Bên trong khách sạn tồi tàn, giá 'bèo' nhất thế giới

Khách sạn được coi là tồi tàn nhất nhì thế giới này tất nhiên là không được xếp hạng một sao nào, thậm chí còn không bằng một cái nhà trọ xập xệ. Tuy vậy, nó vẫn trưng biển khách sạn, và còn rất hút khách.

Đó là khách sạn Faridpur ở thành phố Dhaka (Bangladesh). Đây có lẽ là khách sạn tồi tàn và có giá thuê phòng "bèo" bậc nhất thế giới.

Khách sạn này được tạo thành bởi 5 tàu nhỏ trên sông Buriganga. Khách có thể thuê phòng riêng hoặc phòng ở tập thể. Khách sạn có 48 phòng là các cabin trên tàu.

Bất chấp sự tồi tàn của mình, khách sạn Faridpur vẫn rất hút khách là những người buôn bán nhỏ, công nhân và cả du khách, đơn giản bởi giá thuê phòng của nó quá rẻ.

Được biết, chỉ với 31 pence, nghĩa là khoảng 8.200 đồng, khách có thể ở trọ qua đêm. Khách sẽ có một giường riêng (dĩ nhiên không có đệm) trong căn phòng tập thể.

Phòng đắt nhất trong khách sạn nổi này có giá 1,25 bảng/đêm (33000 đồng).

Giường trong khách sạn này trông khá nhếch nhác, chăn gối bừa bộn. Dĩ nhiên là trong phòng không có TV, không có hoa để trang trí, không được phục vụ ăn uống...

Tuy nhiên bù lại, khách được dùng nước miễn phí và nhà vệ sinh sạch sẽ. Cách vị khách cũng được sử dụng một tủ nhỏ để chứa đồ.

Ông Muhammad Mustafa Miyan, 46 tuổi, chủ của khách sạn tồi tàn này cho biết: "Chúng tôi thường xuyên có 40 khách trọ và phần lớn họ ở dài ngày". Có người như ông Siraj Mohammad - buôn bán hoa quả - đã ở trong những khách sạn nổi kiểu này tới 40 năm. Ông bắt đầu trú tại khách sạn nổi từ trước khi Bangladesh giành độc lập, khi đó trên sông Buriganga còn có 50 khách sạn nổi.

Giống như ông Muhammad Mustafa Miyan, có khoảng 15 người buôn bán khác đã ở những khách sạn nổi trong 20 năm qua. Sự gắn bó này cũng bởi vì giá thuê phòng quá rẻ.

Khách sạn Faridpur đã có "thâm niên" 60 năm hoạt động. Những khách sạn nổi giá "bèo" này bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950, lúc đầu chủ yếu phục vụ những người Ấn Độ đến Dhaka buôn bán trên sông Buriganga.

Theo thời gian, số lượng của những khách sạn này tăng dần. Tuy nhiên, sau khi Bangladesh độc lập, chúng giảm xuống nhanh chóng.

Bình Minh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/du-lich-kham-pha/ben-trong-khach-san-toi-tan-gia-beo-nhat-the-gioi-601731.bld