Bệnh viêm gan, viêm túi mật dễ phát triển thành ung thư

Cả bệnh viêm gan và viêm túi mật đều có thể tiến triển thành ung thư, điều đáng nói dấu hiệu nhận biết sớm của hai căn bệnh này rất ít.

Thông tin nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng qua đời vì mắc phải căn bệnh viêm gan và viêm túi mật khiến không ít người cảm thấy bất ngờ, vì trước đó người nghệ sĩ tài ba này vẫn xuất hiện trên truyền hình và trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng: “Mình vẫn ổn”.

Vậy, căn bệnh mà NSUT Phạm Bằng mắc phải nguy hiểm như thế nào? Đó là câu hỏi khiến rất nhiều người quan tâm. Trao đổi với phóng viên, Th.s Nguyễn Thị Thu Hương, Phòng khám Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, viêm gan, viêm mật là căn bệnh giết người thầm lặng vì nó không có triệu chứng rõ ràng nên khi bệnh tiến triển nặng bệnh nhân mới tìm tới gặp bác sĩ.

Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vì mắc bệnh viêm gan và viêm túi mật.

Hầu hết các bệnh nhân bị viêm gan, viêm mật thường phát hiện bệnh rất tình cờ khi đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu. Hoặc khi bệnh phát ra ngoài có những biểu hiện chán ăn mệt mỏi, vàng da.

Theo Th.s. Nguyễn Thị Thu Hương trong các loại viêm gan, thì viêm gan B và C nguy hiểm. Sau giai đoạn cấp, viêm gan B, C có thể trở thành viêm gan mãn tính, xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, điều đáng sợ rằng nhiều trường hợp dù sinh hoạt lành mạnh, nhưng vẫn bị ung thư gan, thậm chí có gia đình có nhiều người cùng mắc căn bệnh này do Vi rút gây nên.

“Ví dụ như trường hợp bệnh nhân Đ. N. Đ (nam, 37 tuổi, Hà Nội) đã phát hiện ung thư gan khi khám khi đi sàng lọc tại một bệnh viện tại Hà Nội. Trước đó, năm 1997, bệnh nhân phát hiện viêm gan B, đến năm 2015 thì điều trị thuốc ức chế virus Baraclud theo đơn của bác sĩ. Bệnh nhân tái khám và chưa phát hiện u gan tại thời điểm khám (tháng 2/2016).

Khoảng vài tháng gần đây khi có biểu hiện bất thường, bệnh nhân Đ. đi khám và là một số xét nghiệm. Qua xét nghiệm bệnh nhân Đ., có HbeAg dương tính, số lượng virus HBV: 35700 copies/ml, chỉ số tầm soát ung thư gan cao (AFP 305.69 ng/ml). Kết quả siêu âm: ổ bụng phát hiện 2 khối u gan trên nền xơ gan.

Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành khai thác tiền sử bệnh thì được biết, bệnh nhân có mẹ qua đời vì ung thư gan/viêm gan B. Gia đình có 5 anh em đều bị lây do nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, chị gái thứ 4 phát hiện ung thư gan cách 4 năm”, BS Hương chia sẻ.

BS Hương cho biết, bệnh viêm gan và viêm túi mật rất nguy hiểm.

Ths. Hương cho biết, cách phòng viêm gan tốt tất là nên đi tiêm vắc xin phòng ngừa, đối với viêm gan B, A. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: Cắt móng tay, bông tẩy trang, tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng…); Không dùng chung bơm kim tiêm các vật dụng khác như: kim châm cứu, xăm mình, khuyên tai...

Đối với những trường hợp nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, đặc biệt là những trường hợp gia đình có nhiều người ung thư cần được khám định kỳ 3 tháng/lần để tầm soát bệnh tốt nhất.

Ngoài ra, cần xét nghiệm đột biến Precore và Promomotor cần được thực hiện ở những bệnh nhân này nếu số lượng virus HBV-DNA>= 1,0x105 copies/ml.

Riêng đối với bệnh viêm túi mật, BS Hương cho biết, bệnh viêm túi mật nếu không điều trị sớm nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân viêm túi mật có thể bị tử vong nhanh do bị viêm nhiễm trùng và nhiễm độc.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hương, những bệnh nhân viêm túi mật mãn tĩnh có thể chuyển biến thành ung thư túi mật, nhưng tỷ lệ rất ít và hiếm gặp. Bệnh ung thư túi mật thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh tiến triển nặng khi khởi phát, bệnh nhân sẽ đau hạ sườn phải, da vàng, gầy sút cân, buồn nôn hoặc nôn mửa, bụng chướng…

Do bệnh ung thư túi mật thường không được chẩn đoán sớm cho nên điều trị ung thư túi mật rất khó. Vì ung thư lan rộng và nhanh sang nhiều cơ quan khác đặc biệt là gan

Lê Phương

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/song-khoe/benh-viem-gan-viem-tui-mat-rat-nguy-hiem-de-phat-trien-thanh-ung-thu-d102487.html