Bất thường một quyết định chống xe dù, bến cóc ở Tp. Hồ Chí Minh?

Với danh nghĩa chống ùn tắc giao thông, chống xe dù, bến cóc, Sở Giao thông vận tải TP.HCM (GTVT TP.HCM) phát ra thông báo cấm xe khách 25 chỗ lưu thông vào đường Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) bắt đầu từ thứ bảy, ngày 29/10/2016.

Điều bất thường và khá “lộ” là đoạn đường cấm chỉ bằng 1/5 con đường (từ đường Hùng Vương đến Ngã bảy) lại nằm trên tuyến thông thoáng, hầu như chưa từng ùn tắc hay kẹt xe!?

Cấm vô lý và khó hiểu!

Bốn ngày trước khi lệnh cấm có hiệu lực, chúng tôi có một khảo sát chớp nhoáng, căn cứ vào những phản ánh cầu cứu của một số doanh nghiệp và cư dân khu vực này. Một người chạy xe ôm ngã ba đường Vĩnh Viễn – Lê Hồng Phong cho biết, vào giờ cao điểm lượng xe có đông hơn một chút nhưng chưa bao giờ kẹt xe.

Một doanh nghiệp vận tải có văn phòng tại đoạn đường này phân tích: Đường Lê Hồng Phong là trục giao thông lớn kết nối quận 5 với quận 10 và kết nối với tuyến trục của thành phố là đại lộ Võ Văn Kiệt. Hàng chục năm qua, các phương tiện vận tải vẫn lưu thông bình thường, chưa khi nào có hiện tượng ùn tắc. Các trục đường Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn cũng đều có mật độ giao thông thấp, lại kết nối với trục đường chính kết nối đại lộ Võ Văn Kiệt nên cũng không gây ùn tắc. Trên các tuyến đường này, các văn phòng, điểm giao dịch của doanh nghiệp vận tải, các nhà hàng, khách sạn của người dân cũng không gây ra ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Trưởng Ban quản lý Trung tâm tiệc cưới Western Palace (443 -445 Lê Hồng Phong) cho biết, mặt đường Lê Hồng Phong rộng đến 35m, mật độ xe lưu thông lại không nhiều nên đường luôn thông thoáng. “Bốn tháng, kể từ ngày Western Palace hoạt động đến nay đường chưa bao giờ ùn tắc hay kẹt xe. Các doanh nghiệp kinh doanh khu vực này như chúng tôi chẳng hạn, đều ý thức về tình trạng giao thông nên qui định xe dừng đỗ khách hay nhận khách đều không quá 5 phút. Tôi thấy quyết định cấm xe lưu thông đoạn này trong giai đoạn này là không hợp lý, không cần thiết” ông Nhân nói

Tiếp tay cạnh tranh không lành mạnh?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường Lê Hồng Phong ngày nay tiền thân là khu vực bến xe nổi tiếng mang tên bến xe Pétrus Ký (lấy tên con đường đặt làm tên bến xe) gồm khu vực ngã tư Lê Hồng Phong - Trần Phú và ngã tư Lê Hồng Phong – Hùng Vương hiện nay.

Sau 1975, bến xe này được đổi tên thành bến xe Lê Hồng Phong; tiếp đó năm 1976, lại đổi thành bến xe Xa cảng miền Đông Trung bộ và đến năm 1981, thì dời hẳn ra quận Bình Thạnh (bến xe miền Đông ngày nay). Tuy nhiên, do lịch sử lâu đời như vậy (hơn 70 năm), nên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn lấy khu vực này làm điểm giao dịch, mua bán xe, đón và trả khách. Chính vì vậy, một thời gian dài khu vực này rất náo nhiệt, xe cộ ra vào tấp nập phát sinh nhiều loại hình xe dù, bến cóc.

Hai năm trước, với nỗ lực rất lớn, các nhà quản lý giao thông đã ra những quyết sách mạnh mẽ để dọn dẹp tình trạng xe dù, bến cóc, đưa các nhà kinh doanh vận tải vào nề nếp, hoạt động khá trật tự. Gần như suốt con đường Lê Hồng Phong, đoạn từ Ngã Bảy đến đường Nguyễn Trãi, doanh nghiệp vận tải mọc lên san sát. Trong đó, hai nhà xe nổi bật nhất là Phương Trang và Thành Bưởi. Trên đoạn đường này, mỗi doanh nghiệp đều có ít nhất 3 địa điểm vừa làm văn phòng, vừa làm nơi bán vé, nhận hàng hóa, đón và trả khách.

Cuối năm 2015, khi mảnh đất lớn tại bến xe Lê Hồng Phong (cũ) do 2 doanh nghiệp Phương Trang và Thành Bưởi thuê bị thu hồi, cũng là lúc phát sinh cạnh tranh. Thành Bưởi nhanh chân thuê khuôn viên rộng rãi của Công ty Giày Sài Gòn (419 Lê Hồng Phong hay số 1 Vĩnh Viễn) trong khi Phương Trang và các danh nghiệp khác lại phải vất vả tìm kiếm các mặt bằng nhỏ lẻ bên ngoài. Cuộc cạnh tranh ngấm ngầm vô tình hình thành và lợi thế dĩ nhiên thuộc về kẻ nắm ưu việt về sân bãi.

Trở lại thông báo của Sở GTVT TP.HCM, trước khi phát ra thông báo “chết người” nói trên, cơ quan này đã có nhiều cuộc họp “trưng cầu ý kiến” và hé lộ thông tin sẽ cấm xe khách trên đoạn đường Lê Hồng Phong để các doanh nghiệp “chuẩn bị tinh thần”. Và bất chấp nhiều ý kiến phản đối, kể cả gửi đơn đến các cơ quan Nhà nước cấp cao hơn kêu cứu, Sở GTVT vẫn kiên quyết hành động. Và rồi, ngày 23/10/2016, Sở GTVT TP.HCM đã cho treo băng rôn trên đường và nói như một quan chức trong ngành là “quyết tâm chấn chỉnh xe dù, bến cóc”. Trên đoạn đường bị cấm chính là đại bản doanh của Thành Bưởi đang tọa lạc…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc liên quan đến vấn đề này.

Gia Lượng – Long Đỉnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/bat-thuong-mot-quyet-dinh-chong-xe-du-ben-coc-o-tp-ho-chi-minh-302057.html