Bệnh viêm phổi địa phương - suyễn lợn

1. Giới thiệu bệnh

Bệnh viêm phổi địa phương hay còn gọi là viêm phổi truyền nhiễm hoặc suyễn lợn, là một bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó Mycoplasma là chủ yếu gây bệnh ở mọi lứa tuổi, nhưng nặng nhất là lợn 3- 26 tuần tuổi. Bệnh thường có 2 thể biểu hiện là dưới cấp và mãn tính với các triệu chứng viêm phổi và viêm phế quản phổi kèm theo các biến đổi đại thể đặc trưng của phổi.

Bệnh gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trang trại, bởi có nhiều lợn ốm còi cọc, chậm lớn, tỷ lệ chết cao, chi phí điều trị lớn, chi phíphòng bệnh và các hao tổn thức ăn tăng, giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh.

Ở các nước chăn nuôi lợn phát triển như Mỹ, Thụy Sỹ, Hà Lan đã có các thông báo cho biết thiệt hại so suyễn lợn gây ra từ 4- 7% tổng doanh thu của ngành chăn nuôi lợn.

2. Nguyên nhân gây bệnh

2.1. Nguyên nhân do vi khuẩn

Nguyên nhân chính phát ra gây bệnh là vi khuẩn Gram âm Mycoplasma thuộc nhóm PPLO (nằm giữa vi rus và vi khuẩn) bao gồm các chủng M. Hyopneumonia, M.hyorhinitis, M,granularum và M.suipneumoniae (M.pneumoniae suis)

Nguyên nhân kế phát và thúc đẩy bệnh nặng thêm là

- Brodetella bronchiseptica: căn nguyên gây viêm teo mũi.

- Pasteurella multocida typ D và Pasteurella haemolytica: căn nguyên gay bệnh tụ huyết trùng.

- Haemophillus pleuropneumoniae: căn nguyên gây bệnh viêm mũi và viêm dính màng phổi.

- Streptococcus và Staphylococcus: căn nguyên gây viêm amidal, viêm dính phổi, màng phổi và viêm khớp.

- Người ta còn phân lập được vi khuẩn Bacteria pyogenes suis: căn nguyên gây viêm áp xe mủ ở phổi và nhiều cơ quan khác.

Tất cả các vi khuẩn trên đều là những vi sinh vật thường trú ở amidal, niêm mạc đường hô hấp trên (mũi, xoang mũi).

2.2. Bệnh chỉ xảy ra khi có các yếu tố stress bất lợi thúc đẩy

- Thay đổi cơ cấu đàn, sau khi chuyển nhập lợn mới vào trại.

- Thay đổi khí hậu: mưa, gió, quá nóng, quá lạnh, tiểu khí hậu chuồng nuôi không đảm bảo, ẩm ướt, ngột ngạt, nhiều khí độc, NH3, H2S, CO2… Mật độ lợn quá đông, nuôi nhiều lứa tuổi, nhiều giống lợn cùng một chỗ.

- Thức ăn nghèo vi lượng, thiếu vitamin A,D,E

- Trong đàn có những lợn bị giun phổi.

- Các tác động stress sau tiêm phòng hoặc hậu quả việc tiêm phòng không đúng cách.

3. Đặc điểm dịch tễ

Nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất là lợn khỏe mang trùng, lợn ốm và chết do viêm phổi truyền nhiễm.

Bệnh lây lan theo đường tiếp xúc trực tiếp từ lợn sang lợn thông qua đường hô hấp và đường miệng là chủ yếu.

Bệnh cũng có thể truyền dọc từ lợn nái mang trùng sang lợn con trong các giai đoạn của bào thai.

Tất cả các lứa tuổi lợn đều bị nhiễm bệnh, nhưng bệnh xảy ra mạnh và lây lan nhanh ở những lợn nái cai sữa đến 6 tháng tuổi, đặc biệt là lợn con mới nhập đàn, khi đó bệnh có xu hướng lây lan nhanh. Có đến 60- 80% số lợn trong trại bị bệnh, song tỷ lệ chết lại rất thấp 5- 10%, nếu bị bội nhiễm tỷ lệ chết sẽ cao hơn.

Bệnh có đặc điểm cục bộ: chỉ xảy ra trong khu chăn nuôi, trong trại có bệnh, ít có khuynh hướng lây lan ngang sang vùng khác, vì thế mới có tên là bệnh viêm phổi địa phương.

Bệnh xảy ra âm ỉ trong trại và lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm, tuy nhiên ở nước ta, mùa đông và xuân bệnh xảy ra nhiều hơn, ban đêm lợn ho nhiều hơn ban ngày.

4. Cơ chế bệnh sinh

Mycoplasma thường trú tại amidal hoặc xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể lợn dưới tác động trực tiếp của các yếu tố stress có hại, chúng tăng độc lực và chui vào niêm mạc các phế quản và phế nang, ký sinh và sinh sản ở đó gây viêm cata phế quản, tăng tiết dịch bề mặt niêm mạc và kích thích tiết chất nhầy phủ dầy và nút kín nhiều nhánh nhỏ đối xứng của phế quản, trước hết là các thùy đỉnh, thùy giữa. Đến đây, nếu lợn có sức đề kháng tốt thì hiện tượng viêm phế nang và phế quản sẽ dần được khắc phục và lợn dần hồi phục. Ngược lại, nếu tác động các yếu tố stress bất lợi kéo dài thì sức đề kháng của cơ thể giảm và bệnh nặng hơn. Các vùng phổi bị viêm sẽ là nơi lý tưởng cho các vi khuẩn gây bệnh thứ phát khiến bức tranh lâm sàng trở nên vô cùng phức tạp. Từ ổ viêm cata có thể biến thành các ổ áp xe mủ, từ viêm thùy đỉnh, thùy giữa lây lan sang thùy khác, có thể viêm dính màng phổi, viêm màng tim và thể trạng lợn xấu đi nhanh chóng. Trong các trường hợp này,bệnh suyễn trở thành bệnh tổng hợp của hàng loạt chứng bệnh đường hô hấp.

5. Triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ nung bệnh dài từ 1- 4 tuần, nhưng cũng có thể sau 1-3 ngày nếu chưa có mặt của Haemophillus.

Bệnh thường phát triển rất chậm trên nền của viêm phế quản phổi và thông thường có 2 thể biểu hiện: á cấp tính và mãn tính.

5.1. Thể á cấp tính

- Lợn bệnh sốt nhẹ 40,4- 41 độ C, bắt đầu từ những hắt hơi chảy nước mũi, sau đó chuyển thành dịch nhầy.

- Lợn thở khó, ho nhiều, sốt ngắt quãng, ăn kém

- Lúc đầu ho khan từng tiếng, ho chủ yếu về đêm, sau đó chuyển thành cơn, ho ướt nghe rõ nhất là vào sáng sớm đặc biệt là các buổi khi trời se lạnh, gió lùa đột ngột, nước mũi nước mắt chảy ra nhiều.

Vì phổi bị tổn thương nên lợn thở thể ngực phải chuyển sang thở thể bụng, nhiều con thở ngồi như chó thở. Rõ nhất là sau khi bị xua đuổi, có những con mệt quá nằm lỳ ra mà không có phản xạ sợ sệt, vẻ mặt rầu rĩ, mí mắt sụp, tai không ve vẩy. Xương sườn và cơ bụng nhô lên hạ xuống theo nhịp thở gấp.

- Nhịp tim và nhịp thở đều tăng cao.

- Khi sờ nắn hoặc gõ để khám bệnh, lợn cảm thấy đau ở vùng phổi, rõ nhất là 1-2 đôi xương sườn đầu giáp bả vai. Lợn vẫn thèm ăn nhưng ăn uống thất thường.

- Nếu không điều trị, lợn bệnh sẽ chết sau 7- 20 ngày. Tỷ lệ chết phụ thuộc rất nhiều vào lứa lợn nuôi, sức đề kháng cơ thể và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng cũng như bẹnh thứ phát.

5.2. Thể mãn tính

Đây là thể bệnh thường gặp nhất ở những đàn mang trùng

- Lợn bệnh ho húng hắng liên tục và bệnh kéo dài gây cảm giác rất khó chịu.

- Đàn lợn ăn uống bình thường, nhưng lợn chậm lớn còi cọc.

- Da lợn kém bóng, lông cứng và xu dựng đứng, nhiều trường hợp thấy da bị quăn và xuất hiện nhiều vảy nâu.

- Trong trại có một số con bị viêm khớp và vì thế chúng đi lặc, đôi khi thấy liệt và bán liệt. Ở lợn nái, có thể có thấy thai chết lưu, sảy thai và con chết yểu.

- Nếu bị bội nhiễm thì lợn bệnh ho thường xổ mũi như mủ khiến bức tranh lâm sàng trở nên phức tạp.

Cả hai thể dưới cấp và thể mãn tính đều có tiên lượng xấu đi do lợn còi cọc, chậm lớn hao hụt số đầu con, chi phí thức ăn thuốc men tăng.

Nếu lợn bệnh qua được thì khả năng hồi phục cũng rất kém, do phổi bị tổn thương nặng, lợn trở nên còi cọc và chậm lớn.

6. Bệnh tích mổ khám

Ở giai đoạn đầu của bệnh, các biến đổi về viêm cât phế quản phổi bao gồm: vùng viêm sưng rắn, xung huyết phân biệt rõ với tổ chức phổi bình thường. Các hạch lâm ba phổi cũng sưng to và xung huyết. Càng về sau bệnh càng tiến triển nặng và bệnh tích của phổi cũng đặc trưng hơn.

Vùng phổi viêm càng cứng và nhục hóa có màu nau hay xám nâu giống như gan. Khi cắt ra, chúng có mắt cắt nhẵn và ướt do phổi bị tích nước và phù thũng (gọi thể kính hóa), phân biệt rõ với vùng phổi bình thường. Nhìn thấy rõ các đám áp xe, đám phổi bị xẹp, dính liền với màng phổi, thậm chí cả bao tim. Khoang ngực chứa nhiều thanh dịch fibrin tạo mô liên kết dính chặt giữa tim, phổi và lồng ngực.

Bóp miếng phổi được căt ra thấy chảy nhiều nước đỏ đục, bỏ và nước thấy phổi chìm. Trong phế nang phổi bị viêm chứa nhiều nước bọt trắng xà phòng. Đặc điểm nổi bật của bệnh suyễn các thùy phổi bị viêm bao giờ cũng đối xứng nhau cả trái và phải. Bệnh cũng bắt đầu từ rìa mép thùy đỉnh, thùy giữa sau đó lan tỏa xuống các thùy khác.

Phụ thuộc vào căn nguyên thứ phát và thời gian kéo dài của bệnh để có thêm các biến đổi, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì thể tích và độ lớn của phổi giảm đi rất nhiều, phổi dần xạp lại chỉ bằng ¼ đến 1/3 so với bình thường.

7. Chẩn đoán

7.1. Dựa vào đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích mổ khám

Các chuẩn đoán lâm sàng trong thực tế sản xuất dễ dàng tiến hành là: vào chuồng, đuổi lợn chạy nhanh và kéo dài 3-5 phút, sau thấy những con viêm phổi sẽ phát ra tiếng ho khan, có khi kèm theo ho là chảy nước mũi, một số con nằm lỳ ra vì quá mệt, một số con thở dốc, ngồi thở, chống hai chân trước giống như chó thở. Cơ bụng và xương sườn hóp vào nhô ra theo nhịp thở là đặc trưng của thở thể bụng và đặc điểm lâm sàng của suyễn lợn.

Bệnh tích mổ khám: thấy rất rõ các vùng viêm của phổi luôn đối xứng với các biến đổi gan hóa, thể kính hóa, kèm theo các ổ áp xe, .. gắn liền với việc dính màng phổi và các biến đổi của hạch lâm ba.

7.2. Chẩn đoán phân biệt

a. Cúm lợn

Bệnh xảy ra có tính thời vụ cao, chủ yếu vào mùa đông. Lợn sốt cao 41,4- 42 độ C, hắt hơi và ho, viêm mũi tiết dịch cấp tính, phát ban đỏ ở tai, mõm, phần da mềm ở bụng. Lợn nái thấy sảy thai. Bệnh tiến triển nhanh, nhưng cũng nhanh chóng hồi phục dần (trừ trường hợp bị bệnh thứ phát). Điều này khác hẳn với suyễn lợn. Mổ khám thấy các vùng biến đổi không đối xứng, cắt phổi có nhiều nước chứa sợi huyết. Các sợ huyết cũng thấy lẫn với bọt trong các tiểu phế quản.

b. Bệnh giả dại- Aujeszky

Bệnh giả dại thể phổi lây lan rất nhanh trong đàn lợn không phụ thuộc vào lứa tuổi và giống lợn. Bệnh gây chết cao ở lợn con theo mẹ, nhưng lại không đáng kể ở lợn lớn. Bênh giả dại có các biểu hiện thần kinh, ngứa đặc trưng mà không thấy ở suyễn lợn.

c. Bệnh dịch tả lợn cổ điển

Bệnh lây lan chậm, nhưng tỷ lệ mắc bệnh rất cao tới 100% số lợn. Tuy nhiên lợn con đang bú mẹ và nếu lợn mẹ đã tiêm phòng thì chúng rất ít khi bị mắc và không có dấu hiệu viêm phổi.

Bệnh tích mổ khám là các biến đổi đặc trưng của dịch tả như nhồi máu hình răng cưa ở lách, xuất huyết điểm dưới màng thận, viêm ruột hoại tử các nốt loét (button) hình xoáy ốc ở ruột, phổi viêm tiết tơ huyết nhưng không có áp xe….

d. Bệnh phó thương hàn

- Sốt lúc đầu cao, sau đó thân nhiệt thay đổi lúc tăng lúc giảm.

- Bệnh cũng xảy ra chủ yếu ở lợn sau cai sữa đến 4 tháng tuổi.

- Ngoài viêm phổi còn có viêm xuất huyết dưới da tai, đặc biệt là chỏm tai, phần da trên mõm, bụng, bẹn, háng,… và viêm xuất huyết hoại tử đến loét sâu trong ruột già.

- Gan lốm đốm, sưng to và cứng, nhiều trường hợp có điểm hoại tử trắng ngà.

8. Điều trị

Điều trị bệnh suyễn lợn là vô cùng khó khăn vì bản chất bệnh là do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó yếu tố stress không thể kiểm soát và khống chế được, căn nguyên lại thường trú trong cơ thể lợn và chỉ cần một sơ xuất trong việc chăn nuôi có thể bùng phát gây bệnh.

Chưa hết, bệnh có tính lây lan âm ỉ, kéo dài. Do đó để điều trị bệnh viêm phổi địa phương phải quán triệt thực hiện song song 2 nguyên tắc:

8.1. Điều trị đàn bệnh, trại bệnh

Là điều trị cả con ốm, con mang trùng chưa phát bệnh và tiêu diệt căn nguyên tận gốc, khống chế sự tồn tại của mầm bệnh trong trại và tiến tới làm sạch bệnh trong trại.

Trộn thức ăn theo một trong các loại thuốc sau:

- Pig.mix 1: 4kg/tấn thức ăn/ ngày.

- Pig.mix 2: 6kg/tấn thức ăn/ ngày.

- Gentafam 1: 2-4 kg/ tấn thức ăn/ ngày. Anti- CRD.LA: 4kg/tấn thức ăn/ ngày.

- CCRD- Năm Thái: 2 kg/ tấn thức ăn/ ngày.

Cho cả chuồng ăn liên tục trong 10 đến 15 ngày. Hoặc pha vào nước cho lợn uống tự do vừa có tác dụng tiêu diệt Mycoplasma vừa có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh thứ phát sau:

- Flumequin 20: 10 ml/ lít nước kết hợp với Tiamulin hoặc Tylosin 1g/lít nước.

- Enro 10: 10ml/ lít nước.

- Norflox 10: 10ml/ lít nước.

Dùng thuốc kéo dài 10 ngày, nếu bệnh quá nặng và kèm theo rối loạn tiêu hóa có thể tăng liều gấp 1,5- 2 lần.

8.2. Đối với các cá thể bệnh

Phải điều trị trực tiếp theo các tình huống và phác đồ sau:

a.Ho khan không chảy nước mũi, nước mắt

Cách 1:

- Sáng : Vidan.T: 1ml/ 10kgP

- Chiều: Spyracin.Thái: 1ml/ 8- 10kgP.

Cách 2:

- Sáng: Macavet: 1ml/ 10kgP ngày thứ 1 và 15kgP/lần kể từ ngày thứ 2, tiêm cách ngày.

- Chiều: T.C.K: 1ml/ 8- 10kgP

Cách 3:

- Sáng: Spyracin.Thái: 1ml/ 8- 10kgP

- Chiều: T.Enteron: 1ml/ 8- 10kgP

b. Ho khan hoặc ướt, ho kéo dài, chảy nước mũi lẫn máu

Cách 1:

- Tiêm Tialin.Thái: 1ml/10kgP

- Chiều: Linco- Gen LA: 1ml/10kgP hoặc Flodovet, hoặc T.C.K

Cách 2:

Sáng: Macavet : 1ml/15kgP/Lần , cách ngày tiêm 1 lần

Chiều: Gentatylo 1ml/10kgP hoặc Vidan.T 1ml/10kgP

c.Ho ướt kèm theo chảy mũi lẫn máu, chảy mủ hoặc máu cam trong đàn có một số lợn bị viêm khớp

Cách 1:

- Sáng : Flodovet : 1ml/10kgP

- Chiều: VidanT: 1ml/10kgP

Cách 2:

- Sáng : Ceftiofur: 1ml/10- 15kgP

- Chiều: T.Gastron: 1ml/10kgP

Cách 3:

- Sáng: Macavet 1ml/ 10kgP

- Chiều Linco- Gen LA 1ml/ 10kgP

Thuốc Macavet và Flodovet tiêm 2 ngày liên tục, mỗi ngày 1 mũi, sau đso 48h tiêm nhắc lại, tiêm không quá 3-4 mũi.

Ngoài kháng sinh ta có thể bổ sung them cho lợn Vitamin A,B,C,… tốt nhất là A.D3.B- complex nhằm giúp lợn nhanh chóng hồi phục.

Điều trị theo 2 bước trên có hiệu quả tốt nhất với đàn lợn.

9. Phòng bệnh

Như đã nêu trên, bệnh suyễn rất phổ biến, tiến triển phức tạp, chi phí điều trị cao, nên phải phòng bệnh toàn diện từ xa.

9.1. Phòng bệnh từ xa cho trại

Khi nhập lợn về phải rõ lý lịch, lợn mua về phải là lợn khỏe mạnh, không bệnh.

Dù nhập lợn về khỏe mạnh cũng phải nuôi cách ly để tiến hành phfong các bệnh cần thiết bằng vacxin và thuốc. Riếng suyễn lợn phải dung 1 trong các loại thuốc ở phần điều trị trong tối thiểu 5- 7 ngày.

Chuồng trại phải giữ nguyên tắc vệ sinh thú y chặt chẽ, thường xuyên tiêu diệt chuột, chó , mèo hoang, côn trùng,….

9.2. Đối với đàn lợn trong trại

- Định kỳ dung thuốc để phòng bệnh. Cứ 30- 35 ngày cho uống một trong các liều điều trị trong 3 ngày, liều dùng bằng ½ liều điều trị.

- Tuyệt đối không dùng lợn đực lợn nái có mang mầm bệnh, hoặc đã khỏi bệnh vào mục đích sinh sản.

- Nên phổ cập công tác thụ tinh nhân tạo để tăng đàn.

- Nái sinh sản 15- 20 ngày trước khi đẻ chuyển lên khu vực đẻ phải được dùng thuốc phòng bệnh CCRD Năm Thái hoặc Gentafam 2g/kg TA/ ngày x3-5 ngày

- Giữ mật độ lợn càng thưa càng tốt.

- Thường xuyên tiến hành công tác khử trùng tiêu độc

- Đảm bảo kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng.

9.3. Triển khai tiêm phòng chủ động bằng một trong các loại vacxin:

- Respisure 1 ONE TM: đây là loại vacxin vô hoạt, tiêm bắp cho lợn sinh sản lần 1 lúc 3 tuần tuổi trở lên.

Lần 2 tiêm nhắc lại khi lợn đạt 6 tháng tuổi và lần 3 trước khi nái đẻ 20 ngày. Mỗi lần tiêm tối thiểu 1 liều 2ml.

- Respisure là vacxin vô hoạt của hãng Pfizer- Mỹ

+ Cho lợn nuôi thịt và lợn con: Tiêm bắp lần 1 lúc lợn đạt 7 ngày tuổi, lần 2 lúc 21 ngày tuổi.

+ Cho lợn làm giống: tiêm bắp lần 1,2 như trên lần 3 tiêm trước khi đẻ 6 tuần và lần 4 trước đẻ 2 tuần. Sau đó tiêm định kỳ 6 tháng/lần, mỗi liều 2ml.

- Flusure/ Respisure RTU: vacxin vô hoạt đa giá của Pfizer- Mỹ phòng bệnh cúm lợn và suyễn lợn. Sử dụng tiêm bắp lần 1 lúc lợn 3 tuần tuổi, lần 2 sau đó 3 tuần , lần 3 trước khi sinh 3 tuần và sau đó định kỳ 6 tháng/lần.

+ Mycosilence R.one (Diluvac.Forte) vacxin vô hoạt của Intervet- Hà Lan chứa chủng M.hyopneumoniae.

+ Maxivac platinum: vacxin nhị giá vô hoạt chống suyễn và cúm lợn. Dùng cho lợn con lúc 5 tuần tuổi, tiêm nhắc lại 2-3 tuần sau.

+ M-Rhusigen: vacxin vô hoạt nhị giá chống suyễn và đóng dấu lợn.

Ngoài ra còn nhiều loại vacxin khác.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/80/thu-y/117972/benh-viem-phoi-dia-phuong--suyen-lon.aspx