Bệnh viện công 'dậy sớm', tăng ca

Đổi mới ở bệnh viện công phải toàn diện, đồng bộ, không chỉ đòi hỏi về chuyên môn mà còn các dịch vụ khác: trông gửi xe, vận chuyển người bệnh.

Bệnh viện công nên tạo sự thân thiện ngay từ những phần việc không liên quan đến công tác chuyên môn như: bảo vệ, trông xe, vận chuyển người bệnh và các dịch vụ thuê khoán khác.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cần đổi mới từ nhận thức của đội ngũ y, bác sĩ, lấy người bệnh làm trung tâm với sự hài lòng của người bệnh là trên hết. Việc thay đổi phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu, từ tiếp đón bệnh nhân đến điều trị cho đến khi ra viện. Ngay cả các bộ phận dịch vụ: bảo vệ, trông xe. Bản thân khi người nhà và bệnh nhân vào viện đã rất mệt mỏi, đau đớn, lo lắng; người bệnh là đối tượng rất đặc biệt, họ luôn mong đợi sự chăm sóc, vì vậy, cán bộ y tế cần có thái độ ứng xử đúng mực với bệnh nhân và người nhà, đặc biệt, không thể tồn tại tư duy “ban ơn”. Tất nhiên, sự thay đổi phải từ hai phía, trong đó, bệnh nhân và người nhà cùng hợp tác, phản ánh, góp ý về những tiêu cực, tồn tại nhưng cũng ghi nhận những thay đổi, nỗ lực của các bệnh viện trong nâng cao chất lượng phục vụ, điều trị, điều kiện cơ sở vật chất.

Theo khảo sát trong 2015 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), việc sắp xếp lại quy trình tiếp đón, khám bệnh, tăng cường nhân lực, giảm tải bệnh viện đã giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Cụ thể: tại tuyến Trung ương, khám lâm sàng đơn thuần, thời gian khám trung bình 49,6 phút, giảm 47 phút so với trước khi cải tiến; khám lâm sàng có làm thêm 3 kỹ thuật phối hợp, thời gian khám trung bình 145,3 phút, giảm 56 phút so với trước cải tiến.Với hàng chục triệu lượt khám, chữ bệnh hằng năm, thời gian tiết kiệm được nhờ cải tiến quy trình ước tính tương đương với 27,2 triệu ngày công lao động .

Nhiều bệnh viện lớn, đông bệnh nhân như Bạch Mai, Nhi T.Ư… bộ phận đón tiếp rất sớm, từ 6g30 sáng, các bàn khám tăng cường vào thời điểm cao điểm để đảm bảo các trường hợp khám thông thường được giải quyết trong buổi sáng, trong ngày, thuận lợi cho người bệnh ,đặc biệt với các bệnh nhân ngoại trú đến từ ngoại tỉnh.

Tiếp tục khắc phục bệnh nhân nằm ghép

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm hài lòng bệnh nhân, Bộ Y tế triển khai hàng loạt giải pháp như giảm quá tải bệnh viện, thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 luân chuyển cán bộ y tế về tuyến dưới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Đề án thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng bệnh nhân... Những giải pháp này bước đầu đã thu được một số khả quan song vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa. Mặc dù có nhiều cố gắng để giảm quá tải tại một số bệnh viện tuyến Trung ương song tình trạng vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Hiện vẫn còn cơ sở điều trị công suất hoạt động quá tải (130%), tình trạng nằm ghép vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập vẫn còn bị phàn nàn; một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, chưa coi người bệnh là khách hàng, là trung tâm, gây khó khăn để người bệnh phải cầu cạnh, nhờ vả.

Ông Khuê cũng cho rằng, sự hài lòng ở bệnh viện phải đến từ cả hai phía, người bệnh và cán bộ y tế. Cán bộ y tế phải thấu hiểu những nỗi đua, lo lắng của người bệnh để chia sẻ và điều trị tốt nhất, đồng thời người bệnh khi đã lựa chọn cơ sở y tế thì nên tin tưởng cán bộ y tế, khi có vấn đề gì cần trình bày, trao đổi rõ để cán bộ y tế hiểu, từ đó có thể phục vụ tốt nhất.

Liên Châu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/benh-vien-cong-day-som-tang-ca-768104.html