Bí ẩn những cái chết kỳ lạ vào mùa mưa

(PL&XH)-Từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, hàng loạt những vụ việc chết người một cách bí ẩn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang.

Những điều tra viên, các nhà khoa học, thậm chí cả những bác sĩ đầu ngành đã được huy động để tìm hiểu căn nguyên của câu chuyện kỳ quái này, nhưng cho đến nay mới chỉ một phần sự thật của câu chuyện trên được hé mở…

Những cái chết kỳ lạ vào mùa mưa

Cứ vào mùa mưa từ tháng 6 tới tháng 8 suốt hơn 30 năm qua, số người dân ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc mắc hội chứng đột tử (Sudden Death Syndrome) lại gia tăng đáng kể. Trong những năm 1980, có tới 400 người qua đời một cách bí ẩn như vậy. Gia đình ông Feng vẫn còn nhớ như in thời khắc kinh hoàng đã ập đến với những người thân của mình, đó là vào một hôm gia đình có đám giỗ, họ hàng làng xóm đến dự khá đông. Sau khi đã ăn uống xong, mọi người đang ngồi nói cười vui vẻ thì đột nhiên con trai ông Feng lăn đùng ra chết. Chưa hết bàng hoàng thì ở sân mọi người chỉ nghe thấy chị Wang, con dâu ông Feng kêu một tiếng thất thanh rồi cũng đột nhiên ngã lăn ra. Khi người thân bế chị Wang vào giường để sơ cứu vì tưởng chị chỉ bị ngất thì phát hiện chị cũng đã tắt thở từ lâu. Chỉ trong vòng 1 ngày mà ông Feng đã phải chứng kiến cái chết bi thương của người con trai và người con dâu mà không biết lý do tại sao, giờ đây trong căn nhà nhỏ tồi tàn, rách nát chỉ còn có ông Feng lủi thủi cùng đứa cháu gái ngày ngày vẫn thắp hương cho cha, mẹ…

Sự việc đau lòng của gia đình ông Feng không phải là trường hợp duy nhất xảy ra ở Vân Nam mỗi khi mùa mưa về. Bà Zheng trong dáng vẻ khắc khổ cũng kể về "tấn bi kịch" đã xảy ra đối với mình khi người con trai duy nhất của bà đã ra đi mãi mãi chỉ sau khi đi ăn uống từ nhà bạn về. Vốn là một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, anh Zhong vẫn thường xuyên đi sửa chữa đường điện, nước cho các gia đình trong thôn. Một hôm được anh Zhao nhờ sửa lại đường điện, anh Zhong đã vui vẻ nhận lời. Khi công việc hoàn tất anh Zhao đã bảo người nhà làm món lẩu nấm mời anh Zhong ở lại cùng gia đình để thưởng thức. Sau bữa cơm đó anh Zhong cảm thấy hơi chóng mặt, tưởng mình bị cảm nên anh đã vội vàng về nhà để nghỉ ngơi. Khi về đến cổng nhà thì anh Zhong lảo đảo không thể nhấc chân tiếp được nữa, thấy vậy bà Zheng vội vã chạy ra đón con thì nhận thấy anh Zhong toàn thân biến sắc, mắt trợn ngược lên và miệng nói ú ớ điều gì đó, sau đó thì nộn ọe đầy sân, chỉ khoảng ba phút sau thì anh đã tắt thở. Tưởng con trai mình bị người ta hại chết, bà Zheng ngay lập tức đã chạy sang nhà anh Zhao để làm cho rõ chuyện. Lúc vừa bước vào nhà anh Zhao thì một cảnh tượng tương tự như những gì đã xảy ra ở nhà mình, bà Zhong trông thấy anh Zhao và vợ lúc này đang nằm ôm lấy nhau mà nói không nên lời, mắt anh Zhao trợn ngược lên như bị "ma làm" còn chị vợ thì cứ nôn thốc nôn tháo và chỉ sau đó có vài giây là cả hai cùng tắt thở…

Một yếu tố khiến cho những cái chết ở ngôi làng Yunnanese lại càng thêm huyền bí đó là vào năm 1992, tại nhà một nông dân họ Lee đã xảy ra một câu chuyện lạ. Theo lời kể lại của nông dân này, khi ông cùng đứa cháu ngoại của mình vào phòng đi ngủ thì cảm thấy có nước phun dưới chân. Cúi xuống nhìn, ông Lee giật mình vì trên nền đất đang trào ra một dòng nước đỏ như máu, cao 10 cm. Ông Lee cho biết, sự việc này đã khiến gia đình ông cũng như những người dân trong thôn rất kinh hãi và lo lắng vì không biết nguyên nhân từ đâu. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, dòng nước màu đỏ này không độc vì con chó nhà ông đã uống nhưng vẫn bình thường… Sự việc tương tự cũng xảy ra với gia đình nhà ông Chen Liu khi nền nhà ông cũng phun ra dòng nước có màu đỏ như máu. Dòng nước màu đỏ giống như được phun ra từ chiếc máy bơm đặt dưới lòng đất, cao 30-40 cm. Chính vì những hiện tượng lạ này nên người dân sống ở đây vẫn thường gọi là "suối máu". Các thầy pháp trong làng thì cho rằng đây là một điềm gở nên gia đình nào rơi vào tình cảnh như vậy thì phải "khao làng" trừ tà. Vậy là những mâm cỗ đãi làng lại được chuẩn bị và không thể thiếu được món lẩu nấm. Nhưng cũng như những sự việc tương tự đã xảy ra, sau những bữa nhậu như vậy là lại có vài người ra đi mãi mãi mà không kịp trăng trối điều gì. Để lý giải cho những cái chết bất đắc kỳ tử như vậy, thầy pháp cho rằng những người đó đã được hiến tế cho thần linh, và rằng do người dân sống tại vùng này không làm các vị thần linh thấy hài lòng nên mới bị trừng phạt…

Đi tìm lời giải

Chính vì có những trường hợp tử vong xảy ra hàng năm nên người ta gọi hiện tượng này là "hội chứng đột tử Vân Nam". Và trong suốt ba thập kỷ kể từ khi có những cái chết kỳ lạ, đã cướp mạng sống của khoảng 400 người song không một ai biết nguyên nhân gây nên hội chứng này là gì. BBC dẫn lời Zhang Shu, một bác sĩ về tim của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Trung Quốc, nói rằng: "Chúng tôi đã từng nghe những câu chuyện kỳ bí về việc một người đột nhiên chết trong khi đang nói chuyện. Nhiều người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, tim đập loạn xạ, co giật và kiệt sức vài giờ trước khi chết". Trước những sự việc lạ lùng ảnh hưởng lớn đến dư luận và tính mạng con người như vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Trung Quốc lập một đoàn chuyên gia để điều tra vụ việc. Sau quá trình điều tra kéo dài tới 5 năm, nhóm chuyên gia tin họ đã "tạm thời" tìm ra thủ phạm.

Nấm lạ có tên gọi là nấm tiểu bạch

Đó là một loại nấm có tên Tiểu Bạch, chúng thuộc nhóm Trogia và chứa ba loại axitamin độc, như Robert Fontaine, một nhà bệnh dịch học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, và cũng là một trong những thành viên tham gia quá trình điều tra cho biết. Còn về việc những suối máu xuất hiện trong làng thì chỉ là một loại nước nhuộm vải bình thường do chính những người dân trong làng thải ra, vô hình trung đã khiến cho cái chết của những người bị ngộ độc do nấm Tiểu Bạch lại càng thêm ly kỳ, ma quái. Ông Fontaine đã yêu cầu các chuyên gia tới những làng xa xôi trên các cao nguyên thuộc tỉnh Vân Nam. "Bởi đó là những làng thường xuyên có nhiều người chết trong một thời gian rất ngắn vào mùa hè" - Fontaine nói.

Tuy giới chức y tế tỉnh Vân Nam phát hiện hội chứng đột tử từ nhiều năm trước và kêu gọi chính phủ giúp đỡ vào năm 2004, nhưng nhóm điều tra đã phải đối mặt với vô số trở ngại như: Nhiều người dân giao tiếp bằng tiếng địa phương khiến các chuyên gia không hiểu họ nói gì, các làng phân bố rải rác trong những vùng hẻo lánh, tập quán chôn người chết sớm khiến nhóm điều tra không thể khám nghiệm tử thi, những cơn mưa lớn và lở đất khiến việc di chuyển trở nên khó khăn... Mặc dù vậy ngay trong năm đầu tiên của quá trình điều tra, các chuyên gia đã thu hẹp được danh sách các nguyên nhân. Họ nhận thấy phần lớn nạn nhân này từng uống nước trên mặt đất, rối loạn thần kinh và ăn nấm. Nhóm điều tra tập trung vào nấm vì những trường hợp tử vong thường xảy ra vào mùa thu hoạch nấm. Hơn 90% trường hợp đột tử xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 hàng
năm.

Nấm được sử dụng trong các nhà hàng ở Vân Nam Trung Quốc

Vào cuối năm 2005, các chuyên gia bắt đầu cảnh báo một số làng không nên ăn những nấm lạ nữa để bảo đảm cho sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, phần lớn người dân không làm theo cảnh báo. Vân Nam vốn nổi tiếng vì sự đa dạng của các loài nấm ngon, trong đó nhiều loài được xuất khẩu ra nước ngoài với giá rất cao. Vì thế người dân trong các làng thường tìm nấm trong những tháng mùa hè. Tới năm 2008, nhóm điều tra phát hiện ra rằng trong nhà những người đột tử đều có một loài nấm lạ mà họ gọi là Tiểu Bạch. Nấm này không được bán ngoài chợ vì chúng quá nhỏ và chuyển sang màu nâu rất nhanh kể từ khi người ta hái. Có lẽ vì không bán được mà người dân đã ăn nấm Tiểu Bạch. "Chúng tôi liên tục tìm thấy nấm Tiểu Bạch ở tất cả địa điểm mà đoàn chuyên gia tới" - Fontaine kể. Một chiến dịch truyền thông rầm rộ về sự nguy hiểm của loài nấm lạ giúp làm giảm đáng kể số lượng người chết. Trong vài năm trước chỉ còn rất ít trường hợp tử vong, tới những năm gần đây giới chức trách chưa ghi nhận trường hợp nào.

Mặc dù vậy, có vẻ như bức màn bí ẩn vẫn chưa được vén "hoàn toàn". Kết quả phân tích cho thấy nấm Tiểu Bạch chứa một số chất độc, song "độc lực" của chúng lại không đủ mạnh để gây chết người. Vì thế các nhà khoa học phải tách từng chất và kiểm tra xem những chất nào có thể gây trụy tim. Một số chuyên gia cho rằng có thể còn một tác nhân khác, bởi nhiều nạn nhân có nồng độ bari (Ba) rất cao trong cơ thể. Ba là kim loại nặng trong đất và xâm nhập vào nấm. "Công việc chưa kết thúc. Chúng tôi còn phải tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm" - Fontaine thừa nhận.

Theo nhận định của ông Diderik De Vleeschauwer, người phát ngôn của văn phòng Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Thái Lan cho biết, những trường hợp mắc bệnh, tử vong vì nấm khá phổ biến tại châu Á, tuy nhiên nếu chỉ ăn nấm không mà bị ngộ độc dẫn đến tử vong là khá hiếm bởi không phải loại nấm độc nào cũng có độc tố mạnh đến vậy, chỉ khi có một chất xúc tác nào khác đã khiến cho nồng độ chất độc trong nấm tăng lên thì mới có khả năng gây chết người nhiều đến như thế… Vậy là câu trả lời cho hiện tượng đột quỵ gây chết người hàng loạt ở Vân Nam vẫn là một ẩn số chờ lời giải của các nhà khoa học, trong khi đó, nhờ chính quyền địa phương với nỗ lực bảo vệ sức khỏe và tính mạng của những người dân sinh sống ở đây, thì cho đến nay vẫn chưa có thêm một ca tử vong đáng tiếc nào nữa.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20111101104434521p0c1003/bi-an-nhung-cai-chet-ky-la-vao-mua-mua.htm