Bên lề Quốc hội: Đại biểu quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng và vấn đề nợ công

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã nêu một số ý kiến về mục tiêu tăng trưởng và vấn đề nợ công hiện nay.

Sáng 29/7, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã nêu một số ý kiến về mục tiêu tăng trưởng và vấn đề nợ công hiện nay.

* Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng

Nêu ý kiến về mục tiêu tăng trưởng GDP trong cả năm 2016 khi trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP mà Quốc hội phê chuẩn và thể hiện trong Nghị quyết không phải là chỉ tiêu pháp lệnh, mà đây là chỉ tiêu để Chính phủ cân đối vĩ mô, là mục tiêu để phấn đấu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN

Tình hình quốc tế cho thấy, mặc dù giá dầu trong quý II/2016 có tăng nhưng mặt bằng chung vẫn có giá bình quân vào khoảng 50USD/thùng.

Như vậy, phương án tính toán tài chính của Chính phủ rơi vào phương án giá dầu thấp, do đó nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Một vấn đề quốc tế nữa là bên cạnh những biến động về địa chính trị ảnh hưởng đến giá dầu, bản thân nền kinh tế nhiều nước cũng đang phải hạ tốc độ tăng trưởng.

Trong nước, các doanh nghiệp FDI sau 4 năm đạt tốc độ tăng trưởng rất cao (từ 2011-2015), nay đã gần bão hòa vì gần đạt công suất thiết kế và hết chu kỳ tăng trưởng.

Muốn tăng trưởng nữa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó, nền nhiệt độ trung bình tăng lên cao nhất trong 30 năm trở lại đây, ảnh hưởng trực tiếp đến Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng vụ Đông Xuân 2016, ngành nông nghiệp Việt Nam đã mất 1,3 triệu tấn lúa. Những điều này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế.

“Khi đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% cho cả năm 2016 là chúng ta nhìn bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thuận lợi nhưng đến thời điểm hiện nay, tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới cũng đã được các tổ chức tài chính quốc tế hạ mức khoảng 0,5% đến 0,7% so với đầu năm. Như vậy, mức tăng trưởng của nước ta cũng giảm là điều tất yếu”, đại biểu cho biết.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đánh giá: “Điều quan trọng ở đây, như Thủ tướng nói, không phải là tốc độ tăng trưởng mà vấn đề là Việt Nam có tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không”.

Đại biểu cho rằng, tốc độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chưa đạt được so với cùng kỳ năm 2015.

Nếu đẩy nhanh tiến độ, cơ cấu đầu tư mới đạt được tốc độ tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng chậm do tốc độ giải ngân đầu kỳ chưa tốt. Nếu cuối kỳ giải ngân tốt sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

* 4 nhóm giải pháp xử lý vấn đề nợ công

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Quốc hội từng cảnh báo về vấn đề nợ công với một Nghị quyết giới hạn trần nợ công của Việt Nam không quá 65% nhưng vấn đề trần nợ công không phải yếu tố quyết định mà chính là hiệu quả trên từng đồng vốn đầu tư vào kinh tế - xã hội.

“Nợ công đáng báo động ở chỗ, nợ công tăng cao nhưng hiệu quả sử dụng vốn lại không cao khiến áp lực huy động vốn ngày càng cao, từ đó dẫn đến áp lực nợ công. Nợ công không hiệu quả lại vay vốn, đây là cái vòng luẩn quẩn”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Theo đại biểu, bài toán ở đây là quản lý nợ công như thế nào bằng thể chế, chính sách, pháp luật để tạo thành một “cái lưới” không để những tiêu cực, vi phạm pháp luật lọt qua.

Đại biểu Lê Thanh Vân đưa ra 4 nhóm giải pháp trong vấn đề nợ công. Giải pháp đầu tiên là phải trang bị hệ thống pháp luật kín kẽ.

Giải pháp thứ hai là vấn đề con người, phải tìm những người có trách nhiệm, có tâm huyết để điều hành quản lý nợ công, trước hết là các nguồn vốn từ ngân sách, từ vốn vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, phải đề cao trách nhiệm cá nhân. Ví dụ: Chính phủ phải cam kết trước Quốc hội; Bộ trưởng cam kết với Thủ tướng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cam kết với Hội đồng nhân dân, với Chính phủ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn mới được vay.

Giải pháp thứ ba theo đại biểu Lê Thanh Vân là phải khẩn trương và thực sự vào cuộc trong việc đầu tư thu hẹp.

Dự án nào đầu tư hiệu quả, có sức lan tỏa có đột phá sẽ tập trung đầu tư; khắc phục ngay đầu tư tràn lan, không hiệu quả.

Đại biểu cho rằng, cần chấm dứt ngay tình trạng công trình đầu tư không hiệu quả, thậm chí không sử dụng, đắp chiếu để đó, gây lãng phí nguồn lực xã hội, khiến áp lực nợ công tăng cao.

Giải pháp thứ tư là phải tăng cường hoạt động giám sát không chỉ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà còn của nhân dân, đặc biệt là của lực lượng báo chí.

Cả xã hội đều phải giám sát chặt chẽ những dự án đầu tư từ nợ công, nếu có hành vi không minh bạch thì cần đưa ra công luận, lên án mạnh mẽ khiến cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Khi các cơ quan chức năng xét xử nghiêm minh các vụ việc này sẽ khiến các hành vi vi phạm bị đẩy lùi.

Bên cạnh 4 nhóm giải pháp này, đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, cần chuyển đổi ngay mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động bằng việc trọng dụng người tài./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-dai-bieu-quan-tam-den-muc-tieu-tang-truong-va-van-de-no-cong/21003.html