Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội: Kịp thời cứu sống một bệnh nhân vỡ u máu xương hàm

Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương- Hà Nội vừa mổ cấp cứu thành công kịp thời cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị vỡ u máu xương hàm. Đây là trường hợp hiếm gặp nếu không được cấp cứu và xử lý kịp thời bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân là anh Trần Văn Lợi, 18 tuổi, trú tại xóm, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhập viện với dấu hiệu sưng tấy má, răng bị lung lay chảy máu. Các bác sỹ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương chẩn đoán bệnh nhân bị u máu trong xương hàm. Trong khi các bác sỹ chuẩn bị triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân thì 14h30 chiều 31/5 khối u vỡ ra, máu từ răng hàm chảy dữ dội, chỉ trong ít phút bệnh nhân đã mất khoảng 2 lít máu.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được kíp phẫu thuật gồm: Bác sỹ Tiến sỹ Nguyễn Quang Bình - Trưởng khoa Gây mê hồi sức và Bác sỹ, Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến – Phó trưởng khoa Phẫu thuật và Tạo hình hàm mặt tiến hành cầm máu và mổ cấp cứu kịp thời. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, các bác sỹ đã cắt bỏ khối u và ½ xương hàm dưới đồng thời truyền 1,2 lít máu bệnh nhân được cứu sống.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Lợi.

TS Lê Ngọc Tuyến cho biết: khó khăn nhất trong quá trình mổ cấp cứu cho bệnh nhân là xử lý cầm máu và khai thông đường thở. Trường hợp bệnh nhân Lợi khi đưa vào cấp cứu máu tuôn xối xả từ miệng, các y, bác sỹ vừa phải xử lý khai thông đường thở đồng thời tiến hành kỹ thuật “nút mạch” để hạn chế chảy máu sau đó mới tiến hành phẫu thuật. Chỉ cần xử lý mổ cấp cứu chậm nguy cơ tử vong rất cao. Hiện tại tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Dự kiến khoảng 6 – 12 tháng nữa, bệnh nhân này sẽ được phẫu thuật tạo hình lại bên xương hàm đã bị cắt bằng kỹ thuật tạo xương hàm dưới từ vạt xương mác để phục hồi hoàn toàn chức năng ăn nhai và nói.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến cho biết: u máu là căn bệnh bẩm sinh, đa phần các trường hợp được phát hiện từ khoảng thời gian từ 10-20 tuổi. Tỷ lệ bệnh này tại Việt Nam là 1/200 trẻ sau sinh; trong đó khoảng 50-60% trường hợp thường gặp ở vùng hàm, mặt, cổ.

Để nhận biết được bệnh u máu cần thiết phải tiến hành các biện pháp khám lâm sàng, cận lâm sàng. Tuy nhiên có một số dấu hiệu u máu sớm như có thể nhận thấy phần mềm ở khối u bị phồng to hơn; bệnh nhân thường nghe tiếng thổi, tiếng rít của mạch máu hoặc sờ trên khối u thấy nóng hơn, tĩnh mạch phồng lên, mạch đập rất mạnh…Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến khuyến cáo bệnh nhân có dấu hiệu bị u máu cần phải đến các trung tâm chuyên sâu để khám và xử lý sớm

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/khcn/2013/6/200636.cand