Kiểm soát tài nguyên, môi trường: Từ thể chế đến quá trình thực thi

'Mặc dù ngành quản lý nhiều là lĩnh vực phức tạp, có nhiều tồn tại tích lũy từ giai đoạn trước đây như đất đai, môi trường, nhưng trong 2 năm qua đã đánh dấu những bước chuyển quan trọng từ thể chế đến quá trình thực thi', nhiều đại biểu Quốc hội nhận định như vậy về công tác lãnh đạo, quản lý ngành của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: P.V

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: P.V

Lấy đột phá thể chế làm trọng tâm

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, TNMT là vấn đề hệ trọng có liên quan đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, doanh nghiệp, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo ổn định xã hội, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ trưởng đã tập trung chỉ đạo, lấy đột phá thể chế làm trọng tâm, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị các nền tảng cho chiến lược lâu dài. Đã trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, xây dựng nội dung sửa các Luật liên quan đến quy hoạch. Từ năm 2016 đến nay, đã trình, ban hành theo thẩm quyền 13 Nghị định; 07 Quyết định; 137 Thông tư giải quyết cơ bản yêu cầu thực tiễn, khắc phục ngay các kẽ hở, lỗ hổng, tháo gỡ các nút thắt, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đưa các nguồn lực tài nguyên vào sản xuất, cởi trói một phần cho nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sử dụng đất hiệu quả; thiết lập hàng rào kỹ thuật để ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, ngành nghề ô nhiễm, rác thải vào Việt Nam.

Hoàn thành sơ kết các Nghị quyết của Trung ương về đất đai, biển, khoáng sản, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; trên cơ sở đó trình Bộ Chính trị, BCH Trung ương ban hành các chủ trương mới làm định hướng cho hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo nền tảng vững chắc, có đột phá về thể chế cho phát triển KTXH của đất nước trong giai đoạn tới.

Thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh các vi phạm

Việc tổ chức thực thi pháp luật được chỉ đạo quyết liệt; công tác kiểm tra, thanh tra được coi trọng. Trong 2 năm 2016, 2017, toàn ngành đã tiến hành hơn 3.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt 171 tỉ đồng, thu hồi 7.501ha đất và 21 tỉ đồng. Thông qua thanh tra, kiểm tra, những kẽ hở, lỗ hổng, bất cập về chính sách, pháp luật về TNMT đã được kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Trong công tác quản lý tài nguyên đã cơ bản hoàn thành việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Việc sử dụng đất đã có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH; đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,2% diện tích cần cấp (tăng 3,3% so với năm 2016, với 3,7 triệu giấy được cấp mới); sàng lọc các nhà đầu tư kém năng lực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện đấu giá đất đã giảm thất thoát, tăng nguồn thu từ đất 1,5-2 lần so với năm 2015, chiếm khoảng 12% thu ngân sách nội địa.

Các vấn đề lãng phí, khiếu kiện, phân tán, manh mún trong sử dụng đất nông nghiệp; bất cập quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường quốc doanh đã được chỉ đạo giải quyết, đạt được kết quả tích cực như: Đã đưa vào sử dụng 78.000ha đất có nhiều lợi thế của các dự án chậm triển khai; năm 2018 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đất Cty nông, lâm nghiệp, chuyển sang giai đoạn 2 sắp xếp đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường gắn với vấn đề định canh, định cư; hơn 100.000 hộ đã tập trung được đất đai với quy mô lớn hơn 5ha để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Bảo vệ môi trường, từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa

Giải quyết tốt việc khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền, từ bài học đó đã triển khai các giải pháp chủ động kiểm soát, phòng ngừa đối với các dự án lớn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường. Các chỉ số về bảo vệ môi trường (BVMT) có nhiều chuyển biến; tỉ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều đạt chỉ tiêu đặt ra; đã thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với 121 KCN và các dự án có nguồn thải lớn; hoàn thành xử lý 634 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 85,5%, ở nông thôn đạt 55%.

VÂN GIANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/moi-truong/kiem-soat-tai-nguyen-moi-truong-tu-the-che-den-qua-trinh-thuc-thi-639211.ldo