Bầu cử Tổng thống Pháp: Bất ngờ có thể xảy ra như... Mỹ

Với việc cựu Thủ tướng Francois Fillon đang chiếm ưu thế khi cuộc bầu cử sơ bộ lần hai trong nội bộ cánh hữu chỉ còn một ngày nữa là diễn ra, xem ra xu hướng truyền thống, bảo thủ về các giá trị và tự do về kinh tế đang nổi lên trên chính trường nước Pháp.

Cựu Thủ tướng F. Fillon

Đều là thành viên trong “gia đình” của đảng Những người Cộng hòa (LR), nhưng cựu Thủ tướng F. Fillon và Thị trưởng thành phố Bordeaux A. Juppé là hai nhân vật đại diện cho phe cánh hữu và trung hữu ra tranh cử tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào năm tới. Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai nhân vật này tối 24-11 vừa rồi và kết quả thăm dò dư luận sau đó đã làm rõ thêm tâm lý và mong muốn của cử tri Pháp hiện nay.

Mặc dù cả hai ứng cử viên đều tuyên bố rằng tranh luận là cần thiết nhưng không được gây chia rẽ nội bộ, những mâu thuẫn trong quan điểm giữa đôi bên vẫn lộ rõ. Nhẹ nhất như trong các chương trình cải cách kinh tế, các chương trình của ông F. Fillon như cắt giảm ngân sách công, cắt giảm trợ cấp xã hội, tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước vẫn tỏ ra mạnh mẽ và triệt để hơn so với đối thủ A. Juppé.

Đi vào các vấn đề xã hội, khác biệt bắt đầu lớn dần. Về bản sắc Pháp, ông A. Juppé nhấn mạnh vào sự đa dạng về nguồn gốc, màu da, tôn giáo và tư tưởng chính trị. Theo ông, điều này làm nên sự đa dạng và phong phú cho nước Pháp. Trong khi đó, ứng cử viên F. Fillon lại nhấn mạnh “Pháp không phải là một quốc gia đa văn hóa. Bởi vậy khi một người nước ngoài đến Pháp, họ cần hòa nhập và tôn trọng di sản văn hóa của Pháp”.

Đến các vấn đề quốc tế, sự đối lập đã tới mức công khai. Trong khi ứng cử viên A. Juppé lớn tiếng chỉ trích quan điểm ủng hộ Nga cũng như thái độ thân thiện của ông F. Fillon với Tổng thống Nga V. Putin, thì ông F. Fillon phản bác lại khi cho rằng “mối nguy hiểm thực sự đối với châu Âu không đến từ Nga”, bởi vì “đây là mối nguy hiểm dưới góc độ kinh tế và nó đến từ châu Á”. Thậm chí ông F. Fillon còn cho rằng “các biện pháp trừng phạt Nga thời gian qua đã thất bại”, đồng thời nhấn mạnh: “Để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Syria, các nước châu Âu cần phải thảo luận với Nga”.

Việc ông F. Fillon, một nhân vật mà mới vài tháng trước còn bị báo chí Pháp gọi là “Ngài Không ai cả”, ý là không có vai trò gì, bất ngờ nổi lên như ứng cử viên nặng ký nhất của cánh hữu trong cuộc đua vào Điện Elysee đang đặt phe cánh tả vào thế khó khăn trong việc lựa chọn ứng cử viên ra tranh cử. Nhiều nhà phân tích cho rằng có thể Tổng thống F. Hollande sẽ bị cánh tả gây sức ép không ra tái tranh cử mà nhường vai trò đó cho Thủ tướng M. Valls. Bởi qua các cuộc bầu cử sơ bộ ở các đảng vừa qua, nhất là qua câu chuyện của ông F. Fillon, cử tri Pháp thể hiện không muốn thấy các gương mặt cũ kỹ ít có khả năng đột phá.

Thực tế trong 4 năm lãnh đạo đất nước, Tổng thống F. Hollande và chính phủ cánh tả chưa thực sự để lại nhiều dấu ấn. Thất nghiệp không giảm, xã hội bấp bênh, thuế và giá cả tăng, nhập cư tràn lan, an ninh không đảm bảo, thậm chí nguy cơ tấn công khủng bố thường xuyên rình rập ở các thành phố lớn. Vì thế, uy tín của ông F. Hollande xuống tới mức thấp nhất từ trước tới nay với chỉ khoảng 16% người Pháp ủng hộ ông.

Tuy nhiên, dù nhận được sự ủng hộ gia tăng của các cử tri Pháp nhưng xu hướng cánh hữu chưa phải đã thắng thế trên chính trường Pháp. Nhiều người vẫn lo ngại do tư tưởng bài ngoại và dân tộc chủ nghĩa. Thêm vào đó, mọi chuyện vẫn rất khó đoán trong bối cảnh hiện nay khi cuộc trưng cầu về Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã cho thấy những bất ngờ không thể tưởng tượng và mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/bau-cu-tong-thong-phap-bat-ngo-co-the-xay-ra-nhu-my/709928.antd