lúa trên nương đã chín vàng, dê, heo trong chuồng đã lớn thì tổ chức cùng với lễ Tết lúa mới.

Một trong những luật tục khá nghiêm ngặt của người dân ở đây, đó là bảo vệ “rừng ma”, xem “rừng ma” là nơi linh thiêng nhất. Không ai được chặt cây, đốt cháy hay đào đất ở những khu rừng này. Nếu phá đi sự yên tĩnh của người chết thì sẽ bị trừng phạt.

Ánh Dương - Mạnh Cường

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120612113256865p0c1000/bi-an-rung-ma-thon-cua.htm