Bên mộ bà Hoàng Thị Loan, nghe chuyện về thân mẫu Bác Hồ

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà.

Như nhiều người từng biết, ngày 3/6/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng với nhân dân Nghệ An và du khách thập phương về Nam Đàn, Nghệ An cắt băng khánh thành tu bổ khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 86 năm ngày Bác Hồ khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2011), đoàn nhà báo chúng tôi có cuộc hành hương về Nam Đàn, Nghệ An viếng bà Hoàng Thị Loan, người mẹ Việt Nam tiêu biểu đã sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nghe nhiều người dân ở đây kể những câu chuyện xúc động về người mẹ vĩ đại này. 1. Mộ bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) nằm trên núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hôm chúng tôi về núi dâng hương tưởng nhớ thân mẫu Bác Hồ, trời nắng gắt, nhưng có hàng ngàn người dân từ khắp nơi hành hương về đây một cách thành kính. Từ đỉnh núi nơi cất mộ bà Hoàng Thị Loan nhìn ra về hướng Tây Nam, xa xa là dãy núi Thiên Nhẫn, kế bên là làng Kim Liên quê nội, làng Chùa quê ngoại của Bác Hồ với núi Chung còn in dấu tuổi ấu thơ của Bác… Xa hơn nữa là dòng sông Lam chảy như sợi chỉ trắng vắt ngang trời in vào đáy nước một vùng đất "địa linh nhân kiệt" với những tên tuổi Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và thế hệ sau này là Trần Phú, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… và nhiều tên tuổi nhà cách mạng tiền bối khác… Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ cũng mới được tu bổ. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà. Đông đảo người dân hành hương về viếng bà Hoàng Thị Loan. Bà Hoàng Thị Loan sinh thời đã hết lòng vì chồng con. Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ với hai con trai vào kinh đô giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường. Ở Huế, bà đã lao động dệt vải vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống cả nhà. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Ở Huế lúc ấy chỉ có Nguyễn Tất Thành 11 tuổi đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần. Năm 1922, hài cốt của bà được người con gái cả Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ và lựa chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vì nhiều lý do, ông Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh rồi đặt thi hài của mẹ mình ở đó một cách bí mật. Tháng 11-1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan. 2.Theo tư liệu của nhà văn Sơn Tùng, trong những lần được trực tiếp gặp bà Nguyễn Thị Thanh, Sơn Tùng được bà Thanh tâm sự về câu chuyện đích thân bà đã chuyển hài cốt mẹ mình từ Huế về Nam Đàn ra sao, bà kể: "O ra khỏi nhà tù năm Nhâm Tuất (1922), nhưng phải quản thúc tại Kim Long, kinh đô Huế. Mẹ o, em trai của o là Nguyễn Sinh Nhuận nằm xuống đất Huế, o không được nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, chưa nhìn được mặt em trai một lần. Thật là nước mất nhà tan…. Trước cảnh ngộ cha xiêu bạt nơi lục tỉnh Nam Kỳ một cách vô định lai hồi, em Tất Đạt đang tại tù, em Tất Thành bôn ba hải ngoại, chẳng biết ở chân trời góc biển nào! Quyết đưa di hài mẹ về cố quận. Nhưng để làm được việc hiếu này, trong cảnh ngặt nghèo này, khó lắm cháu ơi. Cũng may những năm phụ thân o thụ giám, mở trường dạy học tại kinh đô rồi làm quan ở Bộ Lễ, Người để lại một phương danh nơi quan trường, sỹ thứ thì o và cậu Tất Đạt, Tất Thành được thơm lây, được thừa hưởng "lộc cha phúc mẹ". O bị quản thúc vô thời hạn: "nhật nhật tại dã, bất khả viễn phương". Nhưng khi công môn, o xin về Nghệ thăm nhà, họ không hạch sách gì, còn được lời ân ưu: "cô Chiêu Thanh, trưởng nữ của quan Phó bảng Sắc. Cô về thăm quê ở bao lâu cũng được. Cố chịu phiền một chút, báo cho hương lý sở tại lúc về và lúc trở lại kinh đô Huế…". Nhờ vậy, o lo liệu công việc di chuyển di hài mẹ về quê thuận lợi. Việc đưa di hài mẹ về quê, o chỉ bàn bạc với dì An, em ruột mẹ và một hai người bên nội biết. Năm ấy năm Nhâm Tuất (1922), mẹ Lụa (cụ Trần Thị Trâm), chú Cử Thống (Hồ Phi Thống) không còn bị tù ngục nữa. Một số nhà khoa bảng ở ngục Côn Lôn lần lượt trở về. O về Vinh gặp chú Cử Thống, chú mở cửa hiệu ở thành Vinh, bây giờ là danh sư Hồ Phi Huyền, dạy học, viết sách, chữa bệnh… Đúng vào canh ba, đêm tháng mười năm Nhâm Tuất, chú Hồ Phi Huyền lên biểu bạch để o thực hành việc di hài cát táng từ kinh đô về Nam Đàn. Dì Hoàng Thị An lo liệu nơi cất giữ di hài cho đến khi tìm được cát địa. Mẹ Lụa dặn: Khi mở nấm mộ phải đứng tránh ngọn gió. Nước gỗ vang phải nhiều, đun sôi kỹ từ hôm trước để rửa cốt thật sạch, lau khô bằng giấy bản. Nước gỗ trầm hương, tẩm cốt rồi xếp vào vải điều, gói vuông vức lại, bọc ngoài một tấm vải đen, cất dưới đáy bị cói, trên xếp các loại thuốc viên. Hài cốt được tẩm nước gỗ trầm hương đưa đi xa, qua đò, qua tàu, xe hay gặp các loại súc vật khứu giác nhạy như chó cũng không thể bắt mùi. Về Huế, o nhờ gia đình người học trò của phụ thân o giúp việc "quán tẩy di hài" (rửa lau hài cốt)… Mọi việc làm trong âm thầm kín như bưng và trơn bọt lọt lạch… Xong mọi việc hiếu nghĩa với mẫu thân mà o không thể nào bắt liên lạc được với phụ thân o để Người yên lòng và cậu Tất Đạt o cũng chưa gặp lại được. Mãi tới năm Canh Thìn (1940), cậu Tất Đạt mới được về quê. Cậu ở lại quê được ít lâu, cậu mời chú Hồ Phi Huyền cùng đi xem cát địa để cát táng mẫu thân của chị em o. Chú Hồ Phi Huyền, cậu Tất Đạt đi khắp từ Đông Nam sang Tây Nam dãy núi Đại Huệ, đi qua cả truông Hến, truông Băng, truông Bồn… Cậu giáo Tôn Quang Duyệt (em học giả Tôn Quang Phiệt) hàng ngày đi theo mang bầu rượu và nước trà cam thảo lão mai phục vụ hai "thầy địa lý". Cuối cùng tìm được hai điểm Động Tranh và Đại Hài, về sau quyết định lấy một. Năm Tân Tỵ (1941), cậu Tất Đạt chọn Động Tranh làm nơi thiên thu an lạc tĩnh thổ cho mẫu thân… Mùa thu Ất Dậu (8/1945), Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời, o ra Thủ đô thăm cậu Tất Thành lần thứ nhất, tại nhà cậu mợ Đặng Thai Mai, o có nói với cậu Tất Thành việc o chuyển di hài mẫu thân về quê, việc o vào Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc chịu tang phụ thân năm Kỷ Tỵ (1929)… 3. Cũng theo tư liệu của nhà văn Sơn Tùng, trong một lần ông được bác Nguyễn Sinh Khiêm đưa về thăm lại mộ bà Hoàng Thị Loan, bác Nguyễn Sinh Khiêm đã kể với Sơn Tùng về địa điểm cất mộ mẹ như sau: "Ngày 22 tháng Chạp năm Mậu Tý (1949), bác Nguyễn Sinh Khiêm đưa cho tôi một cái rựa, chai rượu, thẻ hương bài rồi dặn "Cháu đi ra đường cái trước, ghé vào mua giúp bác năm quả cau, bốn lá trầu. À, cháu nhớ xin nhà hàng một ít vôi quệt lên giữa lá trầu không…”. Tôi theo bác cả Khiêm đi bộ leo lên một quả núi, bác Khiêm nói: - Nơi bác cháu mình đang đứng là Động Tranh. Cháu hình dung nơi đây là chốt của bộ nan quạt xòe rộng mà góc phải là núi Dăng Màn ở phía Tây, thượng nguồn sông Lam, góc trái là núi Song Ngư ở phía biển Đông, hạ lưu sông Lam, gọi là Cửa Hội. Ngoài khơi là đảo Mắt, tên chữ là Mục Sơn, con mắt núi nhìn thẳng vào Lam Hồng, đất "địa linh nhân kiệt". Thời xa xưa người Tàu đã gọi đảo Mắt là núi "Bất nghĩa sơn" không chịu chầu về Bắc quốc của họ: "Chu Sơn giai củng Bắc, duy hữu Mục triều Nam". Bắc triều đã cho thầy địa lý đến "yểm" đảo Mắt, "yểm" đất Lam Hồng để triệt phá nhân tài hào kiệt…. Bác cả Khiêm đi lên cao mấy bước đến một ngôi mộ ẩn dưới mấy khóm mua, sim và cỏ chỉ đan lưa thưa. Bác nói khe khẽ: "Phần mộ mẹ của bác. Cháu giúp bác phát đám cây cho quang đãng…”. Bác cả Khiêm trải trước mộ mẹ tấm khăn bông quàng cổ chín màu mồ hôi, đặt rượu, trầu cau lên, thắp cả mười cây hương trầm cắm giữa đỉnh mộ. Bác quỳ xuống lạy khấn… Một linh cảm lạ thường! Tiếng rì rầm như nước nguồn tuôn chảy trên tầng cao Đại Huệ. Gió quấn quýt khói hương trầm ôm tròn ngôi mộ, hòa quyện mái tóc trắng bác cả Khiêm rung rung dưới làn mưa bay!...Bây giờ tôi mới biết ngày này là ngày kỵ Người Mẹ đã sinh ra những con người yêu nước Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm đều bị thực dân Pháp kết án mỗi người 9 năm tù khổ sai, đày đi biệt xứ và sinh ra Bác Hồ! 4. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ thì cụ Đào Nhật Vinh (23 phố Nguyễn An Ninh, TP Hồ Chí Minh), từng là thủy thủ tàu buôn của Pháp từ 1913, từng gặp và trở nên thân thiết với Bác Hồ từ thời Người là Văn Ba thủy thủ, năm 1946, cụ đã gặp lại Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Sau này về nước, vào năm 1977, cụ Vinh tròn 80 tuổi ra thăm Lăng viếng Bác đã kể rằng: Ngày chủ nhật 30/1/1921, tôi từ Boocđô lên Pari tráng lệ, tới ngõ Công Poanh tù mù vàng vọt. Lên cầu thang, bước tới cửa phòng anh Nguyễn, mùi hương từ trong phòng thơm ngát. Nghe tiếng gõ cửa, anh Nguyễn hé từ từ cánh cửa phòng, thấy tôi: "Ồ! Chú Vinh! Vào đi em". Tôi bồi hồi nhìn vào cái bàn làm việc thường ngày đang là bàn thờ, hương nghi ngút, ngọn nến sáng lắt lay bên con gà ngậm bông hoa râm bụt ấp trên đĩa xôi… Anh Nguyễn giọng bùi ngùi: "Ngày giỗ mẹ anh. Hai mươi năm về trước cũng vào ngày chủ nhật 10-2-1901, là ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý mẹ anh qua đời". Anh im lặng. Tôi bật khóc, níu cánh tay anh Nguyễn. Anh trầm lắng giọng: "Bấy giờ nhà ở trong ngõ Đông Ba, thành nội, kinh đô Huế, cha cùng anh cả đi công việc tận ngoài tỉnh Thanh chưa về…”. Anh siết chặt bàn tay tôi, nén xúc động không nói…Tôi đứng lên để ra phố sắm lễ vật vì không biết ngày này là ngày giỗ thân mẫu của anh. Anh giữ tay tôi lại: "Chú từ phương xa đến đúng lúc anh có giỗ mẹ, là tâm hương thành lễ, không nhất thiết phải có lễ vật!". Tôi bái lễ thân mẫu Người... Trong Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, những ai khi biết về câu chuyện ba chị em Bác Hồ sống đạo nghĩa với người mẹ Hoàng Thị Loan thế nào, hẳn đều thấy xúc động và thẳm sâu bài học hiếu nghĩa đầy tâm linh về đạo làm con của ba chị em Bác. Giờ thì bà mẹ Việt Nam Hoàng Thị Loan mãi mãi an giấc ngàn thu trên dải núi thiêng Động Tranh của quê nhà. Thay ba người con hiếu tử, hàng ngày có hàng ngàn người con đất Việt và bạn bè năm châu hành hương về đây thắp nén tâm hương trước mộ bà, để mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của một bà mẹ vĩ đại sinh cho đất nước những anh hùng hào kiệt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2011/6/151356.cand