Bầu cử Tổng thống Pháp 2017: Những gương mặt triển vọng

Chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Pháp đang làm nóng bầu không khí giá lạnh của mùa đông. Đại diện các đảng phái đã bắt đầu vào cuộc một cách mạnh mẽ và tận dụng những ưu thế, những chiến lược riêng của mình để giành được sự ủng hộ của cử tri Pháp.

Cho tới thời điểm hiện nay, có ba nhân vật đáng chú ý đang nổi bật trên chính trường Pháp: cựu Thủ tướng François Fillon (63 tuổi, trung hữu), Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen (49 tuổi, cực hữu) và Emmanuel Macron, nguyên Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số (40 tuổi, ứng cử viên độc lập).

Đáng chú ý, khoảng cách giữa ứng cử viên cánh hữu François Fillon và nữ ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen ngày càng thu hẹp, với tỷ lệ phiếu ủng hộ lần lượt là 23-28% và 22-24%. Một nhân vật chưa được biết nhiều trên chính trường Pháp là ứng cử viên Emmanuel Macron - người được biết đến với Phong trào Tiến lên - có khả năng giành được khoảng 16-24% phiếu bầu, thậm chí cũng có thể tiến vào vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Trong khi ứng cử viên sáng giá của Đảng Xã hội cánh tả là Manuel Valls, nguyên là Thủ tướng trong nội các của Tổng thống đương nhiệm François Hollande, lại bị giảm uy tín mạnh trong những ngày qua (13-15%). Mục tiêu của ông Valls là tập hợp cánh tả để giành thắng lợi trước cánh trung hữu và Đảng cực hữu FN.

Thêm nữa, chính trường Pháp có thể có bất ngờ mới khi xuất hiện một nhân vật khá nổi trội cũng thuộc Đảng Xã hội cánh tả: cựu Bộ trưởng Giáo dục, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu Benoît Hamon (50 tuổi). Đây cũng có thể là nhân tố đặc biệt của Đảng Xã hội trong cuộc bầu cử sơ bộ cuối tháng này để chọn ra ứng cử viên đại diện đảng này ra tranh cử Tổng thống Pháp.

Với tình thế xoay chuyển như hiện nay, cựu Thủ tướng Manuel Valls là người dường như đang lo lắng hơn cả, trước hết là cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Xã hội sắp tới. Đảng Xã hội sẽ phải đặt lên bàn cân đối với hai ứng cử viên Manuel Valls và Benoît Hamon. Bài toán này thật sự khó cho đảng cầm quyền. Nhất là trong bối cảnh nội bộ Đảng Xã hội ngày càng có những ý kiến trái chiều, thậm chí là chia rẽ quan điểm. Đây chính nguyên nhân làm cho đảng cánh tả cầm quyền ngày càng mất điểm.

Về đối ngoại, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp năm nay có điểm đặc biệt là ứng cử viên cánh hữu François Fillon và nữ ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đều có một số quan điểm gần với Nga, nhất là với chính sách của Tổng thống V. Putin. Và theo nhận định của các nhà phân tích, hai nhân vật này có khả năng sẽ gặp nhau tại vòng hai vào đầu tháng năm tới. Còn nhớ, năm 2014, bà Marine Le Pen là một trong những người phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Liên hiệp châu Âu (EU) đối với Nga và có phần đánh giá cao Tổng thống Putin. Còn ông François Fillon, khi giữ chức Thủ tướng, từ 2007-2012, cũng có những cộng tác nhất định với Tổng thống Nga V. Putin. Đặc biệt, đầu năm 2012, ông François Fillon tuyên bố ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng ở Syria, và Nga không phải là mối đe dọa đối với EU.

Trên bàn cờ chính trị nước Pháp hiện nay, có thể nhận thấy cán cân đang nghiêng về cánh hữu, gồm hai nhân vật Fillon và Marine Le Pen, với những quan điểm bảo thủ. Ông Fillon luôn có quan điểm cứng rắn trước các vấn đề xã hội, bảo vệ giá trị gia đình, ủng hộ nền kinh tế tự do và cải cách mạnh mẽ. Còn bà Marine Le Pen luôn có quan điểm cứng rắn, chống hội nhập, chống châu Âu, chống nhập cư và có tư tưởng muốn tách “đất nước hình lục lăng” ra khỏi EU. Trong khi đó, lực lượng cánh tả, trong đó có Đảng Xã hội cầm quyền thì dường như đang lúng túng và ở trong thế yếu, uy tín giảm, vì thế, cho dù nhân vật nào nổi trội của cánh tả cũng rất khó khăn mới có thể vượt lên trước hai đối thủ đang lên của cánh hữu trong cuộc đua vào Điện Élyseé năm nay.

Ông Benoît Hamon (bên trái) và Manuel Valls - hai nhân vật sáng giá của Đảng Xã hội. (Ảnh: LaNouvelleRépublique.

Nhiều cử tri Pháp đang quan tâm cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, bởi lẽ đảng nào cầm quyền, nhân vật nào giữ vị trí lãnh đạo đất nước sẽ có tác động quan trọng trong bối cảnh nước Pháp, châu Âu cũng như thế giới đang có quá nhiều biến động. Chiến dịch tranh cử từ nay tới ngày 23-4 (bầu cử vòng một) và ngày 7-5 (vòng hai) sẽ còn có nhiều diễn biến bất ngờ giữa ba mũi chính: trung hữu, cực hữu và cánh tả.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/31794702-bau-cu-tong-thong-phap-2017-nhung-guong-mat-trien-vong.html