Bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV: Đổi mới, đoàn kết, sáng tạo và hành động

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV bế mạc sáng 23.11 sau 26 ngày làm việc tích cực. Đánh giá về kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Quốc hội đã quyết định và thông qua các nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

“Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật (gồm: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư) và 11 nghị quyết, như nghị quyết về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp… Các luật và nghị quyết này sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Thẳng thắn và trách nhiệm

Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 12 tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn với một số thành viên Chính phủ mới, gồm Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia giải trình một số vấn đề giáo dục và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trực tiếp trả lời nhiều vấn đề của đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Hoạt động chất vấn lần này đã thể hiện nhiều đổi mới. Lần này, Quốc hội không chỉ chọn bộ trưởng để chất vấn, mà chọn nhóm vấn đề chất vấn, nhằm tạo ra sự phối hợp làm sáng tỏ vấn đề cử tri quan tâm, chỉ rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan liên quan đến vấn đề đó.

Các đại biểu đã thực hiện việc tranh luận trực tiếp tại hội trường bằng cách giơ biển số ghế ngồi để được gọi, tạo không khí phản biện sôi nổi. Việc tranh luận trực tiếp đã thể hiện một không khí thẳng thắn, quan tâm sát sao, trách nhiệm của cả đại biểu và các trưởng ngành, vấn đề được nhìn nhận trên nhiều góc độ.

Quốc hội đã ra nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tranh luận tại nghị trường để tìm ra chân lý

“Đây là một sự đổi mới cực kỳ căn bản. Từ trước đến nay, chúng ta không phát huy được tính chất của nghị trường... Năm đầu tiên của Quốc hội khóa mới, nên cần tập trung để khuyến khích các đại biểu tranh luận. Ví dụ như, khi thảo luận tại hội trường mặc dù không đăng ký phát biểu, nhưng khi thấy có những ý kiến tôi cho là cần phải tranh luận để làm rõ vấn đề...”

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Chất vấn bằng hình thức tranh luận sẽ tìm được lời giải thuyết phục

“Tôi thấy việc cải tiến trong phương pháp làm việc của Quốc hội qua hoạt động chất vấn bằng hình thức tranh luận tại kỳ họp này cũng là cách tạo ra sự năng động, tìm được lời giải mang tính thuyết phục để nhiều đại biểu có thể đưa ý kiến của mình, để cuối cùng chúng ta chọn ra phương án tối ưu nhất. Do đó, tranh luận trong Quốc hội là cần thiết, sẽ phát huy tính năng động của các ĐB có sáng kiến, phát huy được sáng kiến của các ĐBQH. Hy vọng các lời hứa của các tư lệnh ngành sẽ được chính các vị bộ trưởng thực hiện và tôi cũng sẽ giám sát các lời hứa này để xem các vị thực hiện như thế nào...”

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Đã chuyển tâm thế từ “bị’ chất vấn sang “được” chất vấn.

“Khác với trước, chất vấn lần này có thêm phần tranh luận, mới mẻ và thú vị. Và điều tôi ấn tượng nhất đó là dường như không còn cảm giác các đại diện cơ quan hành pháp kéo dài thời gian, trả lời vòng vo thay vào đó là thẳng thắn, ngắn gọn. Điển hình là phần trả lời của Thủ tướng, đủ 3 tiếng, giải đáp ý kiến của hơn 30 đại biểu một cách trực diện, đi vào trọng tâm vấn đề và thậm chí còn chỉ thị ngay giải pháp thế nào, cơ quan nào phải vào cuộc giải quyết. Và như thế, người được chất vấn đã chuyển từ tâm thế “bị” chất vấn sang “được” chất vấn, xem đây là một cơ hội, một diễn đàn để cơ quan hành pháp thể hiện quan điểm của mình, chia sẻ cũng như tiếp thu một cách rất cầu thị. Những người được chất vấn đã vào cuộc thể hiện thái độ trách nhiệm, cầu thị, không còn lối nói cho qua, hay nói để vượt hiểm, với những lời hứa suông nữa. Đây là thay đổi tương đối rõ ràng mà ngay kỳ họp thứ hai này chúng ta đã nhận ra được”. XUÂN HẢI(ghi)

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội 14 qua những con số

3: Là số luật được Quốc hội kỳ này xem xét thông qua gồm: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và 11 nghị quyết. Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác.

2: Căn cứ vào kết quả xin ý kiến, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật là dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2017).

2.406: Là số ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Trong thời gian 2,5 ngày, chất vấn và trả lời chất vấn đã có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, hơn 30 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận.

5: Là số thành viên Quốc hội tham gia trả lời chất vấn, gồm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ trưởng các bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục-Đào tạo và Nội vụ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia báo cáo giải trình thêm chất vấn của đại biểu Quốc hội.

92%: Là tỉ lệ phiếu thuận của Quốc hội thông qua nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong phiên họp kín chiều 22.11.

7%: Là mức tăng lương cơ sở được 86,64% tổng số đại biểu có mặt tán thành, thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, trong đó Quốc hội yêu cầu điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm. Căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Quốc hội nghiêm khắc phê phán trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rõ thêm về trường hợp này trong cuộc họp báo bế mạc kỳ họp: Những sai phạm của ông Hoàng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận và công khai trước toàn dân. Trên cơ sở đó Quốc hội phê phán ông Hoàng. Quốc hội khóa 13 đã miễn nhiệm ông Hoàng. Tiếp theo Quốc hội giao cho Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét các quy định của pháp luật tham mưu biện pháp xử lý.

“Ông Hoàng với quyền của công dân đương nhiên có quyền kiến nghị, trên cơ sở đó các ủy ban Quốc hội sẽ thanh tra kiểm tra, xem xét” - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

MỸ HẰNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/be-mac-ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-doi-moi-doan-ket-sang-tao-va-hanh-dong-613966.bld