Beauty and the Beast: Nữ quyền hay chuyện lấy chồng

Mỗi khi Beauty and the Beast được làm lại, kể cả phiên bản 2017 mới đây, người ta lại bắt đầu tranh luận: Có thực sự Người Đẹp là biểu tượng của nữ quyền, hay chỉ đơn giản là hình tượng của một người mắc hội chứng Stockholm (nạn nhân yêu kẻ bắt cóc)?

Disney luôn giữ vững lập trường kể từ khi thực hiện phiên bản Beauty and the Beast (Người Đẹp và Quái Thú) đầu tiên vào năm 1991, khi gọi Belle là “công chúa nữ quyền đầu tiên” của hãng. Nhà biên kịch Linda Woolverton, người phụ nữ đầu tiên được giao trách nhiệm viết kịch bản phim Disney, nói rằng trong Belle tiềm ẩn một nàng công chúa “không chỉ có lòng tốt mà cả sự can đảm, mạnh mẽ vượt qua mọi chông gai”. Emma Watson, người đóng vai Belle trong Beauty and the Beast (2017), cũng nói rằng: “Belle là anh hùng của lòng tôi. Cô ấy can đảm, dám thách thức và có sự tự lập rất đáng ngưỡng mộ.”

Nhưng không phải ai cũng cho rằng Belle là một đại diện của nữ quyền. Chẳng hạn, Honest Trailers chuyên parody nhiều hình ảnh nhân vật đã “tố cáo” Beauty and the Beast là “truyện cổ tích về hội chứng Stockholm” (hội chứng chỉ việc nạn nhân từ sợ hãi tới yêu thương kẻ bắt cóc, giam giữ mình): Cách ly cô ấy khỏi thế giới và gia đình, ném vào lồng giam, tràn ngập cơn thịnh nộ của một quái thú bất định.

Tranh cãi tương tự một lần nữa nổi lên mỗi khi Beauty and the Beast được làm lại, kể cả phiên bản 2017 mới đây. Vậy Beauty and the Beast thực sự là câu chuyện về nữ quyền hay hội chứng Stockholm? Hãy thử xem lại khởi nguồn của nó.

Beauty and the Beast là số ít truyện cổ tích có nữ anh hùng

Trong những truyện cổ tích ta quen thuộc hôm nay, Tất nhiên phim ảnh ngày nay đều đã cải biến ít nhiều, nhưng không thể phủ nhận: các nhân vật nữ chính bản gốc vốn khá yếu đuối, bị động và hoàn toàn là một dạng “bình hoa di động”. Công chúa tóc dài Rapunzel cứ mãi ở trong tòa tháp chờ một chàng hoàng tử đến cứu. Cô bé Lọ Lem Cinderella cần bà tiên hóa phép để đến dự tiệc. Hay Bạch Tuyết nằm đơ đơ trong quan tài chờ hoàng tử đi qua (tương tự như vậy với nàng Công chúa ngủ trong rừng).

Chuyên gia nghiên cứu về truyện cổ tích Ruth Bottigheimer lập luận rằng: Anh em nhà Grimm không thích những phụ nữ mạnh mẽ, năng động. Đồng thời, để hợp với trẻ em hơn, họ đã chỉnh sửa cẩn thận các câu chuyện dân gian để phản ánh các giá trị gia đình tư sản Đức hồi thế kỷ 19” cha mẹ xấu xa ẩn đằng sau bà mẹ ghẻ độc ác, các cô gái bị mất tiếng nói (Cô bé Lọ Lem bị giảm thoại từ 14 xuống còn 6 trong bản truyện Grimm), và thực sự thụ động.

Beauty and the Beast phiên bản chuẩn mực chúng ta biết đến ngày nay không xuất phát từ bàn tay nhà Grimm, mà từ một người phụ nữ Pháp thế kỷ 18 có tên là Jeanne-Marie LePrince de Beaumont. Vì hướng tới đối tượng nữ độc giả trẻ, nhân vật của cô trở nên năng động và mạnh mẽ hơn. Thế nên, Người Đẹp, thay vì ngồi khóc chờ bà tiên hiện hồn, đã xông thẳng đến lâu đài quái vật để giải cứu cha. Người Đẹp, đổi vai với hoàng tử, trở thành người phá vỡ lời nguyền, một vị cứu tinh, một anh hùng. Trong khi đó, Quái Thú lại mang hình tượng công chúa tóc dài Rapunzel, ủ rũ trong tòa lâu đài bị nguyền rủa chờ ai đó xuất hiện cứu vớt mình.

Điều này đã biến Người Đẹp gần như là biểu tượng nữ anh hùng cổ tích duy nhất nhưng khá phổ biến với thế giới hôm nay. Đây cũng là điểm mấu chốt của những người cho rằng Người Đẹp/Belle là hình ảnh đại diện cho nữ quyền.

Beauty and the Beast có bóng dáng của hội chứng Stockholm

Nhưng nếu ai biết Jane Austen (cũng thế kỷ 18) thì hẳn cũng nhớ rằng tác phẩm nổi tiếng của bà thường xoay quanh chuyện… dựng vợ gả chồng, với đằng gái có cá tính mạnh mẽ tương tự Belle. Beaumont cũng vậy. Bà không viết lại Beauty and the Beast để trao quyền cho các cô gái như cách chúng ta hiểu ngày nay, mà là thực chất để khuyên giải các cô gái đến tuổi đi tìm chồng, một vấn đề của phụ nữ Pháp thế kỷ 18.

Beauty and the Beast của Beaumont thực chất là lời của các “mẹ giáo dưỡng” (chỉ người phụ nữ có trách nhiệm dạy trẻ về cuộc sống gia đình) nói với các cô gái tuổi từ 5-13 rằng: hôn nhân “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” không đáng sợ như người ta nói! Câu chuyện dạy các cô gái trẻ rằng: người chồng có thể trông như quái thú, nhưng bên trong là một trái tim tốt bụng. Và khi người vợ cảm nhận được vẻ đẹp tâm hôn đằng sau ngoại hình thì lúc ấy, anh ta cũng trở thành “soái ca”. Hay như người châu Á có câu: Tình nhân trong mắt Tây Thi.

Người Đẹp rời khỏi gia đình để đến với Quái Thú là hình ảnh trấn an các cô gái sợ hãi rời khỏi vòng tay cha mẹ và bước chân vào cuộc sống mới rằng: Hai người bên nhau lâu ngày cũng sinh tình. Xét trong khía cạnh nào đó, cũng có thể nói là một trường hợp đặc biệt của hội chứng Stockholm.

Nhưng con người hiện đại không thích điều đó và thường không chấp nhận các cuộc hôn nhân sắp xếp. Nhiều người nhìn Người Đẹp như một con người bất hạnh, thậm chí bị lạm dụng khi phải ở bên cạnh một người chồng vũ phu. Người Đẹp thay thế cha để trở thành tù nhân trong lâu đài của Quái Thú, và khi nàng rơi vào tình yêu với gã - một lần nữa cũng lại có thể nói là một dạng hội chứng Stockholm.

Có thể nói, Beauty and the Beast tương tự như thần thoại Eros and Psyche nói về mối quan hệ giữa linh hồn và tình yêu thể xác, lại cũng có điểm tương đồng với Hades and Persephone nói về mối quan hệ giữa cuộc sống và cái chết. Trong câu chuyện có “tình cờ” hàm ý về nữ quyền, lại phảng phất hội chứng Stockholm, song về cơ bản, Beauty and the Beast vẫn muốn nhấn mạnh đến vẻ đẹp bên trong và hạnh phúc xứng đáng dành cho con người biết đấu tranh nhưng cũng biết thỏa hiệp và suy nghĩ tích cực khi mở rộng nhãn quan, đặt mình dưới một góc nhìn khác. Bởi vậy mà nó vẫn khiến người ta say mê với mỗi phiên bản làm lại, dù nội dung và những bất ngờ trong câu chuyện, ai cũng biết.

Xem thêm:

Beauty and the Beast - cổ tích phải hợp thời

Beauty And The Beast – vẫn ngọt ngào, “mãn nhãn” đẹp như thế giới

Emma Watson: 'Nữ quyền không phải cây gậy để trừng phạt phụ nữ

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/beauty-and-the-beast-nu-quyen-hay-chuyen-lay-chong