Bệnh của thế kỷ 21

Thống kê của các bệnh viện cũng như ngành y tế cho thấy tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm đang chiếm số đông và vẫn tiếp tục gia tăng, từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đến tim mạch, đái tháo đường… Đặc biệt, bệnh đái tháo đường đang nổi lên, chiếm vị trí dẫn đầu trong việc tăng nhanh số người mắc, tỷ lệ biến chứng và chi phí để điều trị.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng và thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa mà điển hình là bệnh đái tháo đường… Cứ ba giây, thế giới lại có một người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… đã trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Năm 2015, số ca chết do bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới là năm triệu người, trong khi, số ca chết do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, do bệnh lao là 1,5 triệu người và do sốt rét là 600 nghìn người…

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy tỷ lệ người bệnh không thuộc loại cao nhưng lại có ba yếu tố nguy cơ rất đáng quan ngại: Tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới; người bệnh đang “trẻ hóa” và nhận thức của cộng đồng về đái tháo đường còn rất thấp. Theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết T.Ư, trong vòng mười năm, số người mắc bệnh đái tháo đường đã tăng gấp đôi.

Ước tính của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế, năm 2015 ở Việt Nam, lứa tuổi từ 20 đến 79 có 3,5 triệu người bị mắc bệnh đái tháo đường, 1,8 triệu người chưa được chẩn đoán và 53 nghìn người chết do căn bệnh này. Tại các bệnh viện chuyên ngành, những trường hợp phải thực hiện các phẫu thuật điều trị biến chứng, thậm chí đến việc cắt bỏ chân, tay đã trở thành thường xuyên. Trong khi đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán tại cộng đồng còn rất cao, lên tới 63,6%.

Bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh đái tháo đường như di truyền, lão hóa, thì nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được chỉ rõ là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Các chuyên gia cảnh báo đã đến lúc không thể xem thường bệnh đái tháo đường được nữa. Điều đó cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa không chỉ của ngành y tế mà của cả các cấp chính quyền, đoàn thể và nhất là mỗi người dân.

Các nghiên cứu cho thấy 70% số ca mắc mới bệnh đái tháo đường là có thể phòng, tránh được nếu chúng ta áp dụng các lối sống lành mạnh, thực hiện dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý… Cùng chung tay hành động ngăn chặn căn bệnh này không chỉ bảo vệ hạnh phúc của chính bản thân, gia đình mình mà còn góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi người cùng thực hiện theo lời kêu gọi của Liên đoàn đái tháo đường thế giới: Hãy hành động hôm nay để thay đổi ngày mai.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31357702-benh-cua-the-ky-21.html