Bể dâu phận hồ

Người xưa nói bãi biển biến thành nương dâu để nói về cái biến động cuộc đời. Nay thân phận những ao hồ Hà Nội không biến thành nương dâu mà bị lấn chiếm, thu hẹp thành nhà cửa cao tầng và thương nhất là thành nơi xả thải. Sự cố môi trường nghiêm trọng ở Hồ Tây đã đánh vào niềm kiêu hãnh về sông hồ Hà Nội.

Một góc Hồ Tây.

Giở bất cứ tấm bản đồ Hà Nội nào từ thời Pháp thuộc cũng thấy Hà Nội chằng chịt hồ ao. Chẳng quá xa xôi, chỉ cách đây khoảng 1 trăm năm, nghĩa là có những người già đã từng được chứng kiến, ở những khu phố trung tâm nhất của Hà Nội như Hàng Đào, Hàng Bè, Cầu Gỗ… vốn là những hồ nước san sát thông với sông Hồng, với Hồ Hoàn Kiếm, đủ luồng lạch cho thuyền buôn vào ra. Đất Kinh kỳ khi ấy chỉ có khoảng 10 vạn dân nhưng có tới hàng vài trăm ao hồ.

Nay chỉ tính riêng nội thành Hà Nội dân số là khoảng hơn 4 triệu người mà còn có bao nhiêu hồ nước?

Theo các nhà khoa học ở Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô, Hà Nội hiện có khoảng 32 hồ tự nhiên lẫn nhân tạo ở 9 quận với tổng diện tích 800 ha. Còn theo thông tin từ Công ty Thoát nước Hà Nội, thì Hà Nội tất cả có tới 110 hồ và tổng cộng diện tích trên 1.000 ha.

Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – lại đưa ra một con số khác: Tính đến cuối năm 2015, tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội là 112 với tổng diện tích mặt nước hồ là 6.969.305m2.

Ở đây cũng không sa đà vào việc tranh luận xem thực ra Hà Nội còn bao nhiêu hồ. Chỉ nên nhìn vào một thực tế rất buồn là Hà Nội bây giờ phần lớn những hồ nước, tù đọng, ám khí. Cũng theo thống kê của Trung tâm CECR, Hà Nội hiện có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng.

Có thể kể đến như: Hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, Ao Phủ… Vừa cách đây vài tháng, dân cư quanh hồ Ngọc Khánh sống dở chết dở vì mùi ô nhiễm bốc lên từ hồ.

Chỉ còn một cái hồ với diện tích lớn nhất, xưa kia có mạch nước ngầm thông với sông Hồng, những là Dâm Đàm, Lãng Bạc nghìn năm, những là đầy bí hiểm và quyến rũ, những là vừa mới cách đây vài thập kỷ còn sâm cầm bay về và lau lách hoang vu…

Hồ Tây đầy cổ tích, văn chương ấy phút chốc trở thành thê thảm chưa từng có. Mấy trăm tấn cá nổi trắng mặt hồ. Và cái mặt hồ rộng mênh mang ấy trở thành nơi bốc mùi hôi thối…

Một khi ngay cả nó, Hồ Tây ấy, cũng bốc mùi thì sự ô nhiễm môi trường đã rất cần phải được xem xét, cảnh báo và có giải pháp hữu hiệu.

Có vẻ như sự cố môi trường Hồ Tây là sự trả giá tất yếu sau những gì người ta đã trút xuống lòng hồ. Những quán, những nhà hàng trên thuyền nổi thuyền chìm, những cái cọc nhồi xuống lòng hồ để dựng lên công trình của các loại khách sạn ven hồ, những cống nước xả thải từ các khu dân cư ven hồ, gần đây có vẻ thêm cả đường nước xả thải của hàng loạt khu chung cư mới…

Tất cả đều dựa vào cái vẻ mỹ miều của “view hồ” mà kinh doanh để hái ra tiền. Nhưng giống như muối của rừng, “view hồ” thì khai thác nhưng lại xả luôn chất thải xuống thì hậu quả ô nhiễm ngày hôm nay là tất yếu.

Chuyện cá hồ Tây chết phải được coi là giới hạn cuối cùng trong ứng xử với ao hồ Hà Nội. Không còn điểm nào để lùi nữa. Cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết là một việc quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phải tìm ra giải pháp cứu đồng loạt sông hồ Hà Nội. Theo thống kê cứ mỗi ngày đêm các hồ ở Hà Nội lại phải nhận thêm khoảng 400.000m3 nước thải.

Trong những năm qua, không phải thành phố không nỗ lực để cải tạo hồ. Tháng 7-2009, HĐND TP Hà Nội đã ra Nghị quyết thông qua đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Sau đó, Hà Nội tiến hành triển khai chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn thành phố với các ao, hồ được chọn để tìm giải pháp hồi sinh môi trường, chất lượng nước trong giai đoạn đầu tiên được kể đến là: Hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Kim Liên, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B, Văn Quán, Võ Quán, Đền Lừ, ao đình Ngọc Hà và hồ Dài.

Đó là những hồ được đánh giá là ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong số các ao, hồ bị ô nhiễm hồi đó. Nhưng ngần ấy năm sau cải tạo, những cái tên kể trên vẫn chưa cải thiện được là bao, thậm chí như hồ Ngọc Khánh đến năm 2016 này sau cải tạo vẫn là một điểm ô nhiễm đáng báo động.

Ở ngay trung tâm thành phố, ở vào địa điểm văn hóa được bảo tồn, hồ Văn Chương và hồ Linh Quang ngay trước Quốc Tử Giám giờ giống như một cái ao tù đọng…

Những cái hồ tự nhiên vốn nó đã tự điều hòa được nguồn nước và dưỡng sinh trong lòng hồ. Việc cải tạo để cứu một cái hồ sống lại chắc không phải là việc quá khó.

Miễn là đừng biến nó thành nơi chứa nước và chất thải. Miễn là đừng phê duyệt những dự án tiếp tục đóng cọc xuống lòng hồ. Miễn là đừng cấp phép cho mở nhà hàng, quán bar, sàn nhảy trên mặt hồ… nhưng không kiểm soát được việc xả thải chất nguy hại xuống hồ.

Nhiều người sẽ nói rằng không xả thải xuống sông hồ thì nước thải của thành phố đi đâu? Có lẽ nhiều nơi trên thế giới người ta không bao giờ làm cái việc là đưa nước thải của thành phố chảy trực tiếp xuống sông hồ. Ở một số nơi, người ta còn tạo ra cả dòng suối trong văn vắt từ chính nguồn nước thải…

Một thành phố vài triệu dân nội thành vẫn đang mỗi ngày một phát triển đông hơn không thể thiếu một hệ thống sông hồ hoàn chỉnh, sạch sẽ để hít thở mỗi ngày.

Cẩm Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/be-dau-phan-ho/125867