Bến Nhà Rồng, nơi in dấu chân Người

Bến Nhà Rồng Thành phố Hồ Chí Minh mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng người Việt Nam: Nơi đánh dấu sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) cách đây vừa tròn 105 năm.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ bến Nhà Rồng xuống tàu Amiral Latouche Tréville, xin làm phụ bếp, cùng với hơn 72 thủy thủ trên tàu bắt đầu hành trình đến nhiều nơi trên thế giới. Người ra đi tìm đường cứu nước. Trong cuốn sổ lương và sổ thủy thủ của con tàu còn lưu lại, có cập nhật lương tháng 6/1911 của Bác là 50 phơ-răng Pháp, trong khi những người bồi Pháp làm việc rất nhàn nhã thì được lĩnh lương gấp 3.

Bến Nhà Rồng hôm nay, những tòa cao ốc không thể làm lu mờ hình ảnh một tòa nhà có kiến trúc cổ kính, độc tôn tọa lạc một bên của ngã ba sông Sài Gòn. Nơi đây được xây dựng từ những năm 1863 và được người Pháp sử dụng là trụ sở của thương cảng Sài Gòn sầm uất lúc bấy giờ. Sau bao nhiêu năm, bến Nhà Rồng vẫn không mất đi vẻ cổ kính, nhưng đan xen nét hiện đại của lối kiến trúc công sở phương Tây.

Đã bao lần ghé thăm, chúng tôi lại được nghe lời của những hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM nói về kiến trúc đặc biệt này của bến Nhà Rồng. Tòa nhà nổi trội với những vòm cuốn và mái lợp trang trí đôi rồng kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”- lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Người ta gọi là Bến Rồng hay bến Nhà Rồng là vì vậy.

Ngay cả khi người Pháp thất bại ở Đông Dương, buộc phải rút khỏi thành phố Sài Gòn vào năm 1954 thì chính quyền Sài Gòn tiếp quản, vẫn giữ nguyên kiến trúc trang trí hình rồng trên đỉnh mái, nhưng được thay đổi hướng ra ngoài. Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Liên quan đến kiến trúc hình rồng, một nhà báo Pháp đã miêu tả rất tỷ mỷ: Trên nóc bến Nhà Rồng có 2 con rồng quay đầu vào chầu mặt trăng theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”. Sau này, mặt trăng được thay bằng phù hiệu của hãng tàu có hình đầu ngựa, mỏ neo, vương miện, hai bên có 2 con rồng chầu, nhưng lại đặt đầu quay ra hai bên, bốn góc có 4 con cá hóa rồng chầu ra bốn hướng theo cung cách đình chùa Việt Nam. Đó là cách điệu của người Pháp để nói các con tàu ra đi từ xứ Á châu này.

Một lần gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông cho chúng tôi biết một chi tiết cũng rất đặc biệt, tại cầu tàu nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành, dưới tên Văn Ba, là một cầu tàu lớn nơi đầu đường Nguyễn Huệ. Đây là một vị trí khang trang và thoáng bậc nhất thành phố. Nhìn vào đất liền qua đường Nguyễn Huệ rộng rãi thấy trụ sở UBND thành phố (nhà Xã Tây cũ với kiến trúc đặc sắc ghi dấu một thời), còn phía sông là ngôi Nhà Rồng đồ sộ với dáng vẻ Âu - Á pha trộn dễ gây ấn tượng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TP HCM)...

Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, ngày 2/9/1979, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”. Đến ngày 20/9/1982, UBND TP HCM ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM”.

Từ đây, bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước; và thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa đồng bào miền Nam với Bác Hồ.

Hiện nay, riêng tại bảo tàng đã và đang lưu giữ, trưng bày khoảng 11.372 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật được tổ chức trưng bày theo nhiều không gian.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phòng tuyên truyền và giáo dục của Bảo tàng thì mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh ở bảo tàng đều gửi gắm những ký ức, kỷ niệm rất đặc biệt. Điển hình như chiếc áo trấn thủ Bác tặng thương binh Lê Thống Nhất, nguyên là chiến sĩ trinh sát đặc công quân khu 9; Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cá nhân điển hình tiên tiến; cây bút máy có khắc chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ông Lê Minh Đức- cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc; Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vật dụng làm cơm cúng giỗ Người hàng năm của một gia đình đồng bào miền Nam; những băng tang đen của các chiến sỹ trong nhà tù Côn Đảo để tang khi Người mất…

Cũng theo bà Liên thì nơi bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM hôm nay cũng chính là nơi diễn ra các hoạt động hội thảo, tọa đàm, nói chuyện, triển lãm, chiếu phim về Bác Hồ. Những thế hệ trẻ của thành phố và cả nước cũng thường xuyên có các hoạt động sinh hoạt truyền thống; Lễ ra quân của các phong trào cách mạng, phong trào tình nguyện; lễ kết nạp Đảng, Đoàn viên cho những thanh niên, đoàn viên ưu tú.

Đến nay, bến Nhà Rồng- nơi đặt trụ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến viếng thăm.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/ben-nha-rong-noi-in-dau-chan-nguoi/104453