Bệnh lao vú tấn công nhiều phụ nữ

BV Quận Thủ Đức (TPHCM) cho biết, trong thời gian qua đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân bị lao vú. Đây là một bệnh ít gặp, rất dễ nhầm với ung thư hay áp xe vú.

Chị B.T.Mỹ (44 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TPHCM) - một bệnh nhân đang điều trị lao vú kể, vào giữa tháng 4/2017, chị thấy một bên ngực bị đau, sưng nên liền lập tức đến bệnh viện. “Lúc đó, bản thân tôi và gia đình ai cũng rất lo sợ. Từ trước đến giờ tôi chưa bị bệnh gì nghiêm trọng cả”, chị Mỹ kể.

Tại bệnh viện, chị Mỹ được chẩn đoán là bị lao vú, được mổ và cho uống thuốc. Đến nay thì sức khỏe của chị đã ổn định. “Sau khi mổ thì tôi được chỉ định uống thuốc trong vòng 6 tháng để điều trị. Mới đầu uống thuốc thì thấy rất khó chịu, người lúc nào cũng bồng bềnh. Phải khoảng nửa tháng sau thì mới đỡ. Riêng vết mổ rất nhỏ nên không ảnh hưởng đến thẩm mỹ”, nữ bệnh nhân cho biết.

Bác sĩ Mai Trung Hiếu, Khoa Ung bướu - BV Quận Thủ Đức cho biết, trong thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân bị lao vú, độ tuổi từ 38-60 tuổi. Các bệnh nhân đến khám vì sưng sưng đau một bên vú suốt từ 2 tuần đến 4 tháng. Tất cả người bệnh trước đó đều bình thường, không bệnh lý khác kèm theo, X-quang phổi cũng không phát hiện bất thường. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân trước đó đi khám một số nơi thì được chẩn đoán là bị ung thư vú.

Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân đang điều trị lao vúCũng theo BS Hiếu, bệnh nhân bị lao vú có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, sụt cân và bị viêm loét da vú, đau, sưng vú, sờ thấy u ở một bên vú. Bệnh nhân lao vú được phẫu thuật, sau đó được uống thuốc với phác đồ “2 tháng tấn công, 4 tháng duy trì”. Đòi hỏi người bệnh phải duy trì việc uống thuốc liên tục mới đem lại hiệu quả điều trị.

Lứa tuổi dễ mắc lao vú nhất là từ 25-45 tuổi. Đây là độ tuổi sinh nở, cho con bú. Tuyến vú rất phát triển, cơ hội cho vi trùng lao dễ dàng tấn công

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu, BV Quận Thủ Đức cho biết, để xác định bệnh đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm và nhạy bén. Bên cạnh đó phải kết hợp với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm. Phát hiện đúng bệnh nhằm tránh các di chứng do can thiệp nhầm lẫn, chẳng hạn cắt bỏ vú, nhầm với loại áp xe thông thường dẫn đến điều trị kéo dài, không hiệu quả, gây kháng thuốc.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/benh-lao-vu-tan-cong-nhieu-phu-nu-post30984.html