Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải: Trách nhiệm của TKV

Tổng cục môi trường chỉ đảm nhận việc giám sát đảm bảo an toàn môi trường, chuyển đổi công nghệ sản xuất là trách nhiệm của TKV.

TKV là đơn vị nắm quyền khai thác bauxite

Trong thời gian qua, sau sự cố vỡ bục đường ống chứa xút nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) thì đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) cũng bị rò rỉ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Các chuyên gia, các lãnh đạo Sở TN-MT của 2 tỉnh, sau đó đã chỉ rõ, nhà thầu Trung Quốc Chalieco hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ thải ướt. Đây là công nghệ không phù hợp với đặc thù của những nhà máy đặt tại Tây Nguyên vì phải chống chịu với mùa mưa kéo dài, khí hậu ẩm ướt.

Đặc biệt, lãnh đạo các Sở TN-MT đều khẳng định, đây là thời điểm nên yêu cầu nhà thầu Chalieco thay đổi công nghệ sang thải khô để đảm bảo an toàn, nhưng đó là trách nhiệm của Bộ TN-MT, của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 16/8, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam, Bộ TN-MT cho biết: "Vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất ra sản phẩm là do bên Tập đoàn TKV chủ quản, vì họ đảm nhận việc khai thác bauxite.

Ống dẫn chất thải bùn đỏ từ việc rửa quặng bô-xít tại công trường khai thác ra hồ chứa.

Cho nên việc chuyển đổi công nghệ thải bùn đỏ phải do TKV xem xét và yêu cầu nhà thầu Chalieco, TKV cũng là đơn vị nắm rõ về quy trình hoạt động, xả thải của các nhà máy trên".

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, theo báo cáo của TKV thì phương pháp thải bùn đỏ đang áp dụng ở Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ không phải là phương pháp thải ướt như mọi người vẫn khẳng định mà là phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking).

Khi có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, nhiều người cho rằng, dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng thải bùn đỏ tương tự như thế, những thông tin trên phải xem xét lại. Vì công nghệ thải bùn đỏ của nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ, theo thiết kế ban đầu, là công nghệ thải chồng lớp khô.

Theo thiết kế, trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc thu hồi sút, làm đặc đạt 46,5% và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-15 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, có thể đi trên mặt hồ như bình thường.

Giám sát môi trường

Nói về vai trò của Tổng cục môi trường, ông Tùng nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ tham gia với vai trò liên quan đến môi trường, không liên quan đến sản xuất, nên chỉ có TKV mới có khả năng xem xét cụ thể về công nghệ thải khô, hay thải ướt.

Riêng về các sự cố xảy ra thời gian qua, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, thì phía Tổng cục đã có đoàn giám sát mức độ nguy hại đến môi trường, đã có đề xuất, có khắc phục, giám sát sự cố.

Đặc biệt, theo ông Tùng, Sở TN-MT ở các địa phương cũng phải tham gia với vai trò quản lý tại các địa bàn, đảm bảo yếu tố an toàn môi trường.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/8, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, nói: "Công nghệ thải ướt đã được sử dụng từ năm 2007, bây giờ nếu muốn thay đổi cũng nhiều vấn đề, vì đó là thẩm quyền của Bộ KH-CN và Bộ TN-MT".

Cùng với đó, việc phải chuyển đổi công nghệ từ thải ướt sang thải khô tỉnh hoàn toàn đồng ý, nhưng việc thực thi rất khó, đó là cả một quá trình rất dài, thậm chí rất khó khăn.

Đây là bài toán rất lớn, vì đối với sản xuất Alumin, một công nghệ hoàn toàn mới trên đất nước ta, áp dụng đối với loại hình công nghiệp nặng mà nhiệt độ cao, áp suất cao, sử dụng rất nhiều hóa chất, không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi

Chính vì thế, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam - TKV cần có những hội thảo để cho các chuyên gia, các nhà quản lý trên từng địa bàn có nhà máy Alumin hoạt động bàn về vấn đề bảo đảm an toàn môi trường, đưa ra các đề xuất cụ thể

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/bauxite-tay-nguyen-doi-cong-nghe-thai-trach-nhiem-cua-tkv-3316542/