Bé sinh ra đã mọc 2 răng cửa, có bình thường không?

Quá trình mang thai sản phụ được theo dõi thường xuyên, trong lúc vượt cạn cũng không có bất cứ biến chứng gì. Tuy nhiên, sau khi sinh ra bé đã mọc nhú hai răng cửa hàm dưới.

Trưa 22-11, chị Nguyễn Thị Thu P. (27 tuổi, ngụ Tân Phú, TP.HCM) sinh con gái đầu lòng tại BV Phụ sản Hùng Vương và vô cùng ngạc nhiên khi thấy con gái vừa chào đời đã mọc hai răng cửa hàm dưới.

Chị P. cho biết ngay từ khi biết tin mình mang thai, hai vợ chồng đã chủ động đi khám và dưỡng thai định kỳ. Trong quá trình mang thai chị P. được bác sĩ chẩn đoán bị giảm tiểu cầu, có nguy cơ dẫn đến băng huyết khi sinh, cần theo dõi sát.

Hai răng cửa dưới của bé mọc nhú lên khi vừa sinh ra. Ảnh: HP

“Thai được 39 tuần, ông xã đưa tôi đến bệnh viện để đăng ký sinh. May mắn là cả mẹ và con đều bình an, tôi sinh thường, không gặp nguy hiểm gì, con gái nặng 3,1 kg. Nhưng điều ngạc nhiên là bé vừa sinh ra đã mọc nhú hai răng cửa hàm dưới, nó không chỉ làm vợ chồng tôi thấy lạ lẫm mà ngay cả các bác sĩ cũng thấy thú vị. Lúc đầu hai vợ chồng cũng hơi sợ, không biết con khác người như vậy có ảnh hưởng gì không. Nhưng nghe bác sĩ tư vấn chuyện này không đáng lo, chỉ cần theo dõi bé để xem quá trình phát triển là ổn nên tôi cũng yên tâm”, chị P. chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS-BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên khoa Phụ sản, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trên thực tế, sự phát triển răng của bé được bắt đầu từ giai đoạn phôi thai nhưng khi đó là ở mức độ là mầm răng chứ chưa phát triển thành răng hoàn chỉnh. Sau khi sinh và phát triển, bé mới bắt đầu quá trình mọc răng và có sự khác nhau về thời gian mọc răng giữa bé trai và bé gái.

Có những trường hợp trẻ mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn bình thường, tuy nhiên, mọc răng ngay khi vừa chào đời là trường hợp hiếm gặp, với tỉ lệ chỉ là 1/2.000 bé.

“Thông thường, trẻ mọc răng trong khoảng 4-8 tháng. Lúc này trẻ sẽ mọc hai chiếc răng đầu tiên là hai răng cửa hàm dưới. Tuy nhiên, việc trẻ mọc răng sớm hay muộn vài tháng là điều hoàn toàn bình thường", BS Trung cho hay.

Cũng theo BS Trung, thời gian mọc răng của trẻ phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bé có thể bị ảnh hưởng bởi gen di truyền của bố và mẹ. Hoặc do cơ thể của bé đủ chất dinh dưỡng hay không? Nếu không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì trẻ có thể mọc răng chậm. Dù vậy, việc mọc răng sớm hay muộn không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/be-sinh-ra-da-moc-2-rang-cua-co-binh-thuong-khong-666970.html