Bầu cử Mỹ 2016: Giới phân tích đánh giá tương quan phiếu đại cử tri của 2 ứng viên

Vòng tổng tuyển cử “giành vé” vào Nhà Trắng năm 2016 diễn ra vào ngày 8-11 (theo giờ Mỹ). Giới phân tích đã đánh giá cán cân ủng hộ vẫn nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hơn so với đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Nhiều dự báo về tỷ lệ ủng hộ vẫn nghiêng về phía bà Clinton

Để trở thành Tổng thống, 2 ứng viên cần đạt được 270 phiếu đại cử tri. Theo bản đồ dự đoán phiếu đại cử tri dành cho bà Clinton và ông Trump trên trang NPR cập nhật sáng sớm 7-11, Ngoại trưởng Mỹ Clinton có thể chắc chắn giành được 190 phiếu đại cử tri, trong đó bang California có số phiếu đại cử tri nhiều nhất là 55 phiếu; 84 phiếu đại cử tri của một số bang khác được dự đoán nghiêng về đảng Dân chủ.

Như vậy, bà Clinton có thể nắm được 274 phiếu đại cử tri. Con số này đối với ông Trump là 214 phiếu, trong đó phiếu đại cử tri chắc chắn là 157 phiếu và số dự đoán nghiêng về là 57 phiếu.

Các bang “chiến địa” 2 ứng viên cần nỗ lực giành phiếu đại cử tri là Nam Carolina (15 phiếu), New Hampshire (4 phiếu) và Florida (29 phiếu).

Vào ngày trọng đại đối với nước Mỹ, 8-11, nhiều quan sát viên quốc tế sẽ có mặt ở nước này để giám sát bầu cử.

Các quan sát viên sẽ đại diện cho hai tổ chức lớn có kinh nghiệm trong việc giám sát các cuộc bầu cử quốc tế, là Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Đây là lần đầu tiên, giới chức Mỹ đề nghị OAS, tổ chức có trụ sở đặt gần Nhà Trắng ở thủ đô Washington, tham gia giám sát bầu cử. Theo kế hoạch, các quan sát viên thuộc tổ chức OAS sẽ thực hiện nhiệm vụ tại thủ đô Washington và 11 bang; tổ chức OSCE dự kiến sẽ giám sát bầu cử tại 2/3 trên tổng số 50 bang của nước Mỹ.

Khi vị trí Tổng thống Mỹ vẫn là một ẩn số, tờ DW của Đức đưa tin, người dân Đức lo ngại quan hệ với Mỹ xấu đi nếu ông Donald Trump đắc cử.

Cuộc khảo sát mới được tổ chức Emnid thực hiện cho thấy 77% người Đức lo sợ sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Đức nếu ông Trump giành chiến thắng. Trong khi đó, 67% người cho rằng mối quan hệ gần gũi của Đức với Mỹ sẽ tiếp tục nếu bà Clinton là tổng thống.

Trong một diễn biến khác, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, mạng xã hội Twitter bị sập trên phạm vi toàn thế giới.

Theo RT, người dùng ở nhiều tiểu bang của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không thể truy cập Twitter. Người dùng ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng gặp sự cố khi vào mạng xã hội này. Hiện Twitter cũng chưa đưa ra bình luận.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/bau-cu-my-2016-gioi-phan-tich-danh-gia-tuong-quan-phieu-dai-cu-tri-cua-2-ung-vien/707697.antd