Bên lề Quốc hội: Vay tiền đầu tư không nên phân biệt nguồn gốc xuất xứ

Vấn đề không nằm ở chỗ nguồn tiền đến từ đâu mà sử dụng như thế nào để có lợi nhất cho đất nước – đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Trước sự quan tâm của dư luận về đề xuất vay 7.000 tỷ đồng của Trung Quốc để làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng nguyên tắc khi vay tiền đầu tư không nên phân biệt nguồn gốc, xuất xứ.

Điều kiện khi vay vốn từ các tổ chức Quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hoặc vay ODA từ nguồn nào thì cũng đều có quy định chung. Việc đề xuất vay ODA của Trung Quốc cũng chính là ODA quốc tế nên không phân biệt tiền đến từ đâu.

Điều mà dư luận đang quan tâm thực ra là việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho hiệu quả, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa kéo dài thời gian, vừa đội dự toán, chi phí...

Hay điển hình như dự án xe buýt nhanh của thành phố Hà Nội tới 11.000 tỷ đồng - gần gấp đôi con số số 7.000 tỷ đồng dự kiến đầu tư cho cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mà đến thời điểm này đã gần hết thời gian giải ngân nhưng vẫn không chạy được.

Do đó, vấn đề không nằm ở chỗ nguồn tiền đến từ đâu mà sử dụng như thế nào để có lợi nhất cho đất nước – đại biểu Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Trước những lo ngại khi vay vốn ODA sẽ chịu những quy định áp đặt về nhà thầu, kéo theo phát sinh về nhân công... dẫn đến dự án không hiệu quả, đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định khi tiếp thu vốn ODA phải có hợp đồng đàm phán và điều đó được thể hiện rất rõ trong hợp đồng này.

Bởi vậy, khi đàm phán, cần phải chú ý đến các điều kiện về nhà thầu chính, nhà thầu phụ. Nếu vay thì có nên chọn hình thức Hợp đồng - Cung ứng vật tư thiết bị - Xây lắp (EPC) không. Gói vay cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là hình thức EPC.

Tại dự án đó, chúng ta đã bị hạn chế quyền của chủ đầu tư và điều này rất cần được rút kinh nghiệm. Bởi vậy có nên chọn hình thức vay xong cấp vốn lại thay vì theo mô hình EPC. Tuy nhiên, điều này sẽ tùy vào từng dự án, trường hợp cụ thể - ông Kiên cho hay.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, cần làm rõ nếu vay vốn và điều kiện theo mô hình EPC thì lãi suất bao nhiêu và vay xong về tự cấp điều phối vốn thì lãi suất là bao nhiêu. Đấy là những bí mật của đàm phán ODA và điều này đoàn đàm phán chịu trách nhiệm.

“Quan điểm của tôi là miễn làm thế nào để tiền về và lãi suất vay thấp hơn lãi suất trong nước. Tuy nhiên, đặc biệt phải chú trọng điều kiện đi kèm nhất là yếu tố về tiến độ bởi nếu kéo dài thời gian và có phát sinh thêm thì vẫn bị đội chi phí như thường. Bởi vậy, quan trọng nhất vẫn là các điều kiện hợp đồng đi kèm.

Cuối cùng phải tổng hợp kết quả dự án và hiệu quả được so sánh với việc vay từ nguồn vốn trong nước. Nếu lãi suất thấp nhưng so với thời gian triển khai và giải ngân với các điều kiện khắt khe hơn so với vay thương mại thì vay trong nước còn hơn” – ông Kiên bày tỏ quan điểm.

Về nguyên tắc, tiền đầu tư không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ. Một bên là vấn đề đối ngoại nhưng trách nhiệm đối nội là phải nâng cao chất lượng đội ngũ đi đàm phán năng lực và quản trị nguồn vốn đó. Có những ràng buộc rất rõ ràng trong sử dụng vốn ODA. Do đó, không nên nói về 1 sự việc mà cần rút kinh nghiệm, bài học đã vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, mỗi dự án có những đặc thù riêng, lĩnh vực quản lý khác nhau. Ví dụ như dự án Gang thép Thái Nguyên thì do Bộ Công Thương quản lý; dự án làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì liên quan đến Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Quảng Ninh.

Mặc dù khi đi đàm phán đều có các thành viên của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính nhưng vẫn rất cần nêu cao vai trò của các cơ quan chuyên môn với các dự án có tính đặc thù chuyên ngành cao – đại biểu kiến nghị./.

>>> Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Chọn giám sát vấn đề gây bức xúc lớn

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-vay-tien-dau-tu-khong-nen-phan-biet-nguon-goc-xuat-xu/20974.html