Bẹp gí vì... chi phí quản lý chuyên ngành

Ngày 3-10, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo tham vấn định hướng sửa đổi, bổ sung một số luật về quản lý chuyên ngành do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức. Tại đây, hàng loạt vấn đề tồn tại, khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp (DN) được đặt ra.

Tốn quá nhiều thời gian và tiền của!

Đại diện Công ty Thăng Long cho rằng định hướng xây dựng mô hình quản lý rủi ro là khá tốt, nhưng trên thực tế, DN muốn tuân thủ lại không biết bắt đầu từ đâu vì có quá nhiều văn bản quản lý chuyên ngành. Hiện chúng ta đã có danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) nhưng điều đáng tiếc là mới chỉ được triển khai ở mức tham khảo chứ chưa thành luật. Theo DN này, khi đã có danh mục XNK cũng nên đưa ra danh sách các mặt hàng nào thì thuộc diện kiểm tra chuyên ngành gì, không nên đẩy DN vào tình trạng rất khó xử vì không biết gặp ai trước khi nhập một lô hàng mới. Theo đó, cần xác định rõ việc quản lý chuyên ngành đối với DN chế xuất, DN nội địa và DN XNK, vì thực tế các DN đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc mua hàng hóa.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, chi phí quản lý chuyên ngành đang là gánh nặng cho DN. Cụ thể, 1 DN nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000USD, tương đương 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng, chưa kể phí vận chuyển! Với một DN nhập khẩu thủy sản khoảng 200 - 300 container trong 1 năm, phải tốn khoảng 6 tỷ đồng cho việc kiểm tra chất lượng hàng thủy sản (gồm chi phí kiểm tra và chi phí lưu container), chưa kể phí vận chuyển.

Số liệu của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, 6 tháng cuối năm 2015, số tờ khai nhập khẩu phải kiểm dịch là 28.135 tờ, kiểm tra an toàn thực phẩm 66.178 tờ, kiểm tra chất lượng 203.901 tờ, xin giấy phép và các loại giấy tương tự 117.029 tờ. Như vậy, số lượng cho cả năm tạm tính là gấp đôi so với số tờ trên (gồm 56.270 tờ kiểm dịch, 132.356 tờ an toàn thực phẩm, 407.802 tờ kiểm tra chất lượng và 234.058 tờ giấy phép). Khảo sát tại một DN trong 2 năm 2015 và 2016, mức chi phí kiểm tra chuyên ngành cho 1 tờ khai kiểm định là 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí cho thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu tại cơ quan hải quan TPHCM năm 2015 tính tròn là 1.091,5 tỷ đồng. Đó là chưa tính phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự.

Về chi phí thời gian, chỉ tính thời gian tối thiểu để hoàn thành thủ tục quản lý chuyên ngành cho một lô hàng là 2 ngày thì năm 2015, riêng hàng nhập khẩu tại TPHCM, các DN đã mất 3.321.944 ngày. Chưa kể đối với hàng hóa nhóm 2 thì phải làm thủ tục hợp quy với chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí kiểm tra…

Cải cách nhưng chưa đạt hiệu quả

Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đang gây nhiều bức xúc cho DN. Đây cũng chính là lực cản đối với việc cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới”. Hai năm gần đây, chỉ số này liên tục bị giảm bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành. Trong đó, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu hiện vẫn còn tới 147 giờ và nhập khẩu là 177 giờ, dài hơn rất nhiều so với số giờ tương ứng tại Singapore là 16 giờ và 36 giờ, Thái Lan là 62 giờ và 54 giờ.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, mục tiêu cải cách quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19 là rút ngắn thời gian giao dịch thương mại qua biên giới xuống bằng trung bình của các nước ASEAN 4 là 56 giờ đối với hàng xuất khẩu và nhập khẩu là 73 giờ. Đồng thời, giảm tỷ lệ hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan xuống còn 15% (hiện nay vẫn còn tới 30% -35%). Nhưng theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn chung các quy định, thủ tục liên quan đến quản lý chuyên ngành chưa có chuyển biến đáng kể. Một số quy định được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của nghị quyết, chưa giải quyết vấn đề bức xúc của DN. Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về kiểm tra, quản lý chuyên ngành tương đối nhiều (hiện vẫn còn tới 343 văn bản) nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, có quy định nhưng không cụ thể, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau. Thậm chí có những quy định không phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Chi phí kiểm tra, quản lý chuyên ngành không giảm so với năm trước và chi phí không chính thức có biểu hiện tăng. Tình trạng chồng chéo trong quản lý ở cùng một mặt hàng vẫn còn khá phổ biến, cũng có mặt hàng chịu sự quản lý khác nhau của các đơn vị ngay trong cùng một bộ…

Tại hội nghị, những ý kiến về khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập trong quá trình ban hành các văn bản, những kiến nghị, yêu cầu sửa đổi đều được tập hợp cụ thể thành văn bản và đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Đây là tín hiệu vui cho các DN. Nhưng trao đổi với Báo SGGP bên lề hội nghị, không ít DN vẫn đau đáu, liệu các bộ, ngành chức năng có ghi nhận, có quyết tâm để thực hiện cải cách mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết 19, hay lại tiếp tục làm khó DN theo những cách khác. “Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào kinh tế thế giới, nếu các thủ tục không thực sự thông thoáng, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh thì nhiều nguy cơ sẽ bị thua ngay trên sân nhà”, một DN ngành thủy sản nói.

Theo Công ty Thăng Long, trước đây khi nhập khẩu mặt hàng thép, theo Thông tư 44 thì cần đến hai nơi là Trung tâm 3 và cơ quan kiểm định như Vinacontrol là xong. Nay theo Thông tư 55 thì lại “đẻ” thêm việc DN phải xin thêm giấy từ sở công thương. Như vậy, để hoàn tất thủ tục, DN phải mất tới 6 lần đi lại, đó là chưa kể thời gian chờ đợi. “Trong khi Chính phủ chủ trương cắt giảm thủ tục theo Nghị quyết 19, thì việc ban hành các văn bản sau lại rườm rà, phức tạp hơn văn bản trước là điều cần phải xem lại. DN đang phải đối mặt với thực tế là cơ quan nào cũng muốn “nhảy” vào quản lý DN!”, đại diện Công ty Thăng Long nói.

THÚY HẢI

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161004/bep-gi-vi-chi-phi-quan-ly-chuyen-nganh.aspx