Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng trẻ hóa

Được biết những năm gần đây, tỷ lệ bệnh đột quỵ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Mỗi ngày chỉ riêng tại Bệnh viện Đại học Y dược cũng tiếp nhận từ 3 - 4 ca đột quỵ. Tỷ lệ bệnh nhân được đưa đến sớm, kịp xử lý trong 6 giờ vàng đầu tiên khá ít.

Bệnh nhân đột quỵ thường để lại những di chứng nặng nề

Ngày 24/3, sau giờ nghỉ trưa, ông Trần Văn Hem, 64 tuổi (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) ngồi dậy từ võng bỗng lảo đảo rồi ngã bất tỉnh. Gia đình đưa vội lên bệnh viện huyện rồi đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Sau 2 giờ xử lý, bệnh nhân được chuyển thẳng lên bệnh viện tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu và dần đi vào hôn mê.

Đến ngày 28/3, ông được gia đình xin chuyển sang Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và phẫu thuật cấp cứu mở hộp sọ. Sau 2 tuần điều trị, đến nay ông Hem đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Bá Thắng, Phó trưởng khoa Thần kinh kiêm Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, đột quỵ khiến người bệnh bị xuất huyết sâu trong não hoặc bị cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Do thời gian di chuyển đến bệnh viện quá dài nên việc xử lý điều trị không kịp thời khiến bệnh nhân sẽ bị một số di chứng là liệt tê tay chân và mất khả năng ngôn ngữ.

Bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Thần kinh TP.HCM, đánh giá, ở góc độ điều trị, khả năng can thiệp những ca đột quỵ tại bệnh viện tuyến cơ sở còn rất hạn chế. Đa phần bệnh nhân đột quỵ đều được chuyển đến cấp cứu ở bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam các bệnh viện tuyến cơ sở có đơn vị đột quỵ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Căn bệnh này xảy ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước, khi các triệu chứng ập đến thì người bệnh đã lâm vào tình trạng bị tắc mạch máu gây chết não hoặc vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não và sự sống bắt đầu bị hủy hoại.

Bác sĩ Chí Cường cho biết, từ năm 2015 đến nay, y học thế giới đã có đầy đủ các bằng chứng khoa học để khẳng định bệnh đột quỵ có thể được can thiệp thành công bằng phương pháp điều trị nội khoa và can thiệp phẫu thuật. Các triệu chứng cơ bản thường gặp ở người đột quỵ gồm: méo miệng, méo mặt, tay chân yếu, giọng nói méo mó. Nếu xuất hiện một trong các biểu hiện trên, cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ và tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Quan trọng nhất là cấp cứu người bệnh trong những giờ đầu, đặc biệt là ở trường hợp tắc nghẽn mạch máu lớn. Đây là việc quyết định liệu người bệnh có tử vong hay có di chứng nặng để lại không. Cần lưu ý là trong 6 giờ đầu (được gọi là giờ vàng, mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi) can thiệp nội mạch là biện pháp hiệu quả.

Vào thời điểm chuyển mùa, tỷ lệ người bị đột quỵ sẽ tăng cao. Những người bị bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… có nguy cơ cao bị đột quỵ. Lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và ăn uống điều độ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/benh-nhan-dot-quy-co-xu-huong-tre-hoa-post161620.html