Bé gái mồ côi nhiễm HIV mơ làm bác sĩ

KTĐT - Khi được hỏi ước mơ của mình, em hồn nhiên nói: “Cháu ước sau này mình sẽ trở thành bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho những người không may bị nhiễm HIV như cháu, để cha mẹ và em gái cháu không mất nữa”. Cô bé vẫn từng ngày phải đấu tranh với căn bệnh đang lấy dần, lấy mòn sự sống của em.

Sinh đứa con thứ hai, người mẹ mới biết cả nhà mình đã nhiễm bệnh thế kỷ. Từ đó, tai họa liên tiếp giáng xuống, cướp đi 3 sinh mạng trong gia đình, chỉ còn lại bé gái 9 tuổi sống cùng bà nội tuổi đã xế chiều.

Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Đỗ Thị Trà My trú thôn 67, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. My đang sống với bà nội Lê Thị Tới.

Trong căn nhà trống hoác, nguội lạnh đã lâu, bà Lê Thị Tới ngậm ngùi kể lại bà góa bụa sớm, sinh được 3 người con, cậu cả là Đỗ Xuân Kiên và hai người con gái. Anh Kiên hiền lành, chịu khó, từ cấp 3 đã bắt đầu làm thuê làm mướn, khi trưởng thành đi học lái xe rồi cưới chị Nguyễn Thị Lan ở làng bên.

Năm 2003, bé gái đầu Trà My ra đời, nhưng không bao lâu, bố mẹ bé đành gửi con cho bà nội chăm lo để vào Nam làm công nhân. Cuộc sống khốn khó, tất bật cứ thế trôi qua êm đềm nếu không có ngày định mệnh ấy, ngày mà chị Lan trở dạ sinh đứa con gái thứ 2 trong miền Nam.

Làm xét nghiệm, các bác sĩ cho biết chị bị nhiễm HIV. Vào bệnh viện địa phương, bác sĩ khi ấy sợ không dám đỡ đẻ, phải đưa lên tuyến trên. Cả gia đình nội ngoại như nghe tin sét đánh khi cả anh Kiên, chị Lan và hai đứa cháu gái đều nhiễm căn bệnh quái ác này.

“Cả gia đình thằng Kiên về, người làm cha mẹ như tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc than, cơ sự nào mà tai họa ập giáng xuống liên tiếp vào gia đình mình thế này", bà Tới nghẹn ngào kể.

Bà Tới không giấu nổi nước mắt khi kể về cảnh nhà mình. Ảnh: Văn Định.

Và cứ thế, căn bệnh ấy đã lần lượt cướp đi sinh mạng của những con người bất hạnh khi tháng 4/2006 anh Kiên mất, cuối năm đó đến lượt đứa con út, và năm 2007 là chị Lan. Đến bây giờ bà Tới cũng không biết rõ nguyên nhân lây HIV của các con cháu bà là từ đâu.

“Lúc ấy con, cháu lần lượt ra đi mãi mãi không về, người mẹ già như tôi sống còn có nghĩa lý gì nữa, chỉ muốn chết cho xong, nhưng nghĩ lại còn Trà My, chết đi rồi ai sẽ chăm lo cho cháu…”, bà khóc, nói.

Ông Trịnh Văn Năm, trưởng xóm 67, kể: “Khi Trà My 4 tuổi, vì sợ bị mang bệnh vào người nên không ai dám nuôi cháu (kể cả bà nội), gửi vào trại trẻ mồ côi nhưng trại không nhận vì bé nhiễm HIV. Sau đó bé được đưa về xã, xã lại chuyển về thôn để chăm lo. Lúc ấy gia đình nào cũng túng thiếu, người cho bát gạo, người cho mớ rau, con cá nuôi cháu. Vì dân trí còn chưa cao nên nhiều người vẫn xa lánh, vì sợ bị lây nên không dám cho con cái chơi cùng”.

Ông, bà anh em bên ngoại cũng không ai dám gần, họa chăng Tết đến cho cháu được bộ quần áo. Về sau, được sự động viên của cán bộ xã, y tế, bà nội đã đứng ra nhận nuôi cháu trở lại. Cứ thế Trà My chỉ còn có bà nội và con gấu bông là bạn thân duy nhất. Họ bấu víu nhau sống trong căn nhà nhỏ hút sâu phía sau chân đồi trong sự đói khổ, mà bà Tới thì nay ốm mai đau.

Nhiều đêm bà thức trắng vì thương đứa cháu tội nghiệp, vì lời bé tâm sự: “Con mà có bố có mẹ như các bạn thì bà đỡ khổ vì con”.

Trà My cũng được đến trường. Ban đầu chẳng ai dám ngồi gần em vì sợ bị lây, nhưng rồi qua lời thầy cô, các bạn cũng bớt biệt thị với em. Dù vậy, nhiều khi còn mặc cảm với số phận, em cứ lầm lũi phía cuối góc lớp.

Thầy Dương Viết Trung, chủ nhiệm lớp 3A Trường tiểu học xã Hợp Lý, nơi em đang học, cho biết: “Trà My là một học sinh ngoan. Đầu tiên khi mới bước chân vào học em còn ngại tiếp xúc với các bạn xung quanh. Nhưng thầy cô ai cũng thương yêu, quan tâm, nên giờ Trà My đã theo học được đến lớp 3".

Khi được hỏi ước mơ của mình, em hồn nhiên nói: “Cháu ước sau này mình sẽ trở thành bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho những người không may bị nhiễm HIV như cháu, để cha mẹ và em gái cháu không mất nữa”. Cô bé vẫn từng ngày phải đấu tranh với căn bệnh đang lấy dần, lấy mòn sự sống của em.

Bà Tới chân đất chở cháu Trà My đi học trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Ảnh: Văn Định.

Giờ đây, tài sản quý nhất trong nhà là chiếc xe đạp cũ kỹ của anh Kiên để lại, dùng để đưa đón Trà My đi học và đều đặn mỗi tháng 4 lần bà đạp xe hàng chục cây số đi lấy thuốc cho cháu uống để dứt cơn bạo bệnh. Hai người con gái thì lấy chồng tận trong Quảng Trị nên mấy năm mới về một lần, cũng chẳng đỡ đần bà được phần nào.

Ông Trịnh Văn Năm, trưởng xóm 67 cho biết thêm: “Bà Tới có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thôn, xã cũng đã có chính sách hỗ trợ 480 nghìn đồng tiền mỗi tháng cho hai bà cháu, nhưng như thế cũng chỉ được một phần nào”.

Đọc giả hảo tâm xin liên hệ bà Lê Thị Tới, xóm 67, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. SĐT: 01684410571

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/323676/be-gai-mo-coi-nhiem-hiv-mo-lam-bac-si.aspx