Bến Tre làm đường giao thông

Thành phố Bến Tre hôm nay.

Có một hội nghề nghiệp như thế

Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre ra đời năm 2001. Chủ tịch Hội Trịnh Văn Y, cho biết "Hai năm đầu, chúng tôi loay hoay mãi mà không biết làm như thế nào. Đến năm 2003, cây cầu đầu tiên mới được hình thành, chúng tôi mừng hết biết". Sau chín năm, Hội cùng với Sở Giao thông vận tải (GTVT) và các huyện, xã trong tỉnh đã vận động, tổ chức xây dựng và đưa vào xây dựng được 1.150 cây cầu và 140 km đường nông thôn được tráng bê-tông và nhựa, với tổng kinh phí 134 tỷ đồng. Nếu như ba năm đầu, chỉ xây được 180 cây cầu và gần 24 km đường nông thôn, thì giai đoạn từ năm 2006 đến nay đã xây được 970 cây cầu và hơn 116 km đường. Điều đó cho thấy uy tín của Hội không ngừng tăng lên.

Hội còn giúp tỉnh Bạc Liêu và Trà Vinh xây bảy cây cầu cáp treo và tư vấn giúp tỉnh Sóc Trăng vận động Quỹ W.P.Schmitz (CHLB Đức) tài trợ xây dựng 21 cây cầu bê-tông cốt thép nông thôn, 11 km đường bê-tông. Không chỉ vận động trong tỉnh, Hội còn huy động được nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm trong nước và tổ chức nước ngoài, như ông Tô-ni Rút-ti-mam (Thụy Sĩ) hỗ trợ xây 48 cây cầu cáp treo đã đưa vào sử dụng; Quỹ Schmitz và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức hỗ trợ xây 191 cây cầu bê-tông nông thôn; các tổ chức kinh tế, xã hội, các tổ chức từ thiện của Phật giáo, Thiên chúa giáo, Việt kiều cũng tham gia xây cầu, đường. Đó là những con đường nhựa ở thị trấn Ba Tri - Tân Mỹ, Thạnh Ngãi - Phú Sơn, cầu An Bình, cầu Long Mỹ, cầu Cồn Lợi, cầu Cồn Bửng, cầu Lịch Sử, cầu Ao Vuông... Tất cả tạo sự đi lại liên thông giữa các xóm, ấp còn nhiều khó khăn đến các trung tâm xã, huyện. Học sinh đến trường, người ốm đau đến trạm y tế, dễ dàng, thuận tiện. Vận chuyển hàng hóa, phát triển dịch vụ ngành nghề nông thôn, góp phần tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống cho dân, nông thôn đổi mới, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị,... cũng nhờ có những cây cầu, con đường này.

Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ Hội tập hợp được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, tâm huyết với ngành, hết lòng vì Hội, minh bạch và rõ ràng, không ngừng nâng cao trình độ. Hội còn chăm lo công tác xây dựng Đảng, phát triển hội viên, lấy yếu tố đoàn kết nội bộ để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với chất lượng công trình không ngừng tăng lên.

Bức tranh ngày càng sáng

Bên cạnh 274 cây cầu nằm trên đường huyện trở lên, tỉnh Bến Tre còn hơn 2.500 cây cầu do xã, xóm, ấp quản lý với tổng chiều dài gần 50 km. Thực trạng trên cho thấy Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong khi nguồn thu ngân sách có hạn phải nhờ hỗ trợ của Trung ương, thì việc làm cầu, đường ở nông thôn và xóa hết cầu khỉ còn gian nan.

Ngoài những công trình giao thông lớn do Trung ương đầu tư, từ nay đến năm 2020, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung triển khai hai tuyến đường huyết mạch là nâng cấp đoạn đường từ cầu Rạch Miễu đến An Hóa, xây mới tuyến đường từ cảng Giao Long về thành phố Bến Tre, phục vụ nhu cầu vận chuyển, giao lưu hàng hóa từ Bến Tre ra các tỉnh khu vực và cả nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp - một ngành kinh tế được Bến Tre chọn làm khâu đột phá; nâng cấp đường ĐT 884, đoạn từ cầu Tre Bông đến quốc lộ 57; mở rộng đường ĐT 885 đoạn từ ngã ba Chợ Giữa đến thị trấn Ba Tri; nâng cấp đường ĐT 886 và xây các cầu trên đường ĐT 883; nâng cấp đường ĐT 887 đoạn từ cầu Nguyễn Tấn Ngãi đến ngã ba Sơn Đốc và xây dựng các cầu trên tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển hành lang phía tây của huyện Giồng Trôm... Viễn cảnh là tươi sáng, nhưng hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chung sức, chung lòng của nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/b-n-tre-lam-ng-giao-thong-1.319170