Bé gái mang thai ở Trung Quốc làm thế nào để về được Việt Nam?

Theo luật sư Trần Anh Dũng, trong trường hợp qua điều tra, xác minh xác định cháu bé có quốc tịch Việt Nam và cháu đã bị đưa sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp thì cháu bé sẽ được trao trả về Việt Nam.

Liên quan đến vụ bé gái nghi là người Việt Nam mang thai tại Trung Quốc khiến dư luận quan tâm suốt mấy ngày vừa qua, chiều ngày 13/10, trong cuộc họp thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, theo thông tin mới nhất ngày 12/10, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã cử cán bộ xuống công an TP Từ Châu, tỉnh Giang Tô để trực tiếp làm rõ thông tin, xác minh nhân thân về bé gái này.

"Tuy nhiên do đơn sự nói tiếng Việt rất ít còn tiếng Trung nói không rõ ràng cho nên hiện vẫn chưa làm rõ được nhân thân. Với thông tin có được, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc đang khẩn trương phối hợp với cơ quan trong nước để tiếp tục xác minh thông tin", ông Lê Hải Bình thông tin.

Hiện tại một số cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) đã có mặt tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với cơ quan công an Trung Quốc điều tra làm rõ đồng thời xác định được thân nhân cô bé trên.

Hình ảnh bé mang thai ở Trung Quốc.

Trước đó, cảnh sát Trung Quốc phát hiện 1 bé gái Việt Nam 12 tuổi, được 1 người đàn ông Trung Quốc 35 tuổi, xưng là chồng cháu bé, đưa đi khám thai tại bệnh viện. Cảnh sát điều tra phát hiện bé gái này bị bán sang Trung Quốc. Người đàn ông 35 tuổi và một phụ nữ xưng là "mẹ chồng" của bé gái đang được công an tạm giữ để điều tra về nghi vấn buôn bán trẻ em.

Được biết người đàn ông này mua bé gái làm vợ với giá 100 triệu đồng. Sau đó, cô gái khai 2 địa chỉ mà có thể cô từng sống cùng gia đình ở Việt Nam là phường Thanh Nhàn và Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tuy nhiên, lời khai của bé gái mà cảnh sát Trung Quốc yêu cầu Cục CSHS Việt Nam xác minh có đề cập thêm là phố Cảm Hội và đường Đào Cam Mộc, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Thế nhưng 4 địa chỉ như trong lời khai trên cho đến nay không có ai nhận là người thân của cô gái.

Đến ngày 12/10, cô gái này lại thay đổi lời khai thông tin về nhân thân, tên là Triệu Mai, dân tộc Mông, quê ở huyện Long Hà, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, dân tộc Mông rất hiếm người có họ Triệu và ở Hà Giang không có huyện nào là huyện Long Hà.

Để về nước, bé gái cần những thủ tục gì?

Kể từ khi những thông tin về cô bé được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng và người dân trong nước. Ai cũng mong muốn sớm tìm được thân nhân của cô bé và cô bé sớm được trở về Việt Nam. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi trong trường hợp trên làm thế nào để đưa cháu bé về Việt Nam và cần làm những thủ tục gì?...

Trước những vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Hà Nội) cho biết, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng Việt Nam xác minh để tiếp tục làm rõ.

Về việc làm thế nào để đưa cháu bé về Việt Nam thì luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH Hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (Thông tư 03) thì trình tự, thủ tục xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân của nạn buôn bán người được thực hiện theo nhiều cách khác nhau phụ thuộc vào tính chất pháp lý của vụ việc cũng như Điều ước quốc tế mà các bên liên quan trong đó có Việt Nam tham gia ký kết.

"Theo tôi được biết, từ năm 2010 Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định song phương về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người. Hiện nay, cháu Triệu Mai - nạn nhân của nạn buôn bán người đang cư trú tại Trung Quốc - Nước tiếp giáp với Việt Nam.

Vì vậy việc xác minh, xác định, tiếp nhận cháu Triệu Mai được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Phần 1, mục II Thông tư 03 tức là thực hiện trình tự, thủ tục xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân theo khuôn khổ thỏa thuận song phương.

Theo đó, việc xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân được thực hiện theo đề nghị của cơ quan chức năng nước ngoài về việc nhận trở lại công dân và thông tin, tài liệu về nạn nhân. Sau khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân, cơ quan công an có liên quan phải tiến hành xác minh về nhân thân và căn cứ xác định nạn nhân", luật sư Dũng thông tin.

Luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Hà Nội)

Vị luật sư này cũng thông tin, trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh biên giới có văn bản trả lời cơ quan chức năng nước ngoài đồng ý hoặc không tiếp nhận. Trường hợp nạn nhân có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và thuộc diện Việt Nam đồng ý nhận trở lại theo thỏa thuận song phương thì trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Công an tỉnh biên giới gửi văn bản trả lời cơ quan chức năng nước ngoài đồng ý hoặc không đồng ý tiếp nhận.

Cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới thống nhất với cơ quan chức năng nước ngoài về danh sách, thời gian, phương tiện và cửa khẩu tiếp nhận nạn nhân; thông báo cho Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Hội Phụ nữ tỉnh nơi tiếp nhận trước 03 ngày làm việc để phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân.

Bộ đội Biên phòng cửa khẩu nhận bàn giao nạn nhân do cơ quan chức năng của nước ngoài trao tại cửa khẩu đường bộ; bàn giao nạn nhân cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh biên giới để đưa về cơ sở tiếp nhận.

Tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh biên giới chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan nơi tiếp nhận thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật, tiến hành hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cần thiết (tư vấn về tâm lý, pháp lý; khám sức khỏe), lấy lời khai của nạn nhân và thông báo cho cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tỉnh có liên quan các thông tin, tài liệu thu thập được, cấp giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân.

Trường hợp nạn nhân có nguyện vọng được trở về gia đình ngay thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường để họ tự trở về đồng thời có văn bản thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nơi nạn nhân thường trú để thực hiện chế độ, chính sách cho nạn nhân.

Đối với nạn nhân cần chăm sóc về sức khỏe, tâm lý trước khi tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân là trẻ em thì bàn giao nạn nhân cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nơi nạn nhân về thường trú trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận.

Trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân cũng có thể được thực hiện do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin, tài liệu và đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xác minh trong trường hợp Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân do cơ quan chức năng nước ngoài, do cơ quan chức năng của Việt Nam trao đổi hoặc do nạn nhân trực tiếp đến khai báo, xin về nước.

Tuy nhiên, thủ tục và những việc cần làm để đưa nạn nhân về nước cũng không có nhiều khác biệt. Người đàn ông được cho là "chủ nhân" của cái thai kia có bị xử lý gì không? Về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, để xác định trách nhiệm pháp lý của một cá nhân vi phạm pháp luật cũng như thẩm quyền xử lý, luật áp dụng thì trước hết cần phải xác minh thời gian và địa điểm, năng lực pháp luật của cá nhân đó.

"Trong trường hợp này, những nội dung có liên quan đến nhân thân, của người đàn ông được cho là "chủ nhân" cái thai và cháu Triệu Mai đang mang còn chưa rõ ràng, độ tuổi chính xác của Triệu Mai chưa được xác định nên tôi chưa thể nói gì về trách nhiệm pháp lý của người này.

Mặt khác, người này lại là người nước ngoài (người Trung Quốc) nên trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết và luật áp dụng sẽ vẫn là vấn đề còn phải chờ đợi và phụ thuộc kết luận của các cơ quan hữu quan đang thụ lý, giải quyết vụ việc", luật sư Trần Anh Dũng nói thêm.

Ngày 12/10 dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã cử cán bộ xuống công an TP Từ Châu, tỉnh Giang Tô để trực tiếp làm rõ thông tin, xác minh về bé gái này.

Theo đó, lời khai của bé gái này đã thay đổi so với thông tin ban đầu. Thông tin Công an tỉnh Giang Tô gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết cô gái này đã thay đổi lời khai. Trước đó cô gái này khai 12 tuổi và chỉ nhớ đến 2 địa chỉ mà có thể cô từng sống cùng gia đình ở Việt Nam là phường Thanh Nhàn và Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tuy nhiên, lời khai sau đó mà cảnh sát Trung Quốc yêu cầu Cục CSHS Việt Nam xác minh có đề cập thêm là phố Cảm Hội và đường Đào Cam Mộc, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.

Nhưng, mới đây nhất, cô gái này khai rằng mình là bị hại trong một vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em năm 2014 và đến năm 2016 cô bé này đã 17 tuổi. Cô gái này lại thay đổi lời khai thông tin về nhân thân, tên là Triệu Mai, dân tộc Mông, quê ở huyện Long Hà, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, dân tộc Mông rất hiếm người có họ Triệu và ở Hà Giang không có huyện nào là huyện Long Hà.

Liên quan đến sự việc trên, tối ngày 12/10, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Canh, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Hà Giang khẳng định ở Hà Giang không có huyện, xã nào tên là Long Hà như thông tin lời khai cô gái trên khai nhận với công an.

Theo Định Nguyễn / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/be-gai-mang-thai-o-trung-quoc-lam-the-nao-de-ve-duoc-viet-nam-20161014002511487.chn