Bến tàu không số tại Đức Phổ là di tích lịch sử

'Điểm cập bến tàu không số (C43) tại bãi biển Qui Thiện, Phổ Khánh, Đức Phổ (Quảng Ngãi) vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 9-10, bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, chuyên viên Phòng Văn hóa huyện Đức Phổ, vui mừng cho biết: “Điểm cập bến tàu không số (C43) tại bãi biển Qui Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Dự kiến cuối tháng 11 này, huyện sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận” .

Ảnh tư liệu tàu không số.

Ảnh tư liệu tàu không số.

Theo các tài liệu và các nhân chứng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng biển huyện Đức Phổ kể trên thường xuyên có các con tàu không số của ta cập bến.

Những con tàu này chuyên chở vũ khí, hàng hóa và người chi viện cho chiến trường.

Một trong những chiến tích tiêu biểu nhất là cuộc chiến đấu kiên cường của 17 cán bộ, chiến sĩ trên con tàu không số mang mật danh 43.

Theo hồ sơ còn lưu lại, rạng sáng 1-3-1968, khi tàu 43 cách thôn Qui Thiện, Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) khoảng 25 hải lý thì bị địch phát hiện.

14 thủy thủ tàu 43 vừa ra đến đất Bắc chụp ảnh kỷ niệm.

Đây là vùng phòng thủ ngăn chặn của địch, phía đường quốc lộ 1 quân địch đồn trú dày đặc. Cả con tàu lọt vào giữa chảo lửa liên hoàn gồm đạn pháo ở đất liền, hạm đội 7 ngoài khơi và trên máy bay... dồn dập nã đạn hòng cướp tàu.

Trước tình hình đó, chỉ huy tàu đã viết bức điện báo cáo Sở chỉ huy với nội dung: “Tàu 43 gặp địch vây đánh, quyết đánh trả, hủy tàu”. Từ đây, không thể mong đợi chi viện nào của đơn vị bạn… tất cả anh em đều đã sẵn sàng “quyết tử”.

Theo ông Trần Ngọc Tuấn (83 tuổi), nguyên Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đảng của tàu 43, người trực tiếp tham gia chỉ huy trận đánh (nay ở Nha Trang, Khánh Hòa): “Sau hơn ba giờ chiến đấu bảo vệ con tàu và bảo tồn lực lượng, 17 cán bộ, chiến sĩ trên tàu 43 do ông Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng đã bắn rơi ba máy bay (loại HU1A), bắn chìm một tàu và làm hai chiếc tàu khác của địch bị hư hại…

Lực lượng của địch quá đông, bủa vây ngày càng gần. Trên tàu đã có ba người hy sinh, lãnh đạo tàu 43 đã quyết định đưa thương binh, liệt sĩ lên bờ và cho hủy tàu chỉ cách bờ chưa đầy 200 m.

Sau một tuần được du kích thôn Qui Thiện giúp đỡ, các thủy thủ đã được đưa về bệnh xá vùng ta quản lý và được BS Đặng Thùy Trâm chăm sóc. Ngay sau khi sức khỏe của 14 người tạm ổn, các thủy thủ lại hành quân ra Bắc để nhận nhiệm vụ mới”.

Ông Trần Ngọc Tuân (83 tuổi), nguyên Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đảng trên tàu, hiện đang sống tại Nha Trang.

Như vậy trong những năm tháng kháng chiến, ngoài ba liệt sĩ tàu 43 hy sinh (anh Ruệ, anh Tòng và anh Kiểm), trong đó có một liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại vùng biển đất mẹ Quảng Ngãi, còn có bốn liệt sĩ tàu không số khác hy sinh (gồm hai liệt sĩ tàu 198 và hai liệt sĩ tàu 41).

Đến nay, tập thể tàu không số 43 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và thuyền phó Sáu Đức cũng đã được phong tặng danh hiệu này.

CÔNG THY

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/ben-tau-khong-so-tai-duc-pho-la-di-tich-lich-su-657410.html