Bầu cử Mỹ: Vì sao dân Mỹ không thích đi bầu?

Tỷ lệ cử tri Mỹ đi bầu thấp đã khiến giới chính trị, các nhà hoạt động và học giả nước này đau đầu tìm cách khắc phục song tình hình dường như không mấy được cải thiện.

Theo PBS Newshour, nghiên cứu hồi tháng Tám của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy xét về tỷ lệ cử tri đi bầu thấp thì Mỹ đứng thứ 31 trong 35 quốc gia nằm trong khối các nước dân chủ thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế.

Cụ thể, nghiên cứu của Pew chỉ ra rằng chỉ có 53% cử tri hợp lệ tại Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 tương đương với 129 triệu dân trong tổng số 241 cử tri tiềm năng tham gia bỏ phiếu.

Sự cạnh tranh giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa là một trong những yếu tố quyết định số lượng cử tri Mỹ đi bầu.

Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, tỷ lệ cử tri đi bầu tại Mỹ cũng đã gia tăng trong các cuộc bỏ phiếu chính thức bầu chọn Tổng thống và giữ ở mức 55 – 60%. Còn trên thế giới, tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất phải kể tới Bỉ với 87% theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ 84% và Thụy Điển 82%.

Cũng theo nghiên cứu của Pew, những quy định bỏ phiếu khắt khe đã dẫn tới tình trạng số cử tri đi bỏ phiếu sụt giảm. Cụ thể, theo Cơ quan bầu cử Mỹ, đơn vị chuyên theo dõi xu hướng đi bầu của các cử tri, chỉ 36% cử tri đăng ký đi bầu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, mức thấp nhất trong cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 1942, thời điểm nhiều người dân Mỹ trẻ tuổi phải ra nước ngoài chiến đấu trong Thế chiến thứ Hai. Theo ông David Becker, người đứng đầu dự án nghiên cứu tại Viện Pew, cứ 10 cử tri thì chỉ có 3 người tham gia các cuộc bầu cử sớm trong năm nay tại Mỹ.

Tờ Wall Street Journal nhận định tỷ lệ đi bầu tại Mỹ chịu tác động lớn từ sự cạnh tranh từ đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nếu như sự cạnh tranh này không khốc liệt, tỷ lệ đi bầu sẽ không cao.

Nhiều bang có tỷ lệ đi bầu thấp nhất thuộc về đảng Cộng hòa ở miền nam nước Mỹ nơi các quy định khắt khe làm hạn chế số lượng cử tri đi bầu. Tuy nhiên, ngay cả hai bang nổi tiếng là thánh địa của đảng Dân chủ là Hawaii và New York, tỷ lệ đi bầu cũng giảm xuống còn 20%.

Còn theo Trung tâm Luật Brennan, tính riêng trong năm 2016, ít nhất 14 bang tại Mỹ đã áp đặt các quy định bỏ phiếu khắt khe như giới hạn số lượng đăng ký đi bầu, trình giấy ủy nhiệm nhân thân khi đi bầu hộ và thu hẹp thời gian bầu cử sớm.

Kể từ năm 2012, ủy viên hội đồng lập pháp bang New York, ông Brian Kavanagh đã đưa ra một số biện pháp khắc phục tình trạng đi bầu sụt giảm như cho phép bỏ phiếu sớm, kéo dài hạn chót bầu cử và cập nhật công nghệ tại các điểm bỏ phiếu song tỷ lệ đi bầu vẫn không mấy cải thiện.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bau-cu-my-vi-sao-dan-my-khong-thich-di-bau-post213230.info