Bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung: Phát hiện dấu tích nghi là nền móng tường thành

Khi đoàn khảo cổ đào ở hố thứ 5 (số nhà 13/120 Điện Biên Phủ, TP. Huế) đến độ sâu chừng 0,2 mét đã chạm phải một lớp đá. Sau khi đào hết theo đường chữ L thì phát hiện nhiều tảng đá xếp theo hàng trùng với đường chữ L như đã cắm mốc.

Các lớp đá xếp liền nhau nghi là bức tường thành cổ xưa

Theo đó, lớp đá này gồm khoảng 5 tảng đá khá lớn đặt theo 2 hàng ngay ngắn vuông góc với nhau, đoạn giữa có khuyết một đoạn không có đá. Riêng đoạn cuối lớp đá ở hàng song song với bờ tường và khá giống lớp đất lạ ở hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh tìm nghi liên quan công trình kiến trúc.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Bùi Văn Liêm thì lớp đá này nghi là tường móng của bức thành cổ. Dấu hiệu này khá quan trọng và cũng có phần rất may mắn khi chính TS. Liêm vào lúc sáng đã xác định hố cuối cùng này phải đào khác các hố khác.

Các tảng đá xếp liền nhau nghi là móng thành

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết ngôi nhà này nguyên là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở vùng gò Dương Xuân. Chủ nhân ngôi nhà là bà Lê Thị Rô từng khẳng định với ông bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 là “bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này”.

Sự kiện này gợi nhớ đến thông tin giáo sĩ La Bartette đã viết, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất về lại Phú Xuân ông “đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh Dinh ông.

Các chuyên gia khảo cổ đang tìm hiểu lớp đá vừa phát hiện

Còn tại một hố thám sát ở trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm, ngoài các hiện vật như mảnh gạch, đá, sành sứ, việc thăm dò cũng phát hiện một om (hũ) nghi táng thi hài nằm sâu khoảng 1 m so với mặt đất. Phía nửa trên chiếc om này đã vỡ vụn, còn phía dưới hầu như còn nguyên vẹn; đất ở trong om có màu đen, khác so với màu đất phía ngoài. Cạnh chiếc om này cũng xuất hiện nhiều viên gạch thẻ.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý cho phép thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An-TP. Huế) để thăm dò dấu vết lăng mộ của vua Quang Trung. Đợt thăm dò lần này sẽ được tiến hành từ ngày 5/10 đến hết ngày 15/10. Trong thời gian thăm dò, các cơ quan cấp phép phải chú trọng đến việc bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Những hiện vật thu thập được, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế bảo quản, báo cáo Bộ trưởng Văn hóa phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/bi-an-lang-mo-vua-quang-trung-phat-hien-dau-tich-nghi-la-nen-mong-tuong-thanh-299068.html