Bệnh nhân SXH tăng nhanh: Hà Nội dồn sức ứng phó

Trước diễn biến phức tạp và không ngừng gia tăng về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), các bệnh viện (BV) cũng như chính quyền các cấp ở Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh.

Nhân viên y tế của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải kê bàn làm việc ra hành lang để có đủ chỗ cho bệnh nhân điều trị. Ảnh: Báo PNVN

Đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 71.000 người mắc SXH, trong đó hơn 60.000 trường hợp nhập viện, 19 người tử vong. So cùng kỳ năm 2016, số người phải nhập viện tăng 24,8%, số tử vong cũng nhiều hơn 3 người.

Các chuyên gia y tế đều có chung nhận định: Dịch SXH sẽ còn căng thẳng nữa do diễn biến bất thường của thời tiết. Đây là những thách thức lâu dài với các đơn vị dự phòng, cũng như các BV trong việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.

Tại miền Bắc, Hà Nội là địa phương có nhiều trường hợp mắc SXH nhất với hơn 11.000 ca, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì... và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tình trạng này khiến hầu hết các BV điều trị SXH đều quá tải và buộc phải thực hiện nhiều biện pháp ứng phó.

Theo tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày có gần 1.000 người mắc và nghi mắc SXH đến khám, cao gấp 5 lần so với bình thường và tăng khoảng 60% so với cách đây 2 tuần. BV đã tăng từ 6 lên 10 phòng khám, lại thêm 3 phòng dành riêng cho bệnh nhân tái khám, và dù chỉ cho 5-8% bệnh nhân nặng nhập viện, nhưng vẫn quá tải.

Để giải quyết tình trạng này, BV đã dành hội trường lớn kê thêm 20 giường bệnh làm khu điều trị ban ngày cho bệnh nhân. Nếu tiếp tục quá tải, sẽ kê tiếp thêm giường ra hành lang, như BV dã chiến.

Toàn bộ nhân viên được huy động làm việc 24/7; tất cả bác sĩ, điều dưỡng đang đi học cũng được triệu tập quay lại BV để làm việc.

Để tiện điều trị, BV đã chuyển bệnh nhân ở khoa khác sang cơ sở 2 ở Đông Anh, dù vậy ngoài 500 giường kế hoạch, tại cơ sở 1 vẫn phải mượn thêm 400 giường để kê thêm.

BV Đống Đa là nơi tiếp nhận bệnh nhân SXH từ tuyến dưới chuyển lên và từ tuyến trên (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chuyển xuống. Hiện tại, một nửa số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại BV là bị SXH. Số giường thực kê của BV chỉ khoảng 330-350, trong khi có đến 210 bệnh nhân SXH. Chưa kể mỗi ngày tại đây khám cho 400-500 ca SXH, trong đó khoảng 20% phải nhập viện.

Đặc biệt, tại Khoa Truyền nhiễm đã phải kê thêm 35 giường, từ 50 lên 85 cho 150 bệnh nhân điều trị nội trú, số còn lại nằm xen tại Khoa Nội 2.

Tại Khoa Cấp cứu, suốt từ tháng 5 đến nay, cứ 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng khám cho 150 bệnh nhân, trong khi ngày thường chỉ 30-50 bệnh nhân. Phòng làm việc của bác sĩ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch.

Hội trường của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương được kê 20 giường bệnh cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Vietnamnet

Tương tự, BV Thanh Nhàn điều trị cho khoảng hơn 500 bệnh nhân SXH. BV dồn đủ các khoa, phòng, lấy cả phòng của nhân viên y tế để kê thêm giường bệnh. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2-3 người một giường. BV cũng triển khai thêm đơn vị điều trị SXH ban ngày để theo dõi những bệnh nhân nhẹ, nhưng vẫn quá tải.

Ở nhiều BV khác, nhân viên y tế cũng được huy động tối đa để phục vụ người bệnh. Các bác sĩ đều phải làm cả ngoài giờ, làm ngày nghỉ, không được nghỉ phép trong thời điểm căng thẳng này.

Lập đội xung kích diệt bọ gậy, tăng ngân sách cho phòng chống SXH

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, mới đây UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định về việc bổ sung kinh phí tăng cường phòng, chống dịch SXH trên địa bàn Thành phố năm 2017. Theo đó, Thành phố trích hơn 8,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để thực hiện phòng, chống dịch SXH.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy nhằm giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Mỗi đội gồm 2-3 người từ các tổ chức đoàn thể như thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, dân phòng… phụ trách 30-50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan xí nghiệp, trường học, khu công cộng.

Nhiệm vụ của các đội cung kích này là kiểm tra, hướng dẫn và cùng các gia đình, cơ quan… xử lý triệt để dụng cụ chứa nước, đồ vật chứa nước có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân; giám sát phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng. 7 ngày/lần các đội phải kiểm tra công tác diệt bọ gậy, bảo đảm 100% hộ gia đình, cơ quan được xử lý các nguồn có thể gây bệnh.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng lập tổ giám sát phòng chống dịch. Các tổ này chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5-10 đội xung kích diệt bọ gậy. Kết quả thực hiện của các đội xung kích được đánh giá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 5-10% hộ gia đình và khu vực phụ trách.

Thu Hà (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/benh-nhan-sxh-tang-nhanh-ha-noi-don-suc-ung-pho/313482.vgp