Bầu Đức bán đất cao su cho TQ: Ẩn số ngân hàng

Muốn được cứu, HAGL phải tự cơ cấu lại doanh nghiệp, có kế hoạch thuyết phục được ngân hàng rằng họ sẽ phục hồi và trả được nợ.

Đừng đặt điều kiện với Nhà nước

Quan tâm đến tuyên bố bán 20.000 ha cao su ở Lào cho đối tác Trung Quốc của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nếu phương án tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp này không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng HAGL không nên đặt điều kiện với Nhà nước.

Theo đó, trong nền kinh tế thị trường, việc tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp phải do bản thân các doanh nghiệp tự đàm phán với ngân hàng và người cho vay về việc cho vay với mức độ nào, tái cơ cấu nợ bằng cách cho vay thêm với thời gian dài hơn, lãi suất thấp hơn hay giãn nợ... để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh...

Nông trường cao su của Hoàng Anh Gia Lai

Đối với một số trường hợp, khi các ngân hàng thấy có khả năng phục hồi của doanh nghiệp và tham gia được, họ có thể chuyển hóa nợ vay thành cổ phần đầu tư vào các doanh nghiệp đó để có cổ phần mang tính quyết định, thực hiện tái cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, từ đó vực doanh nghiệp dậy, thu hồi được nợ và lãi đầy đủ.

"Dù vậy, xin nhấn mạnh lại rằng đó là việc riêng giữa doanh nghiệp với các ngân hàng và người cho vay.

Chính phủ Việt Nam và Lào đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất Lào với các ưu tiên, ưu đãi lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp như HAGL. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà đặt điều kiện với Nhà nước.

Mặt khác, diện tích cao su mà HAGL trồng ở Lào dẫu có nằm ở dọc biên giới hai nước Việt Nam-Lào, khu vực trọng yếu hay không thì đây vẫn là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều toan tính.

HAGL có thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng không có HAGL, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển tốt hơn. Do đó, đừng dọa dẫm hay đặt điều kiện. Đó là điều không thể chấp nhận được với người làm kinh doanh, đặc biệt là với những người có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng nền kinh tế như ông Đoàn Nguyên Đức đã từng tuyên bố", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, ở mức độ nào đó, Nhà nước Việt Nam có thể xem xét hỗ trợ cho HAGL như sử dụng một quỹ đầu tư hay thông qua Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tạo điều kiện cho HAGL vay vốn ở thị trường Lào hoặc Việt Nam chứ không phải như cách HAGL đặt vấn đề.

Về phía các ngân hàng chủ nợ, việc họ tìm cách cứu HAGL là điều dễ hiểu khi hiện nay tổng nợ của HAGL vào khoảng 33.000 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản của tập đoàn và tập trung chủ yếu ở 3 ngân hàng lớn (BIDV, Eximbank, VP Bank). Nếu HAGL không trả được nợ, nó sẽ trở thành nợ xấu của các ngân hàng, khi ấy bản thân ngân hàng, về nguyên tắc không được cho vay tiếp nữa và họ phải khoanh lại để đòi nợ. Nếu như vậy, HAGL chỉ có cách phá sản.

Trong trường hợp này, các ngân hàng có thể đề nghị này NHNN đồng ý tiếp tục cho vay hoặc có phương án nào đó, nhưng trước hết là có thể gia hạn nợ cho HAGL.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là HAGL phải tự cơ cấu lại doanh nghiệp mình, từ sản xuất, vốn, đến quản lý kinh doanh, trên cơ sở đó đưa ra một kế hoạch phát triển sản xuất và hoàn trả nợ cho ngân hàng.

"Nếu kế hoạch HAGL thuyết phục được các ngân hàng thì khi ấy mới bàn đến việc có đồng ý cứu hay không. Ngay cả các ngân hàng cũng thế, họ không thể cho vay trên cơ sở không biết sau này doanh nghiệp có trả được nợ hay không", vị chuyên gia nói.

Cần bộ tiêu chí cứu doanh nghiệp

Nói thêm về khả năng cứu HAGL, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, một mặt các ngân hàng phải ra điều kiện với HAGL về việc phải có một kế hoạch cụ thể, chi tiết tái cấu trúc doanh nghiệp, đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng, mặt khác các ngân hàng cũng phải tự đặt điều kiện với mình.

Trên cơ sở kế hoạch của HAGL, các ngân hàng tự làm kế hoạch đảm bảo thu được nợ, nếu sau này nó trở thành nợ xấu thì đó là trách nhiệm của các ngân hàng chứ không phải đổ cho NHNN rồi bắt ngân sách nhà nước phải gánh chịu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bau-duc-ban-dat-cao-su-cho-tq-an-so-ngan-hang-3319224/