Bầu cử Tổng thống Pháp: Cử tri bỏ phiếu cho sự thay đổi

Hai ứng viên lọt vào vòng tiếp theo đều không thuộc 2 đảng đang thống trị chính trường Pháp trong 60 năm qua cho thấy, cử tri quyết định lựa chọn sự thay đổi.

Quyết định của cử tri Pháp đã rõ ràng sau vòng đầu tiên của bầu cử Tổng thống hôm Chủ nhật.

Theo kết quả, nhà cải cách thân châu Âu Macron của phong trào Tiến bước (En Marche!) sẽ đối mặt với ứng viên cực hữu bài ngoại Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia (FN) trong vòng bầu cử 2 (ngày 7/5).

Hai ứng viên vào vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp là bà Le Pen (trái) và ông Macron.

Ứng cử viên Macron rõ ràng là niềm hy vọng cho những người ủng hộ tự do thương mại đang lo ngại trước chủ nghĩa dân túy đang lên ở châu Âu. Thành tích của ông Macron thật sự đáng nể khi chỉ một năm sau thiết lập phong trào Tiến bước, chính trị gia 39 tuổi này đã lập tức nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri Pháp, đánh bật các gương mặt nhiều bản lĩnh, trong đó có cựu Thủ tướng Fillion.

Ông Macron giành thắng lợi bởi sự trẻ trung (39 tuổi) nhưng giàu kinh nghiệm chính trường khi từng đảm nhận vị trí Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Hollande năm 2014, ông Macron mang tư tưởng cải cách và thúc đẩy thương mại, hứa hẹn đem lại một "luồng gió mới" mà người Pháp đang mong đợi trong đời sống chính trị. Ông Macron cũng nhận được sự ủng hộ từ giới tinh hoa theo cánh hữu và cánh tả như Chủ tịch Phong trào Dân chủ (MoDem), François Bayrou, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian hay nguyên Thủ tướng Manuel Valls...

Trong khi đó, nữ thủ lĩnh của đảng cực hữu FN Le Pen giành thắng lợi nhờ đánh trúng tâm lý lo ngại của người bản địa trước cuộc khủng hoảng di cư, nạn khủng bố và nạn thất nghiệp. Bà Le Pen chủ trương bài ngoại, đóng cửa với người di cư và cam kết tạo việc làm cho người dân, cũng như đảm bảo chính sách nhà ở, y tế cho người dân. Tuy nhiên, hình ảnh bà Le Pen đã bị hoen ố khi vướng vào scandal cáo buộc của Nghị viện châu Âu về chi sai 300.000 Euro trong tuyển dụng trợ lý.

Đặc biệt, kết quả vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay đã kết thúc 6 thập kỷ thống trị của 2 chính đảng lớn của Pháp là đảng Xã hội và Những người cộng hòa. Đây là lần đầu tiên đại diện đảng FN - vốn chỉ đóng vai trò là "gạch lát đường" trong các cuộc bầu cử trước lọt vào vòng 2. Ngoài ra, việc gần 30% cử tri từ chối đi bỏ phiếu cho thấy, người dân Pháp đã chán nản và mất kiên nhẫn với đường lối lãnh đạo của các chính đảng truyền thống và mong chờ một sự thay đổi.

Các nhà quan sát dự đoán, cử tri Pháp có khuynh hướng bỏ phiếu cho một nhà cải cách và khả năng ông Macron sẽ chiến thắng trong vòng 2. Dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc đua vào Điện Elyseé, nước Pháp sẽ chắc chắn đón nhận một sự đổi ngôi chính trị mới, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia này và phần còn lại của châu Âu.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bau-cu-tong-thong-phap-cu-tri-bo-phieu-cho-su-thay-doi-286374.html