Bắt rắn mưu sinh và nhọc nhằn con đường đến lớp!

Lớp học con em cộng đồng người Việt ở Biển Hồ bập bênh sông nước, không kể hết được bao nỗi gian truân!

Tiếp theo các kỳ trước , trong kỳ này, tác giả tiếp tục cung cấp tới độc giả bức tranh đến trường của học trò Biển Hồ, Campuchia....

Hầu hết, các học sinh đến học tại Trung tâm Giáo dục và từ thiện đều sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, bố mẹ không được học hành tử tế nên mù chữ.

Nhà nghèo, sinh sống trong không gian chật hẹp lênh đênh trên nước nên các gia đình người Việt ở Biển Hồ đều sinh đông con.

50% gia đình có từ 5 đến 9 con tá túc trên chiếc thuyền chưa nổi 10m2.

May mà nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn nuôi ăn, cung cấp sách vở, bút giấy thì chúng tôi mới có điều kiện cho con đến trường chứ cuộc sống càng ngày càng khó khăn kiếm chưa nổi miếng ăn, lấy gì cho con học với hành?”, bà Nguyễn Thị Ty, một phụ huynh than vãn.

Do mưu sinh, nên mới 4, 5 tuổi trẻ em ở đây đã có thể thả câu bắt cá, rắn.

Sau giờ học bắt rắn mưu sinh.

Cảnh bắt rắn của hai anh em trên chiếc thuyền mà tôi chụp được không phải là hiếm hoi đối với cuộc mưu sinh của cộng đồng người Việt.

Anh Song Hen – hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi: “Mình thì rợn tóc gáy, nổi da gà nhưng đó là chuyện thường ngày ở hồ với trẻ em xứ sở này”.

Tôi đã đến nhiều nơi, nhưng có lẽ chưa ở đâu con đường đến trường của các em học sinh lại gian truân như ở đây.

Mùa nước cạn, phải xuống nước đẩy thuyền, ghe không cập bến được, đến trường như người vừa từ ruộng bùn bước lên.

Con đường đến trường gian nan.

Mùa mưa lũ, lênh đênh trên sông nước, đối mặt với gió bão, sấm chớp, có khi giữa bốn bề không nón, mũ, áo mưa, đến lớp “ướt như chuột lột”, nhưng cũng không có quần áo thay, vì đa số học sinh đến lớp chân không giày dép, không nón mũ; ở bán trú mà thiếu cả những dụng cụ sinh hoạt bình thường như khăn mặt, bàn chải đánh răng.

Nhưng đó chỉ mới là “phần nổi” của tảng băng còn “phần chìm” chính là sự quẩn quanh, bế tắc của cuộc sống những người dân chưa tìm được lời giải.

Theo thầy Trần Văn Tư, nhà trường đã nghèo nhưng có một số bà con già cả neo đơn hay góa bụa, bệnh tật kinh niên cũng đành “gá” vào trung tâm:

Trước hoàn cảnh khó khăn của họ, chúng tôi không nỡ chối từ. Ví như chị Vinh mang bầu thì chồng mất, không nơi nương tựa, không thuyền, không nhà cửa, nên trung tâm cũng phải bao bọc gần mười năm nay.

Hiện cháu Trung đã học lớp 3 và hai mẹ con xem trung tâm như mái ấm gia đình mình”.

Con đường đến trường gian nan.

Tôi đã gặp cháu Trung, so với bạn bè cùng lứa, Trung còi cọc, da sạm đen, nói năng nhỏ nhẹ.

Chỉ có 2 bộ quần áo nhưng đã nhầu nhĩ nhưng Trung học lại rất sáng dạ, mang vở bài tập Toán, chính tả ra khoe với tôi với những nét viết rất mộc mạc, chân phương; Trung đã được nhiều điểm 8, 9 và 10.

Khác với Trung, Hồng Thị Giang (13 tuổi, học sinh lớp 5) tháo vát nhanh nhẹn, ngoài học có thể phụ giúp các cô nhen lửa, rửa rau và các công việc nhà bếp.

Giang kể: “Nhà Giang có 9 anh chị em, Giang con út, bảy anh chị đều mù chữ, chỉ có chị Hồng Thị Mén (14 tuổi) và Giang được đi học.

Hiện nay, hai chị em cùng học lớp 5 nên không chỉ dùng chung sách vở mà có khi dùng chung cả quần áo”.

Hai chị em Giang chăm chỉ học hành, ham hiểu biết; ngoài giờ lên lớp, rỗi không đọc sách làm bài, hai chị em tự nguyện giúp vệ sinh lớp học hay nhà ăn. Khao khát lớn nhất của hai chị em Giang và 27 học sinh lớp 5 ở trung tâm là làm sao được tiếp tục học lên.

Hiện trung tâm mới chỉ dừng lại dạy cho các em học sinh nghèo từ lớp 1 đến lớp 5. Nhiều em học xong lớp 5 muốn học lên không biết học ở đâu.

Hỏi chuyện các học sinh lớp 5, em nào cũng có nguyện vọng được tiếp tục học. “Cháu không muốn xa lớp, xa trường. Cháu muốn được tiếp tục học nữa nhưng trường chỉ dạy đến lớp 5 thôi”, Nguyễn Thị My My (học sinh lớp 5) rơm rớm nước mắt.

Còn hai chị em Mén và Giang thì nhìn ra cửa sổ lớp học hướng Biển Hồ, buồn bã, im lặng không nói gì.

Đến trường mùa nước cạn.

Một lúc lâu, Mén lí nhí: “Chúng cháu muốn lên bờ học tiếng Campuchia, nhưng hôm trước ba má nói nhà không có điều kiện để tiếp tục, thành thử vài tháng nữa là hai chị em cháu kết thúc quãng đời đi học”.

Trao đổi với chúng tôi, giọng thầy Tư trĩu nặng: “Không có có Quân Khu 7, không có tấm lòng hảo tâm của khách du lịch đến từ khắp nơi đặc biệt là các tập thể, cá nhân từ Việt Nam sang, trung tâm không thể tồn tại được.

Để trung tâm tồn tại, chúng tôi phải đối mặt với trăm ngàn thách thức, còn câu chuyện có được ngôi trường cấp 2 chỉ là ước mơ. Thương các em lắm, nhưng “lực bất tòng tâm”, biết làm sao được!”.

Nói rồi, thầy giơ tay lau những giọt nước mắt lăn trên má .

Qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ thầy trò Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ, Căm Pu Chia.

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bat-ran-muu-sinh-va-nhoc-nhan-con-duong-den-lop-post171354.gd