“Bệnh kinh niên”

(ANTĐ) - Ngay sau ngày lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu điện lực thành phố dừng cắt điện để đảm bảo cung cấp điện cho nhân dân trong đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng 60 năm qua, thì trời đổ mưa, hạ nhiệt, mát mẻ hẳn. Người dân nói: “Ông trời đúng là có mắt. May cho “ông” điện!”. Được dăm ngày dễ thở, trời lại tiếp tục đổ lửa, lũ tiểu mãn vẫn chưa về. Đây là “khúc dạo đầu” của một mùa hè thiếu điện, cắt điện đã trở thành “bệnh kinh niên” của ngành điện cả chục năm nay.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì thanh minh rằng, đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tăng khả năng cung cấp điện, như huy động tối đa tất cả các nguồn điện hiện có, tích cực đưa nhanh các tổ máy nhiệt điện mới ở phía Bắc vào vận hành, mua điện Trung Quốc ở mức cao, truyền tải cao từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về sự chủ động của EVN trong việc huy động tất cả mọi nguồn điện hiện có. Câu hỏi đặt ra là: Trong những ngày nắng nóng khủng khiếp vừa qua ở phía Bắc và Bắc Trung bộ, liệu ngành điện có “dũng cảm” bỏ qua lợi nhuận để vì dân, vì cái chung của nền kinh tế, huy động hết các công suất của các nhà máy điện chạy dầu DO, FO, có giá cao hơn thủy điện? Một tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng thiếu điện triền miên không phải như các cơ quan chức năng trả lời trước Quốc hội. Năm nào cũng đổ cho phụ tải tăng nhanh, rồi mùa khô nhà máy thủy điện thiếu nước. Đây là nguyên nhân đã biết từ lâu; khi xây dựng tổng sơ đồ điện từ hàng chục năm trước. Ví dụ dự báo đến năm 2010 Việt Nam cần 100 tỷ kWh, thực tế đáng như vậy. Vì thế trong tổng sơ đồ điện quốc gia đã đề cập rõ lộ trình xây dựng các nhà máy điện chạy than, khí. Thế nhưng các nhà máy nhiệt điện chạy than đã không đi đúng tiến độ. Hai nhà máy ở Hải Phòng và Quảng Ninh có công suất gần bằng tổng công suất của tất cả các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, đã khởi công từ 7 năm nay vẫn chưa xong. Trong khi, hàng trăm nhà máy thủy điện đã đua nhau mọc lên dày đặc từ miền Bắc tới miền Trung. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn thủy điện cũng là một tác nhân góp phần thiếu điện. Lượng điện năng từ thủy điện chiếm khoảng 40% tổng điện năng của cả nước, nên thời tiết khô hạn, thiếu nước, nhất là khi mực nước tại các hồ thủy điện ở miền Bắc ở mức cực thấp, gần chạm mực nước chết sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt trầm trọng điện năng. Đương nhiên, câu trả lời muôn thuở của EVN là: không có mưa; thiếu nước, thiếu điện thì cắt điện. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ bức xúc thay cho người dân. Theo ông, vấn đề khắc phục thiếu điện cho hôm nay, đáng lẽ ra phải được tính toán và chuẩn bị từ vài chục năm trước. Phải cho xây vài chục nhà máy nhiệt điện với công suất 25.000-30.000kw thì sẽ không lo thiếu điện trầm trọng. Chứ không thể trông đợi cả vào thủy điện, phụ thuộc vào ông trời. Theo ý kiến của một Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Quốc hội nên có phiên họp đặc biệt về điện, đề ra lộ trình giải quyết tình trạng thiếu điện. Nên sửa Luật Điện lực và phá thế độc quyền ngành điện. Được biết, trước áp lực rất lớn của mỗi người dân Iraq phản đối tình trạng cắt điện kéo dài trong cái nắng nóng kinh khủng 40-50 độ, Bộ trưởng Bộ Điện lực Iraq đã nộp đơn từ chức. Thiếu điện nhưng không thể thiếu trách nhiệm trước dân.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=76946&channelid=3