Bé bị táo bón, cha mẹ lo lắng phải làm sao?

Tình trạng táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng, tuy nhiên táo bón có thể làm giảm chất lượng sống của trẻ và gây nên các vấn đề về cảm xúc và tạo nên áp lực trong gia đình.

Táo bón là gì?

Táo bón là khi trẻ đi ngoài phân rắn và khô hoặc khoảng cách 2 lần đại tiện quá xa nhau, thường là trên 3 ngày.

Trẻ bị táo bón thường có các biểu hiện sau:

- Sờ nắn bụng thấy những cục phân rắn.

- Trẻ biếng ăn, ăn không tiêu.

- Bụng chướng, đầy hơi, đau bụng.

Bé bị táo bón đi đại tiện rất khó khăn.

Thế nào là đại tiện bình thường?

Bình thường các bé trong độ tuổi 1 – 4 sẽ đại tiện từ 1 – 2 lần/ngày. Tuy nhiên, cũng có những bé đi cầu 3 lần/ngày, ngược lại có trẻ đi cầu không theo ngày nào cả. Tất cả đều bình thường.

Đối với những trẻ có sức khỏe tốt, bé có thể 3 ngày mới đi cầu một lần. Kích thước và lượng chất thải của các bé cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào những gì trẻ ăn uống hằng ngày.

Táo bón nếu không điều trị tốt có thể gây biến chứng phức tạp như: Dãn đại tràng, sa trực tràng, sa tử cung (dạ con), trĩ… Ở trẻ em, táo bón kéo dài gây chán ăn, chậm lên cân, thậm chí gây tình trạng đau bụng kéo dài hoặc nôn trớ, chậm lớn…

Cách giúp trẻ khỏi táo bón

Tùy theo từng nguyên nhân mà bạn tìm cách điều trị nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là quan trọng nhất:

- Uống nhiều nước:

Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 - 200 ml nước/ngày.

Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 - 12 tháng uống 200 - 300 ml nước/ngày.

Trẻ 1 - 3 tuổi uống 500 - 600 ml nước/ngày.

Trẻ 3 - 5 tuổi uống 1000 ml nước/ngày.

Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 - 2000 ml nước/ngày.

- Tăng lượng chất xơ trong chế độ dinh dưỡng. Điều này dường như rất khó thực hiện bởi một khảo sát cho thấy 29 – 48% trẻ em bị táo bón là do “ăn uống cầu kỳ” và 47% có hiện tượng ăn kém ngon miệng.

Bạn nên đưa con đến bác sĩ nếu táo bón kéo dài lâu hơn hai tuần hoặc táo bón kèm theo các triệu chứng:

- Sốt.

- Ói mửa.

- Có máu trong phân.

- Chướng bụng.

- Giảm trọng lượng .

- Đau và xuất hiện vết nứt hậu môn

- Sa trực tràng.

Hiệu Duyên (T/h)

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/nuoi-day-con/be-bi-tao-bon-cha-me-lo-lang-phai-lam-sao-89-71581-article.html