Bệnh ngại đi bộ

Một người bạn nước ngoài nói với tôi, anh cảm nhận sự ái ngại sâu sắc của mọi người dành cho mình khi thấy anh mỗi sáng đi bộ chưa tới 2km đến văn phòng làm việc.

“Sáng nay, một ngày thời tiết không quá khắc nghiệt, có tới 3 bác xe ôm, hai bác taxi mời mọc tôi lên xe và bảo, đi bộ làm gì cho vất vả, nhất là lại complet cà vạt thế kia. Thậm chí có một bạn sinh viên hồ hởi nói bạn sẽ chở giùm tôi tới địa chỉ cần đến. Chỉ giúp, không lấy tiền”, anh kể và nhận xét thêm, chừng nào mọi người còn ngại đi bộ đến thế thì giao thông đô thị còn ách tắc. “Tan sở, có rất nhiều người lao vội đến các phòng tập gym, xỏ giày và… đi bộ trên máy để bảo vệ sức khỏe, nhưng phần lớn họ đều rất ngại đi bộ trên đường - việc không thể tránh nếu muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.

Còn nhớ, tại một cuộc họp của TP.HCM, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND thành phố này phát biểu rằng, ông hy vọng thói quen đi bộ ở TP.HCM sẽ xuất hiện từ khu phố trung tâm Nguyễn Huệ - nơi mọi thứ đều dễ dàng tiếp cận bằng việc đi bộ và nhân rộng ra nhiều khu vực khác. Đó là một thói quen hiện đại phù hợp với một thành phố năng động… “Đi bộ có mang nhiều lợi ích về sức khỏe, bớt xe cộ lưu thông trên đường và giảm tiêu thụ năng lượng. Ở ta một bước cũng lên xe, hai bước cũng lên xe”, Phó Chủ tịch Khoa bình luận.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Ở một đô thị mà ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người còn kém, thì người đi bộ gặp không ít khó khăn. Khu phố đông y ở quận 5 (đường Lương Nhữ Học) được tổ chức thành khu vực đi bộ phục vụ du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài, nhưng không đảm bảo an toàn cho du khách. Nhiều nơi vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ không biết đi vào đâu, nếu không đi xuống lòng đường! “Cuộc chiến” trả lại công năng cho vỉa hè sau một hồi “nóng bỏng”, giờ đây đã có phần lắng xuống, nếu không sợ nói quá thì có phần giống như “ném đá ao bèo”...

Để đi bộ trở thành một thói quen tốt, ngoài việc lên kế hoạch, vận động, kêu gọi người dân trên địa bàn (đặc biệt là nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên) đi bộ trong cự ly ngắn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, chính quyền đô thị cần phải tạo được điều kiện thuận lợi mới “nuôi dưỡng” được thói quen ích mình, lợi đô thị này.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/benh-ngai-di-bo.aspx