Bệnh tim mạch - Nỗi lo toàn cầu

GD&TĐ - Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, tim mạch hiện là vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu, đây là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu. Xu hướng tăng nhanh tại các nước đang phát triển, đặc biệt là gia tăng người trẻ mắc bệnh cho thấy đã đến lúc không thể thờ ơ với căn bệnh này.

Tấn công giới trẻ

Tim mạch trước kia vẫn được coi là bệnh của người già do cơ thể lão hóa, ít vận động. Nhưng ngày nay, rất nhiều người trẻ cũng mắc bệnh này.

Sau 10 ngày điều trị, anh Nguyễn Huy Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã tỉnh táo nhưng chưa tự đi lại được bởi biến chứng của bệnh tim mạch để lại.

Anh Hoàng cho biết: Lúc trước thấy nửa trong tay trái lạnh, bàn tay ra nhiều mô hôi, môi cũng thâm lại nhưng nghĩ do mình hút thuốc lại làm việc căng thẳng trong môi trường nắng nóng nên mới vậy. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong viện, người nhà thông báo bị tim thấy quá bất ngờ.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Xuân (45 tuổi) hàng ngày vẫn dành 1 tiếng để chơi thể thao nhưng một ngày cảm thấy người khác lạ, ngực phía trái như nặng hơn, đôi khi tức nên đi khám.

Bác sĩ nghi bị đau do dạ dày viêm nhưng uống hết đợt thuốc vẫn không đỡ. Qua tham khảo nhiều nơi, anh Xuân quyết định đi khám tim mạch. Kết quả chụp xạ hình tưới máu cho thấy có tới 9 đoạn mạch bị tắc, chỗ tắc nhiều nhất 80%, còn lại 30 - 40%.

Theo bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, bệnh tim mạch đang có xu hướng tấn công người trẻ. Trước kia, thường những người trên 50 tuổi mới mắc bệnh nhưng nay 30 - 40 tuổi đã phải vào viện, thậm chí có thanh niên 25 tuổi cũng được chẩn đoán bị tim mạch.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Ngoại trừ người bị tim bẩm sinh, số còn lại mắc bệnh có thể do tăng huyết áp, mỡ máu… Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ người 25 - 74 tuổi có chỉ số khối cơ thể ở mức có nguy cơ về sức khỏe (BMI >23) tới 25,9%, trong đó 40,4% người được khảo sát tại khu vực thành thị có chỉ số BMI rơi vào mức nguy cơ về sức khỏe. Đáng chú ý số người bị rối loạn chuyển hóa lipid và glucose máu ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với các khu vực khác.

Theo đó, có đến 44,3% người 25 - 74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lí tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

Người bị tăng huyết áp ở nước ta cũng đang ở mức báo động đỏ. Cả nước có gần 48% người bị tăng huyết áp, trong đó, có 39% người bị tăng huyết áp không được phát hiện.

Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc cũng trẻ hóa. Hiện nay, cứ 10 người (từ 25 tuổi trở lên) thì có 4 người bị tăng huyết áp.

Có thể phòng tránh

Tính trung bình, mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người, chiếm khoảng 1/4 số trường hợp tử vong ở nước ta. Đây là con số đáng báo động bởi, ảnh hưởng tới toàn xã hội bởi trong khi dân số đang già hóa thì lực lượng trẻ lại đương đầu với nhiều loại bệnh tật.

Cũng như nhiều bệnh khác, bệnh lý tim mạch hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý.

Theo khuyến cáo của Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lê Danh Tuyên, người dân, đặc biệt là giới trẻ nên giảm ăn mặn, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo, thực phẩm quá nhiều cholesterol.

Việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400g/ngày) sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cân đối lượng dầu/mỡ, đạm động vật - thực vật trong bữa ăn hàng ngày.

Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen sinh hoạt điều độ. Theo đó, dù bận đến đâu cũng nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể thao hoặc đơn giản là đi bộ.

Việc làm này cần thường xuyên, liên tục mới có hiệu quả chứ không tập theo kiểu “quá tả quá hữu”. Thư giãn cũng là cách giảm mệt mỏi, căng thẳng cho trí óc và tim mạch.

Một vài lần hít thở sâu hay vươn vai, tranh thủ đứng - đi lại bất cứ lúc nào trong ngày là cách thư giãn giữa giờ làm việc, tận dụng mọi cơ hội có thể để trò chuyện, gặp gỡ người thân, bạn bè để giải tỏa stress…

- Một nghiên cứu trên 6.500 phụ nữ Trung Quốc cho thấy việc sử dụng ít nhất 7.4g đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm 75% các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Tại Nhật Bản, các nhà khoa học cũng khuyến cáo sử dụng đa dạng các loại thực phẩm từ đậu nành (như sữa đậu nành, đậu phụ, súp miso, đậu nành tươi...) trong chế độ ăn hàng ngày.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/benh-tim-mach-noi-lo-toan-cau-2093777-b.html