Bệnh nhi ung thư có thể tiêm chủng ngừa các bệnh khác?

Bệnh nhi không may mắc ung thư trong quá trình điều trị, các bệnh truyền nhiễm khác là mối nguy hiểm lớn đối với trẻ. Tuy nhiên, khoa học chưa đánh giá về hiệu quả của việc chủng ngừa vì thế mỗi trường hợp bệnh phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Thông tin trên được BS Võ Thị Phương Mai, khoa Nội ung bướu vệ tinh cho biết tại Hội thảo phòng chống ung thư diễn ra ở TPHCM (ngày 1/12/2016). Theo đó, vấn đề lo lắng thường trực đối với thân nhân bệnh nhi cũng như các nhà chuyên môn là nguy cơ trẻ có thể mắc các loại bệnh truyền nhiễm trong quá trình điều trị bệnh lý ung thư sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Phân tích chuyên môn của BS Võ Phương Mai chỉ ra, trẻ bị ung thư có nguy cơ cao bị bệnh nặng khi mắc phải các bệnh lý có thể chủng ngừa hơn so với trẻ có sức khỏe bình thường. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhóm trẻ này có hệ miễn dịch bị suy giảm bởi bệnh lý ung thư và các phương pháp trị liệu ung thư (đặc biệt quá trình hóa trị gây độc tế bào) gây ra. Hệ miễn dịch suy yếu sẽ khiến cơ thể không đủ đề kháng để chống lại các bệnh do vi rút, vi khuẩn hay ký sinh trùng.

Tùy tình trạng sức khỏe và sự thay đổi miễn dịch của mỗi bệnh nhi, bác sĩ sẽ có chỉ định chủng ngừa phù hợp

Để tăng cường miễn dịch cho cơ thể chống lại các loại bệnh (đã có vắc xin chủng ngừa) trên bệnh nhi nói riêng và cộng đồng nói chung hiện đang được xem là giải pháp hiệu quả để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với bệnh nhi bị ung thư, nếu thực hiện chích ngừa vắc xin phòng các loại bệnh khác, trẻ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, các bệnh nhi ung thư có tiền căn dị ứng kháng sinh hoặc trứng thì sẽ bị chống chỉ định với một số loại vắc xin.

Hiện vấn đề chủng ngừa cho bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh nhi ung thư nói riêng vẫn chưa có sự thống nhất chung trong y học toàn cầu, vì thế các quốc gia chưa có hướng cụ thể việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực dự phòng và ung thư khuyến cáo, để thiết lập được chiến lược tiêm chủng tốt nhất cho trẻ, thì các nhân viên y tế phải hiểu rõ những thay đổi trong hệ miễn dịch của trẻ, trên cơ sở đó việc chỉ định chủng ngừa sẽ được xem xét trên từng trường hợp.

Những trường hợp sau đây sẽ chống chỉ định chích ngừa vắc xin phòng bệnh: Trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường quy nhưng đang trong thời gian hóa trị ung thư; các vắc xin được làm từ vi rút, vi khuẩn sống (vắc xin sống) bị chống chỉ định trong quá trình hóa trị.

Ngoài ra, các vắc xin không phải vắc xin sống đều có thể được chỉ định trong quá trình hóa trị gồm: uốn ván, bạch hầu, ho gà, sốt bại liệt, viêm gan B, cúm, Haemophilus, phế cầu và não mô cầu. Tuy nhiên, do khả năng đáp ứng miễn dịch của bệnh nhi trong khoảng thời gian điều trị ung thư thường kém nên sẽ làm giảm tính hiệu quả của vắc xin. Vì thế, chỉ nhưng bệnh nhi có thể trạng tốt, không có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm trùng hoặc gây độc tính các cơ quan ít nhất là 3 tuần sau tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ, BS Phương Mai khuyến cáo người thân của bệnh nhi và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cần phải chủng ngừa đẩy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo. Với từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ điều trị phải cân nhắc kỹ lưỡng các nguy cơ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, sinh mạng của trẻ, trước khi đưa ra chỉ định chủng ngừa cần phải tư vấn về lợi ích cũng như nguy cơ cho thân nhân bệnh nhi. Việc chủng ngừa cho bệnh nhi phải được giám sát chặt chẽ theo hồ sơ chủng ngừa và giám sát diễn tiến sức khỏe của các bé sau tiêm để kịp thời can thiệp chuyên môn trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Theo Vân Sơn/Dân trí

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/suc-khoe-cong-dong/201612/benh-nhi-ung-thu-co-the-tiem-chung-ngua-cac-benh-khac-2526700/